TS. Trần Bá Dung: Vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí không bao giờ thay đổi
“Báo chí vẫn giữ một vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội không thể thay thế. Tôi luôn đề cao chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí” - đó là những chia sẻ của TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam hiện là Trưởng khoa Marketing - Truyền thông Trường Đại học Hoa Sen với Tạp chí Tin học và Đời sống.
PV: Theo ông, trong thời đại công nghệ số, khi mỗi người dân chỉ với một chiếc smartphone trong tay có thể tác nghiệp phản ánh những bất cập, tiêu cực giống một phóng viên, thì vai trò của báo chí sẽ thay đổi như thế nào?
TS. Trần Bá Dung: Theo tôi, báo chí vẫn giữ một vai trò không thể thay thế được, là định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Dù cho hiện nay công chúng có tiếp nhận thông tin ở mạng xã hội hay ở đâu đi chăng nữa thì báo chí vẫn là một kênh thông tin chính thống, thông tin chắt lọc, thông tin mang tính dẫn dắt, định hướng, đảm bảo độ tin cậy cao nhất. Vì thế, các nhà báo cứ yên tâm mà làm việc.
TS. Trần Bá Dung cho rằng, báo chí vẫn giữ một vai trò không thể thay thế được là định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội.
PV: Có quan điểm: “Xưa đọc báo để thêm tri thức, nay có tri thức mới đọc báo”. Bởi lẽ hiện nay có quá nhiều "mác" báo chí, kể cả những trang tin, mạng xã hội, gây những thông tin giả, đánh lừa dư luận, khiến người đọc phải là người có kiến thức mới sàng lọc được thông tin đúng sai. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Báo chí sẽ phải có cách thức tác nghiệp, đưa tin như thế nào để phù hợp với tình hình hiện nay?
TS. Trần Bá Dung: Bản chất báo chí không phải là trường học bậc cao hay phải có trình độ cao mới đọc được. Báo chí là thông tin đời sống xã hội, kể cả thông tin chính trị cũng phải viết dễ hiểu. Còn nếu đưa thông tin sai lệch thì đã có Luật Báo chí. Chúng ta có 3 ngành dọc để quản lý báo chí gồm Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan quản lý Nhà nước, Ban Tuyên giáo Trung ương là nơi định hướng hoạt động báo chí của cả nước, Hội Nhà báo Việt Nam là quản lý vấn đề nghiệp vụ.
Báo chí ngày nay phải cạnh tranh với mạng xã hội nên không thể đưa tin theo kiểu ngày xưa nữa. Báo chí phải đưa tin với tốc độ nhanh hơn, đa chiều, thông tin hấp dẫn, hình thức bắt mắt. Ví dụ như báo in, đưa tin sẽ bị lùi một ngày nên thông tin cần chuyên đề, nhiều dữ liệu hơn và chú trọng vào chiều sâu hơn để người ta hiểu. Người làm báo cần thay đổi phong cách làm việc, thay đổi nhận thức và cách tiếp cận, lý giải vấn đề. Nếu vẫn làm theo kiểu ngày xưa thì sẽ bị ở lại phía sau so với mạng xã hội.
PV: Thực tế hiện nay, báo chí tham gia phản biện và giám sát xã hội lại dễ bị xem là "đếm tầng, đánh đấm, bóp cổ doanh nghiệp". Vậy theo ông, lằn ranh nào giữa giám sát, phản biện xã hội và "đếm tầng, đánh đấm"? Qua đó, các tòa soạn, phóng viên nên tác nghiệp như thế nào để thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội?
TS. Trần Bá Dung: Thực ra vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí thì không bao giờ thay đổi, thời nào cũng vậy. Tại Việt Nam, giám sát, phản biện xã hội được nâng lên thành chức năng của báo chí từ Đại hội X của Đảng. Còn ở trên thế giới thì người ta coi việc giám sát, phản biện xã hội là đương nhiên của báo chí.
Khi thực hiện chức năng này nhà báo phải tìm hiểu rất kỹ, tìm hiểu những góc khuất, những cái chưa được giải thích, chưa được trình bày, chưa được thể hiện ra, cần đến sự phản biện sâu sắc của nhà báo, phải điều tra kỹ. Khi điều tra thì cần có những nguồn tin khác với nguồn tin đang tiếp cận. Nhà báo có thể dùng biện pháp cải trang, hoá thân thành nhân vật, thành một nguồn tin khác để khai thác, vẫn được phép. Đó là điều rất đàng hoàng. Vậy giữa giám sát, phản biện xã hội với tống tiền doanh nghiệp, hay đánh đấm, chỉ một thứ lằn ranh duy nhất là đạo đức nghề nghiệp. Anh nào có đạo đức nghề nghiệp chân chính, lương tâm trong sáng, thì giữ được.
Một lần trả lời phỏng vấn tôi đã nói là, đi làm điều tra, đi làm phản biện cũng giống như đánh trận đừng có trao “vũ khí hạng nặng” cho người mà đạo đức không trong sáng. Bởi người ta dễ lợi dụng, trục lợi. Việc giữ gìn phải do chính nhà báo, còn cơ quan báo chí biết để mà quản lý.
Theo TS. Trần Bá Dung, báo chí phải có tôn chỉ, mục đích nhưng không phải vì thế mà làm mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội.
PV: Theo ông, việc phân biệt báo - tạp chí với phân ngành dọc "tôn chỉ, mục đích" có những ưu điểm và khuyết điểm gì để báo chí tham gia phản biện xã hội?
TS. Trần Bá Dung: Theo tôi, mỗi một tờ báo hay tạp chí sinh ra đều có tôn chỉ, mục đích nghĩa là phải có lý do tồn tại của anh. Tôn chỉ là cái hướng tới cao cả nhất của một tờ báo, tạp chí. Anh có lý do tồn tại thì phải khác với người khác. Thông tin chung đã có những tờ báo tổng hợp, tờ báo chính trị - xã hội người ta làm rồi. Báo, tạp chí của một bộ, ngành thì phải có lý do, tôn chỉ, mục đích để phục vụ cho ngành đó, nhưng tạp chí cần thông tin chuyên đề, chuyên sâu, mang tính lý luận, hương dẫn nghiệp vụ, tổng kết thực tiễn và bài học kinh nghiệm…
Một tờ báo, tạp chí của ngành này, địa phương này không thể đủ thông tin và chắc chắn không được giao nhiệm vụ đi “đánh đấm”, chống tiêu cực ở ngành khác, địa phương khác. Mặc dù, chống tiêu cực là việc đàng hoàng của nhà báo nhưng nếu ai cũng làm phần việc của người khác thì sẽ hỗn loạn trong hoạt động báo chí, có những thứ không trong sáng cũng nảy sinh từ đây. Chưa kể về mặt nghiệp vụ, khi không ở trong ngành đó thì làm sao hiểu sâu vấn đề đó để phản biện được.
Tôi ủng hộ báo chí phải có tôn chỉ, mục đích nhưng không phải vì thế mà làm mất đi vai trò giám sát, phản biện xã hội. Tôi luôn đề cao chức năng giám sát, phản biện xã hội của báo chí nhưng luôn khẳng định một tờ báo, tạp chí nào ra đời cũng có lý do ra đời và lý do để tồn tại. Nếu sinh ra các cơ quan báo chí có hoạt động giống nhau thì sẽ chồng chéo, trùng lặp thông tin và gây lãng phí lớn, khó kiểm soát thông tin.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Theo Tạp chí in số 2 tháng 6/2024