Ðưa sản phẩm công nghệ Việt Nam chiếm lĩnh thị trường
Khi dịch Covid-19 xuất hiện, họp hay học trực tuyến trở thành lựa chọn bắt buộc. Làm việc trực tuyến đã trở thành xu hướng tất yếu, và các nền tảng, ứng dụng họp trực tuyến cũng liên tục được nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng. Tuy nhiên, nhiều nền tảng họp trực tuyến "Make in ViETNam" dù đa dạng tính năng vẫn chưa được ưu tiên sử dụng.
- Phát động Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam 2021 và công bố Cơ sở dữ liệu công nghiệp ICT Make in Viet Nam
- Công ty mẹ của Tik Tok đạt 34,3 tỷ USD trong năm 2020, tăng 111%
- Triển lãm quốc tế công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – VIMEXPO 2021
- Hội thảo trực tuyến về công nghệ giữa Iran và Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 26/6 - 21/7
- UAE - cường quốc công nghệ mới nổi
Công nghệ số đã tạo một cuộc cách mạng đột phá, xóa nhòa các giới hạn, tạo ra môi trường làm việc số không có khoảng cách. Công nghệ số cũng giúp giảm bớt khâu trung gian, cơ quan nhà nước chỉ đạo điều hành, hành động nhanh, kịp thời.
Thời gian qua, nhiều cơ quan nhà nước đã đi đầu trong việc triển khai các nền tảng họp trực tuyến thế hệ mới, cho phép người họp tham gia mọi lúc, mọi nơi bằng thiết bị di động. Với hạ tầng internet (in-tơ-nét) tốt và nền tảng họp phù hợp, việc họp trực tuyến sẽ được triển khai rộng rãi đến mọi đối tượng đơn vị, doanh nghiệp và từng cá nhân.
Thực tế cho thấy, làm việc trực tuyến tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức họp, không bị giới hạn về không gian, thời gian và số lượng người tham gia họp. Nền tảng họp trực tuyến sẽ là một công cụ thiết yếu, không thể thiếu trong thời kỳ công nghiệp 4.0. Vì vậy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước đã đầu tư phát triển các nền tảng công nghệ "Make in Vietnam" với khát vọng làm chủ công nghệ và vượt qua cái bóng của những ông lớn công nghệ trên thế giới.
Thị trường nền tảng họp trực tuyến "Make in Vietnam" đến nay có một số sản phẩm khá phổ biến như eMeeting (Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế AIC phối hợp Tập đoàn Bkav), Zavi của Zalo (Công ty cổ phần VNG), giải pháp hội nghị trực tuyến dựa trên mã nguồn mở CoMeet (Liên minh CoMeet gồm sáu doanh nghiệp) netMeeting (Công ty cổ phần NetNam)...
Sử dụng nền tảng trực tuyến có thể dự họp mọi lúc, mọi nơi.
Ðáng chú ý, nền tảng họp trực tuyến eMeeting đã được Quốc hội sử dụng, cho phép các đại biểu Quốc hội tham gia họp từ xa, với thiết bị di động mà chất lượng âm thanh hình ảnh đạt tiêu chuẩn. Nền tảng họp trực tuyến eMeeting được trang bị hệ thống bảo mật chín lớp, nén dữ liệu tối ưu, hỗ trợ cuộc họp trực tuyến với số lượng lên tới 200 điểm cầu, cung cấp chất lượng âm thanh, hình ảnh sắc nét ngay cả trong điều kiện mạng yếu. eMeeting có đầy đủ các tính năng cần thiết của cuộc họp như đặt lịch, nhắc lịch, chia sẻ tài liệu, chia sẻ màn hình, chia sẻ video trực tuyến, quản lý, điều hành cuộc họp, biểu quyết…
Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Bkav khẳng định, với hệ thống bảo mật chín lớp, người dùng có thể yên tâm sử dụng, không phải lo ngại vấn đề mất an ninh khi họp trực tuyến, như bị lộ nội dung cuộc họp hay có người lạ xâm nhập phòng họp.
Chia sẻ về nền tảng họp trực tuyến Zavi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNG Vương Quang Khải cho biết, Zavi là công cụ kết nối, làm việc, học tập từ xa có nền tảng số do đội ngũ kỹ sư Việt Nam tự phát triển và làm chủ công nghệ. Zavi có đủ các tính năng tiện ích cho họp trực tuyến như: Quản lý, tạo phòng họp với mật khẩu, mời người tham gia, mời ra khỏi phòng họp... Sản phẩm này được nghiên cứu để bổ sung tính năng tự động ghi lại biên bản cuộc họp giống như một trợ lý ảo. Ðồng thời ứng dụng Zavi dùng được trên hầu hết các hệ điều hành như iOs hay Windows.
Ðể bảo đảm các tính năng của nền tảng họp trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ tiêu chí về chức năng, tính năng kỹ thuật của hệ thống phần mềm họp trực tuyến (phiên bản 1.0). Ðồng thời, lựa chọn những nền tảng họp trực tuyến đáp ứng đủ các yêu cầu để bảo trợ và quảng bá thông tin sản phẩm nhằm khuyến khích người Việt Nam dùng các sản phẩm công nghệ Việt Nam.
Mặc dù đã có các nền tảng công nghệ tối ưu, tính năng của các ứng dụng họp trực tuyến được tối đa hóa và có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, nhưng chưa nhiều người sử dụng các sản phẩm công nghệ Việt Nam.
Hiện, các giải pháp họp trực tuyến của nước ngoài như Zoom, Microsoft Team, Google Meet… vẫn được ưa dùng. Ứng dụng Zoom luôn xếp ở vị trí số một trong những ứng dụng được tải nhiều nhất từ kho ứng dụng Play Store và App Store ở Việt Nam, dù có thông tin nền tảng Zoom chưa bảo đảm bảo mật.
Anh Vũ Huy Vận (Giám đốc chi nhánh Trần Quốc Hoàn, Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu - ACB) cho biết, lựa chọn sử dụng nền tảng nào đôi khi do chỉ định trong công việc. Nếu phía đối tác tổ chức họp, yêu cầu người tham dự dùng nền tảng gì thì buộc phải dùng nền tảng ấy. Một số doanh nghiệp, tổ chức cần độ an toàn, tin cậy thường sử dụng nền tảng, ứng dụng họp trực tuyến có thu phí. Trong khi đó, nhiều cá nhân lựa chọn sử dụng nền tảng họp trực tuyến thông dụng, miễn phí và theo thói quen. Người dùng không quan tâm đến việc bảo mật thông tin cá nhân, nội dung cuộc họp cũng không quan trọng, cho nên không tìm hiểu sâu về nguồn gốc, tính năng, mức độ bảo mật của ứng dụng... Ðây chính là một trong số những nguyên nhân khiến lượng ứng dụng họp trực tuyến của người Việt chưa được sử dụng rộng rãi.
Rõ ràng, việc phát triển các sản phẩm công nghệ Việt Nam tại thị trường trong nước còn rất gian nan. Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng đã bày tỏ lo ngại trước sự kém thế trên "sân nhà" của các giải pháp họp trực tuyến "Make in Vietnam" so với những ứng dụng họp trực tuyến của nước ngoài. Các nền tảng là công cụ hỗ trợ làm việc trong môi trường công nghệ 4.0 cần có hệ sinh thái để đáp ứng tối đa nhu cầu của doanh nghiệp và người sử dụng. Các nền tảng cùng chung chức năng họp trực tuyến cần có sự kết nối để hỗ trợ các trường hợp đang có sẵn nền tảng cũ trên thiết bị di dộng để kết nối trên nền tảng khác. Ðây là vấn đề về kỹ thuật và để giải quyết vấn đề này cần sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ. Thêm vào đó, khi Việt Nam đã có những nền tảng công nghệ tốt, có tính ứng dụng cao đều cần cơ chế, chính sách hợp lý để sản phẩm đến được với người dùng một cách rộng rãi.
Theo nhandan.vn