Ứng dụng công nghệ chống Covid-19: Phải dễ dùng, thuận tiện
Chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ vào việc phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết công nghệ phải dễ dùng, thuận tiện, bảo vệ dữ liệu của người dùng.
Có thể nói công nghệ là tiên phong, mũi nhọn giúp phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả. Tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý II/2021 mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu ra những hướng phát triển mới để ứng dụng công nghệ trong phòng chống dịch. Theo Bộ trưởng, công nghệ phải dễ dùng, thuận tiện, bảo vệ dữ liệu của người dùng. Dữ liệu phải tập trung và liên thông, phân tích dữ liệu lớn, một đầu mối chỉ đạo, hỗ trợ thiết thực cho các địa phương.
Bộ trưởng nhấn mạnh, công nghệ quan trọng là phải ứng dụng trước khi có dịch, vì nó như là người gác đêm để bảo vệ chúng ta, nhất là khi dịch đã lắng xuống thì chúng ta dễ chủ quan.
Khi dịch bùng phát chúng ta đã có dữ liệu ngay để phát hiện nhanh những người tiếp xúc gần, không phải cách ly diện rộng, không phải quá vất vả như vừa qua và cuộc sống vẫn có thể tiếp diễn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, công nghệ phải hướng vào các khâu phòng chống dịch, sự hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Bộ TT&TT hướng vào người dân sẽ là yếu tố đảm bảo thành công. Theo đó, công nghệ phải đi suốt từ khâu khai báo y tế, nhập cảnh, xét nghiệm, truy vết, cách ly, tiêm vaccine. Thậm chí là các giải pháp công nghệ đo lường, cảnh báo về môi trường làm việc thông thoáng, giảm nguy cơ lây nhiễm. Công nghệ chỉ có thể hoàn thiện khi được đưa vào sử dụng, càng dùng nhiều thì càng thông minh, càng hiệu quả.
"Càng dùng nhiều thì càng quen và càng không quan ngại, bởi vậy việc dùng công nghệ, sử dụng công nghệ thì quan trọng hơn việc làm ra công nghệ. Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 và các Sở TT&TT phải lấy việc ứng dụng là quan trọng. Đây là câu chuyện lâu dài, nhưng đại dịch Covid-19 là cú huých mạnh mẽ để đẩy nhanh", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Bộ trưởng lấy ví dụ, việc kết hợp việc tiêm vắc xin vào hồ sơ sức khỏe điện tử, chúng ta nhanh chóng có được hồ sơ sức khỏe toàn dân, đây là cơ sở dữ liệu gốc về y tế toàn dân.
Cũng theo Bộ trưởng, công nghệ thì nhiều nhưng không được gây rối cho người dân, tức là phải tích hợp lại qua một cổng duy nhất, dù là sức khỏe nói chung hay chống dịch; dù là khai báo y tế ở cửa khẩu hay khai báo y tế khi đi từ nơi khác về, chỉ phải làm một lần. Việc thành lập Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 cũng nhằm mục đích đó.
Thực tế, Việt Nam đã, đang và tiếp tục ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào công tác phòng, chống Covid-19. và phát huy hiệu quả. Những ứng dụng phổ biến, có sẵn trong smartphone của người dân hiện nay như Bluezone, Ncovi và Vietnam Health Declaration (VHD).
Cùng với đó, hệ thống camera giám sát tại khu cách ly được các công ty viễn thông lớn như Viettel, VNPT lắp đặt giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
Ngoài ra, hệ thống AI trực tổng đài tự động 18001119 đã được triển khai tại Bắc Giang, Bắc Ninh và một số địa bàn; Hệ thống vòng đeo tay hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly tập trung hiện đang được thử nghiệm triển khai trong tuần từ 14-20/6.
Mới đây, ngày 11/6, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Sở Y tế Hà Nội đã chính thức ra mắt “Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 Hà Nội” phục vụ công tác phòng chống dịch.
Bản đồ giúp thống kê, phát hiện các vấn đề liên quan đến Covid-19 quanh địa bàn TP. Hà Nội. Nguồn dữ liệu, số liệu về dịch tễ cũng sẽ được cập nhật liên tục.
Những ứng dụng công nghệ đã mang đến giải pháp quyết định phục vụ công tác phòng chống dịch, nhanh, hiệu quả và tiết kiệm được nguồn lực xã hội, hướng đến chủ động phòng chống dịch, cũng như dập dịch trong thời gian tới.
Theo kinhtedothi.vn