Từ 1/7/2022, các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và sử dụng thiết bị mô phỏng lái xe để đào tạo cho học viên

14:28, 27/04/2022

Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, đến ngày 1/7/2022, việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo.

Ảnh: minh họa

Các cơ sở phải trang bị ca bin học lái xe để đào tạo cho học viên kể từ ngày 1/7/2022 là quy định trong Thông tư số 01/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (ban hành ngày 27/1/2021). Thời gian học của mỗi học viên được quy định là 3 giờ đối với chương trình đào tạo lái xe hạng B1, B2, C và 1 giờ đối với chương trình đào tạo nâng hạng lái xe (nâng hạng từ B1 số tự động lên B1 thì không phải học).

Ca bin có độ mô phỏng chính xác cao, khá giống với buồng lái của xe trong thực tế. Quy trình học trong ca bin cũng theo những bài tập lái xe cơ bản như vận hành số xe, thực hành "đề-pa" lên dốc, đường quanh co, đường vuông góc, lùi chuồng... như bài sa hình thi sát hạch.

Ngoài ra, ca bin cũng có phần bài tập kỹ năng lái xe trên các địa hình như đường đồi núi, cao tốc, đồng bằng, trong thành phố...

Trong quá trình thực hành, thiết bị sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, không thắt dây an toàn, các tình huống khi xảy ra tai nạn... giống trong thực tế. Thậm chí, các loại hình thời tiết (sương mù, nắng, mưa) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống để người học nâng cao kỹ năng xử lý tình huống.

Đại diện nhiều đơn vị đào tạo lái xe khẳng định ủng hộ việc áp dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy và sát hạch lái xe, nhưng đến nay, hầu hết các trung tâm đào tạo trên địa bàn cả nước đều chưa đầu tư ca bin tập lái. Nguyên nhân là trên thị trường, đơn vị cung cấp thiết bị này chưa phổ biến và thực tế cũng chưa có sản phẩm ca bin nào được chứng nhận hợp quy được tung ra thị trường. 

Theo tính toán, đối với cơ sở đào tạo lái xe dưới 1.000 học viên, tối thiểu phải có 15-20 ca bin, mỗi ca bin có giá từ 400 đến 500 triệu đồng thực sự là khoản đầu tư rất lớn.

Để tháo gỡ khó khăn, các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam nên thí điểm tại một số trung tâm đào tạo lái xe công lập để đánh giá hiệu quả, sau đó mới nhân rộng ra các cơ sở đào tạo khác. 

"Ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến cho hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe bị đình trệ, nên nguồn thu của các trung tâm bị sụt giảm nghiêm trọng, dẫn tới khó khăn trong việc bố trí kinh phí đầu tư trang thiết bị theo yêu cầu mới. Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành quy chuẩn thiết bị, do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cần sớm công bố danh sách các nhà cung cấp thiết bị bảo đảm quy chuẩn", ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm Sát hạch và cấp giấy phép lái xe ô tô Đức Thịnh kiến nghị.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) Đào Duy Phong cho biết, Sở đang chờ chuyển giao phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để bàn giao cho các cơ sở đào tạo; xây dựng biểu mẫu, sổ sách nghiệp vụ phục vụ đào tạo lái xe theo đúng quy định của Bộ Giao thông Vận tải. 

"Việc trang bị phần mềm và thiết bị mô phỏng lái xe vào quy trình đào tạo là một giải pháp đổi mới sát hạch lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học. Đây là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Nếu trung tâm nào không trang bị sẽ không được phép đào tạo lái xe ô tô. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đôn đốc các sở triển khai theo đúng lộ trình này", ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định.

Mỹ Linh (T/h)