Tương lai ảm đạm của ngành chip Trung Quốc trước áp lực từ Mỹ

10:45, 01/09/2020

Nhiều quan chức đứng đầu ngành bán dẫn của Trung Quốc đang rất lo ngại về tương lai của ngành trước áp lực từ Mỹ.

Tại Hội nghị bán dẫn toàn cầu 2020, được tổ chức trực tuyến vào tuần trước, hàng chục quan chức chính phủ và lãnh đạo trong ngành bán dẫn của Trung Quốc đã có mặt. Tuy nhiên, thay vì hoạt động giới thiệu những thành tựu mới nhất của ngành chip Trung Quốc như mọi năm, hội nghị năm nay bị bao trùm bởi không khí tiêu cực.

nganh ban dan trung quoc lam nguy anh 1

Ngành bán dẫn Trung Quốc vẫn đi sau Mỹ khá xa, và sẽ khó phát triển nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những lệnh hạn chế. Ảnh: Image China.

Ngành chip Trung Quốc 'đi sau Mỹ ít nhất 20 năm'

Chiến dịch kiềm tỏa công nghệ Trung Quốc của Nhà Trắng đã khiến cả chuỗi cung ứng công nghệ trên thế giới rung động. Nếu Mỹ tiếp tục cấm vận, ngành chip vốn vẫn đang phát triển của Trung Quốc sẽ càng bị ảnh hưởng nhiều hơn. Đó là quan điểm của nhiều lãnh đạo ngành công nghệ Trung Quốc.

"Nếu Mỹ tiếp tục đánh vào những vị trí quan trọng của ngành công nghệ Trung Quốc, ví dụ như các công ty sản xuất chip hiện đại, thì ảnh hưởng sẽ là rất lớn", ông Arthur Ge, Giám đốc Legend Capital, công ty đầu tư của Lenovo Group nhận định.

nganh ban dan trung quoc lam nguy anh 2

Không chỉ bị TSMC quay lưng, chính những công ty Trung Quốc như SMIC cũng không thể bán hàng cho Huawei với lệnh cấm mới nhất từ Mỹ. Ảnh: Nikkei.

"Toàn bộ ngành công nghiệp chip quá mong manh để tự bảo vệ mình. Chúng ta vẫn đi sau Silicon Valley ít nhất 20 năm kể cả ở quy mô, chất lượng con người lẫn hệ sinh thái", ông Wang Xuguang, CEO của công ty thiết kế chip AINSTEC nhận xét.

"Nếu chúng ta có thể thịnh vượng cùng lúc với Mỹ, đó sẽ là viễn cảnh tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh không cho phép, chúng ta phải cân nhắc lại mình đang có gì trong tay", ông Wang nói thêm.

Các công ty Trung Quốc bị đẩy vào thế khó

Ngày 17/8, Mỹ công bố quy định cấm Huawei mua chip từ các công ty sản xuất chip hoặc các nhà cung ứng linh kiện điện tử không thuộc Mỹ, nếu như họ sử dụng công nghệ hoặc phần mềm của Mỹ trong quá trình chế tạo.

Quy định này gần như đã đóng hết các lỗ hổng kiểm soát Huawei trước đó, đẩy công ty con thiết kế chip HiSilicon của Huawei vào ranh giới sinh tử.

nganh ban dan trung quoc lam nguy anh 3

Quyết định của Mỹ khiến cho công ty thiết kế chip HiSilicon của Huawei không còn đường sống. Ảnh: HiSilicon.

Tuần trước, Reuters cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đưa ra các hạn chế về xuất khẩu bán dẫn đối với các công ty sản xuất thiết bị, phần mềm, cảm biến bán dẫn. Tại hội nghị, Chủ tịch Synopsys Trung Quốc, ông Ge Qun xác nhận công ty này đã dừng cung cấp phần mềm thiết kế điện tử (EDA) cho Huawei.

Chính phủ Trung Quốc thời gian qua có nhiều nỗ lực để bảo vệ các công ty công nghệ trong nước cũng như tăng sự tự chủ của ngành. Đầu tháng này, Trung Quốc đưa ra một loạt ưu đãi, từ miễn, giảm thuế tới ưu đãi đầu tư cho các công ty sản xuất chip và phần mềm.

Các công ty Trung Quốc cũng đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu, phát triển. Tsinghua Unigroup, tập đoàn sản xuất chip nhớ lớn của Trung Quốc đã đầu tư 22 tỷ USD để xây một nhà máy chip tại Vũ Hán.

SMIC, công ty gia công chip lớn nhất Trung Quốc cũng gọi vốn tới 7,6 tỷ USD sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán STAR tại Thượng Hải. Số vốn này có thể giúp SMIC đầu tư vào các tiến trình sản xuất mới nhằm cạnh tranh với cái tên hàng đầu trong ngành là TSMC.

Tsinghua Unigroup và SMIC, cùng HiSilicon hay Cambricon Technologies từng là những niềm tự hào trong ngành bán dẫn Trung Quốc.

"Dù không ai muốn nói ra, thế giới đang bước vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tôi lo ngại rằng xu hướng này sẽ tiếp tục mạnh lên trong tương lai. Tuy nhiên, thách thức cũng có thể là cơ hội cho các công ty trong nước", Li Xing, nhà sáng lập công ty quỹ V Fund nói với Bloomberg.

Minh Anh (T/h)