Từ Đào tạo lập trình đỉnh cao đến Kỹ sư Công nghệ Thông tin thiện chiến
Là giảng viên của một trường đại học, có 10 năm kinh nghiệm huấn luyện đội tuyển tham gia các kỳ thi lập trình đỉnh cao ở Việt Nam và châu Á, tôi xin chia sẻ quá trình đào tạo lập trình chuyên sâu tại trường đại học đến kỹ sư công nghệ thông tin thiện chiến ở các công ty công nghệ Việt Nam và thế giới.
Kỳ thi tạo ra thử thách
Nói đến các kỳ thi, xã hội hiện nay vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau hoặc là đồng thuận hoặc là bài xích với các lập luận không giống nhau, điểm chung của hai phía đều đến từ quan điểm của người lớn thay vì chính kiến của người học là thí sinh của các kỳ thi. Cá nhân tôi nghiêng về thái cực ủng hộ theo nghĩa các kỳ thi tạo ra thử thách đối với người học.
Ở Việt Nam, Tin học chưa được chú trọng ngoại trừ một số trường chuyên bắt đầu đào tạo thuật toán và lập trình ở bậc trung học phổ thông. Vậy nên đa số sinh viên Công nghệ Thông tin bắt đầu được đào tạo lập trình bài bản ở bậc đại học, và họ cũng tiếp cận các kỳ thi lập trình đỉnh cao trong giai đoạn này. Điển hình là kỳ thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam (sáng kiến của Hội Tin học Việt Nam, Hội Sinh viên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo) từ năm 1992 và Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC (ACM International Collegiate Programming Contest) được đưa vào Việt Nam năm 2006.[1] Các kỳ thi này đã thu hút hàng ngàn sinh viên đến từ hàng trăm trường đại học và cao đẳng trên cả nước, vòng thi quốc gia và khu vực châu Á hàng năm tạo thành ngày hội dành cho sinh viên Công nghệ Thông tin, ở đó sinh viên tập trung cao độ để giải quyết các bài toán hóc búa trên máy tính, vượt qua thử thách để chạm vào vinh quang.
Đội tuyển trường ĐH Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh tại kỳ thi OLP/ICPC năm 2021. ảnh: Công nghệ và Đời sống
Huấn luyện tạo nên chiến binh
Quá trình huấn luyện lập trình đỉnh cao thường trải qua ba giai đoạn, đây là lộ trình chung được các trường đại học áp dụng để tạo nên các chiến binh tham gia vào đội tuyển thi đấu hàng năm.
Phát hiện nhân tố; ngoại trừ các trường đại học tốp đầu chọn đội tuyển từ nguồn học sinh chuyên tin, các trường đại học và cao đẳng khác chọn sinh viên sau khi hoàn thành các học phần kỹ thuật lập trình. Họ không những đạt điểm số tốt mà còn bộc lộ tố chất và tư duy lập trình.
Đào tạo nền tảng; sinh viên được tuyển chọn tham gia vào các khóa lập trình nâng cao, ở đó họ được cũng cố nền tảng toán, phân tích thuật toán và cấu trúc dữ liệu. Đây là giai đoạn hoàn thành ma trận kiến thức mà mỗi lập trình viên thi đấu cần có. Có thể hình dung nó là một bảng gồm các dòng là nội dung kiến thức và các cột là mức độ sinh viên cần đạt để có thể hoàn thành thử thách trong các kỳ thi có tính chất và độ khó khác nhau.
Lập trình đỉnh cao; là giai đoạn giảng viên chuyển từ giảng dạy (training) sang huấn luyện (coaching) cá nhân hoặc đội (team) - chuẩn ICPC mỗi team gồm 3 sinh viên, lúc này thí sinh hoặc team hướng đến giải quyết các bài toán với “chi phí” bộ nhớ tối thiểu và thời gian trả về kết quả nhanh nhất (tính theo đơn vị phần trăm giây). Đây là giai đoạn vận dụng hiệu quả kiến thức nền tảng vào giải quyết các bài toán khó trên máy tính đồng thời đòi hỏi thí sinh có các kỹ năng lập trình thi đấu để chiến thắng trong kỳ thi.
Sự nỗ lực tự học của mỗi thí sinh cũng đóng vai trò quyết định đến thành tích của họ. Càng đi sâu vào quá trình huấn luyện thì yếu tố tự đào tạo của người học càng có tính quyết định, đây là giai đoạn bứt phá, kỳ tích xuất hiện với những thí sinh/đội tuyển có tinh thần thi đấu cao nhất, đó chính là những chiến binh lập trình đỉnh cao.
Đội IHU.CopyPaste (Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM), FPTU Nemo (ĐH FPT), VinUNI-GitGuT (Trường Đại Học VinUniversity), FUV_Crescent (Đại học Fulbright Việt Nam), NEW-TWO (ĐH Kinh tế Quốc dân) đạt giải Ba ICPC ASIA Hanoi 2021. ảnh: Công nghệ và Đời sống
Thành tích mở ra cơ hội đưa sinh viên đến các tập đoàn công nghệ
Hành trình 30 năm Olympic tin học sinh viên Việt Nam và 15 năm hội nhập quốc tế kỳ thi ICPC ViệtNam, đằng sau những “quả ngọt” thu được là cơ hội mở ra cho hàng trăm sinh viên bước vào các tập đoàn công nghệ cao ở Việt Nam và thế giới.
Theo thời gian, danh sách chiến binh sau mỗi kỳ thi ngày càng dài ra, cùng với đó là sự trưởng thành và thành danh của họ mà trong khuôn khổ bài viết này không thể liệt kê đủ. Một vài gương mặt tiêu biểu trong số đó được nhắc đến là khi họ trở về tham gia lễ kỷ niệm 30 năm OLP/ICPC Việt Nam, đó là; Nguyễn Thành Trung (World Final ICPC 2014) - cựu sinh viên Trường Đại học FPT, sáng lập viên game blockchain Axie Infinity; Lưu Thế Lợi (OLP - ICPC 2010) thành công với Kyber Network; Lê Yên Thanh (OLP - Word Final ICPC 2014, 2016) - Forbes Vietnam 30 under 30; Phạm Hữu Ngôn (OLP - World Final ICPC 2006) - CEO & CTO AHAMOVE).[2]
Giao lưu với các khách mời đặc biệt của OLP-ICPC (Nguyễn Thành Trung (World Final ICPC 2014) - cựu sinh viên Trường Đại học FPT, sáng lập viên game blockchain Axie Infinity; Lưu Thế Lợi (OLP - ICPC 2010) thành công với Kyber Network; Lê Yên Thanh (OLP - Word Final ICPC 2014, 2016) - Forbes Vietnam 30 under 30; Phạm Hữu Ngôn (OLP - World Final ICPC 2006) - CEO & CTO AHAMOVE). ảnh: Công nghệ và Đời sống
Thành công đến từ một quyết định
Quay trở lại với lời giới thiệu ở đầu bài viết, tôi muốn chia sẻ câu chuyện thành công của hành trình xây dựng đội tuyển OLP/ICPC tại trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh (IUH). Đó là hành trình 10 năm đi từ không đến có; từ khi IUH tham gia OLP/ICPC chỉ với 3-4 sinh viên đến bây giờ luôn là đội tuyển đông đảo thành viên nhất. Từ những năm tháng miệt mài đi thi đến khi đạt giải nhất đồng đội khối cao đẳng, giải nhất đồng đội khối không chuyên tin, giải nữ sinh xuất sắc nhất. Xuất phát điểm là team ICPC thi để cọ xát đến khi vào Top 8 những trường mạnh nhất Việt Nam (2019, tại ĐH Bách Khoa Đà Nẵng) và Huy chương đồng vùng châu Á (2021, tại ĐH FPT Hà Nội), các thành tích này đã ghi danh ĐH Công nghiệp Tp.HCM vào bản đồ đào tạo CNTT ViệtNam. Thất bại có nhiều lý do nhưng thành công luôn cần một yếu tố quyết định; đó là lựa chọn đầu tư đúng của đơn vị đào tạo (nhà trường) và thực hiện đúng những gì đã đầu tư của các huấn luyện viên (giảng viên).
Nguyễn Hữu Tình
GV Khoa CNTT, trường ĐH công nghiệp Tp.Hồ Chí Minh