Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển báo chí và vận dụng vào phát triển báo chí - truyền thông trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

15:46, 07/04/2025

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm với báo chí; đặc biệt là định hướng cho sự phát triển của báo chí. Bởi lẽ, sự chú trọng này không chỉ xuất phát từ chính bản thân Người là một nhà báo vĩ đại báo, mà theo Người, báo chí là vũ khí sắc bén của Cách mạng, là đội quân xung kích trong công tác tư tưởng, là một bộ phận cơ bản, quan trọng không thể tách rời trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Tóm tắt:

- Vai trò của báo chí:

+Vũ khí sắc bén của Cách mạng.

+ Đội quân xung kích trong công tác tư tưởng.

+ Bộ phận quan trọng trong sự nghiệp Cách mạng.

- Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí:

+ Xác định trách nhiệm của chính trị đối với báo chí (định hướng, tạo điều kiện, tôn trọng tự do, đồng hành).

+ Mục tiêu rõ ràng: phục vụ dân tộc, phục vụ nhân dân.

+ Cầu nối giữa nhân dân với Đảng.

+ Chức năng khai trí, trung thực, phục tùng và đấu tranh cho chân lý.

+ Sinh động, đa dạng về loại hình.

- Vận dụng trong kỷ nguyên mới:

+ Quán triệt chiến lược phát triển báo chí - truyền thông.

+ Đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

+Hiện thực hóa phương châm: Tiên phong - Trí tuệ - Trúng - Thiết thực - Thuyết phục - Tiên tiến.

Một điểm cũng rất đáng chú ý là, Hồ Chí Minh chưa đề cập trực tiếp đến truyền thông; song, trong tư tưởng của Người về báo chí cũng rất thấm đậm và tương hợp với tinh thần truyền thông hiện đại. Bởi vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí vẫn có ý nghĩa thời sự đối với việc phát triển báo chí - truyền thông ở kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển báo chí

Có thể khái quát một số quan điểm chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí như sau:

Thứ nhất, phải xác định trách nhiệm của chính trị đối với báo chí

Trong quá trình hoạt động lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định tính chính trị của báo chí, nghĩa là báo chí phải là một thành tố quan trong trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Từ đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra vai trò của hệ thống chính trị đối với báo chí: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng” [1]. Trách nhiệm của chính trị với báo chí đuợc thể hiện trên những phương diện: Một là, định hướng cho báo chí. Chính trị có quyền năng mang bản chất trách nhiệm cộng đồng do xã hội trao phó và quy định. Do vậy, lẽ đương nhiên, chính trị có trách nhiệm định hướng cho báo chí. Định hướng cho báo chí, không có nghĩa áp đặt, bóp nghẹt, chi phối một chiều đối với báo chí. Định hướng đích thực cho báo chí chính là chính trị phải chủ động cung cấp thông tin nhanh, kịp thời, chính xác và trước nhất, không phải và không thể đi sau giải thích, chấn chỉnh.

Hai là, tạo điều kiện cho báo chí thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình.

Khi đã được xác định và đóng vai trò là quyền lực chủ đạo, chính trị phải có trách nhiệm tạo điều kiện cho báo chí phát triển. Làm như vậy, chính là quyền lực chính trị đã cũng cố và tạo được sự tiếp sức cho quyền lực của mình và bằng cách đó nối dài và nhân lên quyền lực của mình.

Ba là, chính trị phải tôn trọng tự do của báo chí.

Mặc dù quyền lực của chính trị rất lớn, song điều đó không có nghĩa là chính trị có quyền không tôn trọng và bóp nghẹt quyền tự do của các loại quyền lực khác, trong đó có quyền lực của báo chí. Về bản chất, quyền của báo chí, dù muốn hay không, đều mang trong mình bản chất tự do. Tuy nhiên, phải thấy và phải hiểu đúng tự do của báo chí. “Tự do báo chí phải theo quy định của luật pháp để đảm bảo tự do của người này, tổ chức này không xâm phạm đến tự do và lợi ích của tổ chức và cá nhân khác.” [2].

Bốn là, chính trị phải đồng hành cùng báo chí. Do quyền lực mềm của báo chí là cánh tay nối dài và nhân lên của quyền lực chính trị, nên dù muốn hay không, chính trị không chỉ phải tạo điều kiện mà còn phải luôn sát cánh và đồng hành với báo chí, phải luôn coi báo chí là người thân thiết, đồng chí hướng của mình.

Sở dĩ như vậy là vì báo chí có thể và “cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân” [3].

Thứ hai, phải xác định rõ mục tiêu cho báo chí: báo chí phải phục vụ dân tộc, phục vụ nhận dân.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn chỉ đầu tiên của báo chí là phải thực sự phục vụ dân tộc; do vậy, báo chí nhất thiết phải là bộ phận cấu thành không thể thiếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân, của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: mục đích của báo chí là “cốt làm cho dân ta biết, biết các việc, biết đoàn kết, đặng đánh Tây, đánh Nhật làm cho Việt Nam độc lập, bình đẳng tự do”' [4].

Báo chí phục vụ dân tộc, phục vụ nhân dân được thể hiện trên những phương diện sau: trước hết, để phục vụ thiết thực cho cách mạng thì song song với đó, báo chí phải trở thành diễn đàn rộng rãi, là tiếng nói dân chủ của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân.

Hai là, báo chí có trách nhiệm góp phần định hướng cho hành động của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất” [5].

Ba làbáo chí phải là công luận của nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí phải tiếng nói của nhân dân, phải thể hiện và phản ánh được tâm tư, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Chính từ trong quan điểm này, đã thể hiện rõ, báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Đó là: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng” [6].

Thứ ba phải đưa báo chí làm tốt nhiệm vụ chính trị là cầu nối giữa nhân dân với Đảng. Báo chí cách mạng Việt Nam là tiếng nói của Đảng, các cơ quan Nhà nước, của các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Tiếng nói của báo chí không chỉ phán ánh kịp thời, đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống mà còn là kênh thông tin tin cậy để nhân dân “gửi gắm” tâm tư nguyện vọng, “vũ khí” giám sát của mình đối với Đảng và Nhà nước. Từ đó, tìm ra tiếng nói chung của “ý Đảng lòng dân”, tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng tâm hợp lực, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng đề ra.

Sinh thời, Bác Hồ thường căn dặn các nhà báo: Người làm báo phải là chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hóa, tư tưởng. Chính các tờ báo là sợi dây cơ bản, dựa vào nó phong trào cách mạng không ngừng phát triển, tổ chức tăng lên theo cả chiều rộng và chiều sâu - nhân tố làm nên thắng lợi trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà báo tại Đại hội III, Hội Nhà báo Việt Nam, năm 1962. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam).

Thứ tư, phải định hình được chức năng cho báo chí: báo chí có sứ mệnh khai trí, phải trung thực, phục tùng chân lý và đấu tranh cho chân lý

Báo chí, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải có sứ mệnh khai trí. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu báo chí phải thực sự là một kênh để khai trí cho nhân dân: “Báo chí cần làm cho người dân thấy được những nguyên nhân đau khổ, đói nghèo của họ và chỉ ra cho họ làm cách nào để tránh được những điều đó, nên bản báo chúng tôi làm tròn nhiệm vụ là hồi kẻng báo động mà người ta gióng lên khi có đám cháy để báo cho người đang trong ngôi nhà cháy, giục giã họ chạy thoát thân để khỏi bị chôn vùi hoặc bị thiêu cháy, và gọi những người xung quanh đến ứng cứu” [7].

Hai là, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn những người làm báo: “Tuyên truyền, anh em nên chú ý một điều này nữa là bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Có nói sự thực thì việc tuyên truyền của mình mới có nhiều người nghe” [8].

Ba là, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí phải nhận thức được chân lý và phục tùng chân lý. “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do nghĩa là thế nào? Đối với các vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý” [9]. Không những thế, Chủ tịch Hồ Chí Mình yêu cầu báo chí và nhà báo cần phải nhận thức thật sâu sắc: “Ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính trừ tà” [10].

Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh đạo Hội Những người viết báo Việt Nam (nay là Hội Nhà báo Việt Nam) tiếp Hội Nhà báo Khmer, năm 1958. (Nguồn: Bảo tàng Báo chí Việt Nam).

Thứ năm, phải tạo lập được các loại hình báo chí: báo chí phải sinh động, đa dạng

Để báo chí có thể phục vụ tốt nhất cho nhân dân, được nhân dân, bạn đọc tiếp nhận và đón đọc, thì theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí phải có sắc thái riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn định hướng: “Mục đích chung của chúng ta là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, giữ gìn hoà bình thế giới.

Nhưng mỗi tờ báo như báo của nông dân, báo của công nhân, báo của thanh niên, báo của phụ nữ, v.v., nên có đặc điểm của nó, về hình thức thì không rập khuôn; rập khuôn thì báo nào cũng thành khô khan, làm cho người xem dễ chán” [11].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để lôi cuốn được công chúng, báo chí đòi hỏi phải hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của người đọc, vì “sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc” [12]. Làm điều này thì báo chí mới thực sự là người bạn, người đồng hành và là người dẫn dắt nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phóng viên Báo Việt Nam độc lập tại Thái Nguyên, tháng 1-1964.

Vận dụng vào phát triển báo chí - truyền thông trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Từ những tư tưởng đặc sắc nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển báo chí, việc phát triển báo chí – truyền thông trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cần phải được tập trung định hướng vào một số điểm sau:

Một là, phải quán triệt và hiện thực hóa chiến lược phát triển báo chí - truyền thông trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Để định hướng và nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược đổi mới, cải cách bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả nhằm đáp ứng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả” đã nhấn mạnh: Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, so với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.

Song, trong thời kỳ mới hiện nay “điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới”.

Bởi vậy, yêu cầu đặt ra cho việc đổi mới, cải cách bộ máy của hệ thống chính trị trong kỷ nguyên mới là, phải “đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới,... bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp” [13].

Đây là chỉ đạo của Đảng ta về vấn đề đổi mới, cải cách hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và đó cũng chính là sự định hướng, yêu cầu phải đổi mới, cải cách, phát triển báo chí - truyền thông nhằm đáp ứng kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại Lễ trao Giải Búa liềm vàng lần thứ IX - năm 2024.

Phát biểu tại Lễ trao giải báo chí Búa Liềm vàng 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc”. Theo tinh thần đó, về tinh, gọn, mạnh thì, “Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm, quyền hạn, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo nhà xuất bản, cơ quan báo chí. Sớm nghiên cứu đề xuất về bộ máy các cơ quan báo chí; các giải pháp siết chặt kỷ luật Đảng nhằm củng cố vững chắc báo chí cách mạng, văn hóa - văn nghệ xã hội chủ nghĩa; phòng chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong phóng viên, văn nghệ sĩ… Sớm nghiên cứu đề xuất cơ cấu lại các kênh truyền hình cả Trung ương và địa phương; xây dựng một kênh truyền hình tiếng Anh chủ đạo để thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên mới” [14].

Hai là, báo chí – truyền thông cũng phải đuợc định hướng phát triển để đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Theo đó, báo chí – truyền thông phải: “Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên truyền đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống theo hướng thiết thực, giảm hội nghị, hội họp; bám sát thực tiễn cuộc sống của người dân, phù hợp với đặc điểm từng ngành, từng lĩnh vực, vùng, miền để có cách làm phù hợp với hơi thở của đời sống xã hội. Công tác tuyên truyền phải có bước đi, lộ trình, phân vai cụ thể, đúng lúc, đúng chỗ, truyền đạt chính xác, hiệu quả đến mọi người dân, tạo ra trận địa truyền thông có lợi nhất, đạt đồng thuận cao của nhân dân, để dân hiểu, dân tin, dân nắm vững, dân nhất trí, dân quyết tâm thực hiện các mục tiêu, quan điểm, định hướng, nhiệm vụ lớn về xây dựng và phát triển đất nước, tuyệt đối không để hiểu sai về cái đúng, hiểu xấu về cái tốt, cái đẹp”.

Cụ thể hóa chỉ đạo này của Tổng Bí thư, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đã xác định “Sự chuyển mình của báo chí đồng hành chuyển mình của đất nước, xã hội”. Theo đó, trong thời gian tới đây “báo chí đẩy mạnh tuyên truyền thi đua yêu nước, khơi dậy lòng yêu nước, tự tin, tự lực, tự hào dân tộc, khơi dậy nguồn lực, tạo sự đồng thuận, sức mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước”; bởi vậy, “sự dẫn dắt của báo chí không phải là cung cấp thông tin mà cung cấp tri thức, bản lĩnh, văn hóa, những gì tốt đẹp nhất của người Việt Nam để truyền cảm hứng, dẫn dắt” [15]. Đặc biệt, trong xã hội hiện đại khi mà cuộc cách mạng thông tin hiện nay, - hệ quả tất yếu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đang làm bùng nổ các xa lộ thông tin thì “báo chí không thể nói thua kém mạng xã hội mà phải thay đổi để làm chủ không gian mạng, không để thua kém mạng xã hội” [16]. Và để báo chí làm chủ được không gian mạng, theo chúng tôi, báo chí phải vượt lên để trở thành một chủ thể truyền thông số đích thực. Thực chất của truyền thông số là truyền thông trong môi trường kỹ thuật số, xây dựng và trao đổi sản phẩm truyền thông dựa trên nền tảng số và chuyển tải sản phẩm đó trên các thiết bị số.

Ngày nay, môi trường số đã trở thành một phần không thể thiếu của mọi kênh truyền thông. Với việc xuất hiện truyền thông số, con người sử dụng nó để kết nối, mở rộng mối quan hệ và tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp. Con người cũng sử dụng nó để kết nối với những người có cùng sở thích và chia sẻ suy nghĩ, cập nhật thông tin, cảm nghĩ, cảm xúc cá nhân và cả những hiểu biết của riêng họ. Rõ ràng, truyền thông số đã và đang định hình lại cuộc sống của chúng ta, thu hút hàng triệu người dùng trên toàn thế giới và sẽ tiếp tục tăng [17].

Ba là, phải hiện thực hóa được phương châm của báo chí - truyền thông hiện đại mà đã thể hiện trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển báo chí

Từ những luận điểm đã trình bày như trên trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, có thể rút ra những tính chất nổi trội của phương châm hoạt động cho báo chí – truyền thông hiện đại là: Tiên phong - Trí tuệ - Trúng – Thiết thực – Thuyết phục - Tiên tiến

Tiên phong là không bao giờ được lạc hậu với thời cuộc; luôn luôn phải đi đầu, định hướng để phát huy lợi thế và thành quả đã có, vượt qua khó khăn thách thức, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Trí tuệ là phải nắm được đặc điểm thời đại và dân tộc, biết phân tích, thâu tóm được bản chất đích thực vấn đề đặt ra qua đó đề xuất giải pháp thiết thực, hữu hiệu để giải quyết.

Trúng là phải bao hàm được cả trên bình diện không gian và thời gian. Trên bình diện không gian là phải phản ánh đúng sự thật về sự việc, sự kiện xảy ra; trên bình diện thời gian là phải thông tin nhanh chóng, kịp thời, không bị chậm trễ, đi sau về thông tin

Thiết thực là luôn luôn phải bám sát thực tiễn, sát hợp với thực tiễn để nắm bắt thực tiễn, phục vụ nhu cầu của thực tiễn; không nên và không được viển vông, xa rời thực tiễn.

Thuyết phục là phải nắm được tâm lý, đi vào lòng người, không áp đặt, cưỡng cầu một chiều; không ngoa ngôn và cũng không ngụy ngôn.

Tiên tiến là phải ứng dụng và sử dụng thành thạo những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của Internet, của mạng xã hội vào hoạt động, tác nghiệp của mình; biến những ưu thế tiên tiến đó thành lợi thế, thành hành trang nội tại, không thể thiếu trong “nghề” báo chí - truyền thông [18].

Tóm lại, sự vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển báo chí – truyền thông trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam chính là nhằm đưa báo chí - truyền thông tích cực, chủ động, trực tiếp và có trách nhiệm tham gia vào công cuộc đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ sự nghiệp đổi mới đất nước, đưa đất nước tiến vào “kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại” [19].

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t9, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr 414

2. Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Tự do báo chí phải theo quy định luật pháp. VietNamNet.net. 18/09/2014

3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, NXBCTQG ST Hà Nội 1995, Tập 12. tr.505

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr.661. 5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr.514

6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr.666. 7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr. 510

8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4 Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr. 172

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr.378

10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 5, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr. 157

11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr.167

12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12 Nxb CTQG ST, HN, 2011, tr.170

13. Tổng Bí thư Tô Lâm: Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả

https://dantri.com.vn/xa-hoi/tinh-gon-manh-hieu-nang-hieu-luc-hieu-qua-20241105120411902.htm, 05/11/2024

14. Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo thật sự là những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng của Đảng. https://tuyengiao.vn/xay-dung-doi-ngu-can-bo-tuyen-giao-that-su-la-nhung-chien-si-kien-trung-tren-mat-tran-tu-tuong-cua-dang-157359 29/10/2024 15. Báo chí phải thay đổi, không để thua mạng xã hội - Phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Ất Tỵ 2025.

https://thanhnien.vn/ong-nguyen-trong-nghia-bao-chi-phai-thay-doi-khong-de-thua-mang-xa-hoi-185250204144724046.htm, 04/02/2025 15:09 GMT+

16. Báo chí phải thay đổi, không để thua mạng xã hội - Phát biểu của Trưởng ban Tuyên giáo - Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Hội nghị giao ban báo chí đầu xuân Ất Tỵ 2025.

https://thanhnien.vn/ong-nguyen-trong-nghia-bao-chi-phai-thay-doi-khong-de-thua-mang-xa-hoi-185250204144724046.htm, 04/02/2025 15:09 GMT+7

17. Xem thêm: Ngô Đình Xây – Một số vấn đề về truyền thông số ở Việt Nam hiện nay. Tạp chí Tuyên giáo, số 6/2024

18. Xem: Ngô Đình Xây: Công tác tuyên giáo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Trong cuốn sách “Công tác tuyên giáo của Đảng – 90 năm chăng chặng đường vẻ vang: Thành tựu

và tầm nhìn” (Hội thảo khoa học quốc gia do Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng tổ chức). NXB. CTQG ST, HN. Tháng 8/2020

19. Tổng Bí thư, Chủ Tịch nước Tô Lâm: Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới. https://baochinhphu.vn/chuyen-doi-so-dong-luc-quan-trong-phat-trien-luc-luong-san-xuat-hoan-thien-quan-he-san-xuat-dua-dat-nuoc-buoc-vao-ky-nguyen-moi-102240901141502722.htm, ngày 02/09/2024