VNG dự kiến IPO tại Mỹ qua SPAC?

15:19, 14/08/2021

Theo một nguồn tin cho biết, CTCP VNG - đơn vị sở hữu ứng dụng Zalo - đang cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với 1 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (Special purpose acquisition company - SPAC). Mức định giá của VNG hiện có thể ở mức 2-3 tỷ USD.

Tập đoàn VNG đang cân nhắc việc niêm yết lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ thông qua SPAC. Mục đích duy nhất của SPAC là huy động vốn thông qua IPO để hợp nhất hoặc mua lại một công ty khác và đưa công ty đó lên sàn. Thông thường, SPAC được tạo ra hoặc được tài trợ bởi một nhóm nhà đầu tư tổ chức.

Theo Bloomberg, "Kỳ lân công nghệ" VNG đang làm việc với các cố vấn tài chính để tổ chức nhiều cuộc thảo luận với các SPAC cho một thỏa thuận trong tương lai. Nguồn tin riêng cho biết, giao dịch trên nếu diễn ra có thể định giá VNG ở mức 2-3 tỷ USD.

Tuy nhiên, đại diện của VNG từ chối bình luận về vấn đề này và cho biết không có quyết định nào về IPO hoặc SPAC được đưa ra hoặc thông qua.

VNG sẽ là doanh nghiệp Việt đầu tiên IPO tại Mỹ qua SPAC?

Trước đó, VNG đã và đang xem xét niêm yết trên Nasdaq ít nhất từ năm 2017. Nếu IPO tại Mỹ, VNG sẽ là tên tuổi mới nhất tham gia cùng các công ty Đông Nam Á trong việc tìm kiếm con đường lên sàn tại Mỹ.

Tiếp đến, vào đầu năm 2019, VNG đã bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu. Bên mua là Temasek của chính phủ Singapore. Giao dịch này tương ứng mức định giá của VNG khoảng 2,2 tỷ USD, tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành. Thậm chí giá trị của VNG thời điểm đó còn gần gấp đôi so với CTCP FPT (27.600 tỷ đồng ~ 1,2 tỷ USD).

Sau hai năm rưỡi, rất nhiều thứ thay đổi, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ. Mốc tham chiếu của VNG là FPT hiện có giá trị thị trường 85.120 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), tức gấp 3 lần. Điều này khiến cho mức định giá tối đa ở mức 3 tỷ USD đối với kỳ lân công nghệ bị đặt dấu hỏi.

Ra đời năm 2004, với tư cách là một công ty trò chơi điện tử, các sản phẩm của VNG tiếp cận hơn 80 triệu người dùng. Từ khi thành lập đến nay, VNG đã đa dạng hóa, mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời xây dựng nên một trong những cơ sở người dùng trực tuyến lớn nhất cả nước. Công ty phát triển và xuất bản các tựa game của riêng mình cũng như phân phối các "bom tấn" quốc tế như PUBG Mobile.

Một khách hàng đang thực hiện thanh toán không tiền mặt qua ví điện tử ZaloPay.

Ngoài mảng trò chơi điện tử, VNG đang sở hữu ứng dụng nhắn tin Zalo và ví điện tử ZaloPay, các dịch vụ điện toán đám mây, dịch vụ truyền thông, thương mại điện tử (Tiki). Mô hình của VNG có nhiều nét tương đồng với Sea Limited của Singapore, công ty mẹ của Garena, Shopee và Seamoney.

Tháng 10/2017, Sea niêm yết trên sàn New York với mức giá 15 USD/cp. Đến thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu Sea đạt gần 306 USD, tức gấp 20 lần. Định giá của công ty công nghệ Singapore trên 160 tỷ USD, là công ty giá trị nhất Đông Nam Á. Nhưng giá trị của Sea chỉ thực sự bùng nổ sau thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Tính riêng giai đoạn từ cuối tháng 3/2020, cổ phiếu SE tăng từ mức 40 USD lên hơn 300 USD (gấp hơn 7 lần). Hay nói cách khác, giai đoạn hậu làn sóng COVID-19 đầu tiên là thời của cổ phiếu các công ty công nghệ.

Quay trở lại với VNG, năm 2020, doanh thu thuần công ty đạt hơn 6.000 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế giảm hơn một nửa, còn mức 261 tỷ đồng. Con số này vẫn cao hơn đáng kể so với mức kế hoạch lợi nhuận đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2020 thông qua. Theo báo cáo thường niên năm ngoái, VNG đang đầu tư 20 công ty thành viên, trong đó ghi nhận phần lỗ lớn nhất của Zion, công ty chủ quản Zalo, với hơn 666 tỷ đồng. Trong top công ty thành viên thua lỗ còn có sàn thương mại điện tử TiKi với gần 4 tỷ đồng.

Tại Đại hội đồng cổ đông lần này, VNG dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu hơn 7.609 tỉ đồng, tăng 26% so với kế hoạch đề ra năm 2020. Lợi nhuận sau thuế dự kiến là -619 tỉ đồng do chiến lược tiếp tục đầu tư mạnh cho Thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và Cloud, cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19.

Thế nhưng, VNG hiện đang tham gia vào hai cuộc chơi được đánh giá là có tính mạo hiểm cao.

Một là khoản đầu tư vào CTCP Ti Ki - vận hành sàn thương mại điện tử Tiki. Trên thực tế, VNG đầu tư vào Tiki hơn 500 tỷ và đã lỗ hết vốn từ năm ngoái, không đầu tư thêm. Sàn thương mại điện tử Tiki hiện đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ hai ông lớn tầm khu vực là Shopee (thuộc Sea) và Lazada (thuộc Alibaba), cả hai đều có nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực vững mạnh. Trong những năm gần đây, Tiki phải xoay sở với việc gọi vốn và hiện đã chuyển phần lớn cổ phần sang công ty holding tại Singpore để thực hiện kế hoạch của mình.

Trong khi đó, ZaloPay của CTCP Zion tham gia vào thị trường ví điện tử cũng ngày càng lỗ nặng. Năm ngoái, Zion lỗ xấp xỉ 667 tỷ đồng và được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm nay. Riêng 6 tháng đầu năm, Zion ước lỗ khoảng 535 tỷ đồng.

Nửa cuối năm 2021, VNG sẽ thực hiện việc bán ra hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư trong nước. Đây là lượng cổ phiếu quỹ được công ty mua vào cách đây 10 năm. Đặc biệt, cổ đông ngoại Tencent vẫn đang sở hữu quyền mua 1,033 triệu cổ phiếu phổ thông của VNG (tương ứng 2,88% vốn cổ phần) cho đến hết năm 2021.

Trước đó VNG, Việt Nam cũng đã có doanh nghiệp đặt vấn đề dự kiến IPO tại Mỹ qua SPAC.

Tuy nhiên vào quý 1 năm 2021, sau giai đoạn bùng nổ, hoạt động SPAC đã bị Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) siết lại.

Do đó, nhiều kế hoạch IPO qua SPAC không chỉ của doanh nghiệp Việt đầu tiên lên kế hoạch này bị chìm xuống, nhiều doanh nghiệp đặc biệt khối công nghệ trong khu vực cũng tạm đình hoãn đàm phán. Rất có thể được xướng tên trong kế hoạch lần này, cùng kinh nghiệm và tính toán linh hoạt vươn xa qua phương thức gọi vốn của Ti Ki, VNG đã có sự chuẩn bị.

PV (T/h)