Ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh trật tự
Thực hiện chủ trương "vì nhân dân phục vụ", thời gian qua, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã có nhiều đổi mới trong công tác bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống dịch. Nổi bật là, việc ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật thông tin điện tử để giảm áp lực cho cán bộ, chiến sĩ CAND, cắt giảm phiền hà cho người dân và tạo tính kết nối giữa người dân và lực lượng Công an.
Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội - nơi tiếp nhận và xử lý tin báo cháy nổ, tai nạn qua ứng dụng "Báo cháy 114".
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là sự bùng phát mạnh mẽ của dịch tại các tỉnh, thành phố phía nam và một số địa phương trên cả nước, yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân trở nên cấp thiết. Kinh nghiệm từ thực tế trong phòng, chống dịch cho thấy nguyên nhân lây lan chính của dịch là do yếu tố di chuyển qua nhiều địa điểm của F0. Càng kiểm soát chặt chẽ được vấn đề di chuyển của người dân thì việc kiềm chế và đẩy lùi dịch càng hiệu quả.
Dùng mã QR khi qua chốt kiểm dịch
Qua nắm bắt thực tế, trên cơ sở dữ liệu đã đi vào vận hành của Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) đã nghiên cứu và cho ra đời phần mềm quản lý dân cư vùng dịch. Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng C06 cho biết, khi công dân thực hiện đăng ký khai báo y tế (qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet) trước khi đi qua trạm/chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn, hệ thống sẽ cung cấp cho người dân một mã QR để cán bộ tại chốt kiểm dịch kiểm tra thông tin. Tại các chốt kiểm dịch, cán bộ Công an sẽ đối chiếu thông tin công dân khai báo trên hệ thống và xác nhận thông tin công dân khi đi qua chốt kiểm dịch. Dữ liệu sau khi công dân kê khai được kiểm duyệt, xử lý trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bảo đảm xác định chính xác thông tin công dân kê khai; thông tin này được thông báo về cấp phường/xã nơi công dân đi - đến, để quản lý kịp thời đúng thông tin và con người thực tế. Qua đó truy vết lộ trình di chuyển của công dân một cách dễ dàng, nhanh chóng và chính xác; tiết kiệm chi phí trong công tác phòng, chống dịch hiện nay.
Trong tháng 8 vừa qua, khi triển khai thực tế phần mềm quản lý dân cư vùng dịch tại TP Hồ Chí Minh, ngày đầu, do một số người dân còn chưa kịp cập nhật tin tức để khai báo trước khi ra đường cho nên đã xảy ra tình trạng ùn ứ phương tiện tại một vài điểm chốt. Tuy nhiên, với nỗ lực hướng dẫn tuyên truyền của lực lượng trực chốt, người dân đã nhanh chóng thích nghi với việc sử dụng phần mềm để khai báo lộ trình từ trước khi đi qua chốt. Ðại úy Vũ Văn Dương, cán bộ thuộc C06 được tăng cường vào TP Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch cho biết: Hằng ngày, lưu lượng phương tiện qua chốt ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè khoảng 500 lượt, cho nên lực lượng làm nhiệm vụ khá vất vả. Từ ngày 11/8, tại chốt đã triển khai phần mềm quản lý công dân vùng dịch, nhờ đó giảm áp lực cho lực lượng trực, đồng thời cũng giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này. "Mới đầu nhiều người dân còn bỡ ngỡ, nhưng sau khi được hướng dẫn đều nghiêm túc thực hiện việc khai báo qua phần mềm. Hiện tại, mỗi trường hợp khi đi qua chốt chỉ mất 10 giây để quét mã QR". Lái xe ô-tô tải "luồng xanh" Trần Văn Phúc, thường xuyên vận chuyển hàng thiết yếu từ tỉnh Long An vào TP Hồ Chí Minh cho biết: "Việc khai báo lộ trình bằng điện thoại di động rất thuận tiện, do tôi đã khai sẵn từ nhà, cho nên khi qua chốt không mất nhiều thời gian khai báo y tế như trước đây".
Ðặc biệt, phần mềm quản lý dân cư vùng dịch đã phát huy hiệu quả trong công tác phát hiện và truy vết F0 như kỳ vọng. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 31/8, nhờ quét mã QR tại các chốt kiểm soát, cơ quan chức năng phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường, kịp thời ngăn chặn, xử lý. Hiện tại, phần mềm quản lý dân cư vùng dịch đã được công an các địa phương đồng loạt triển khai, đang là giải pháp đầy triển vọng trong công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an ninh trật tự.
Báo cháy, nổ, gặp nạn bằng App
Mới đây, thay vì cách báo cháy truyền thống là gọi điện đến số 114, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) (C07, Bộ Công an) đã triển khai hệ thống báo cháy, nổ, tai nạn qua app (ứng dụng) "Báo cháy 114". Ðây là ứng dụng miễn phí hỗ trợ người dân thông báo cho cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH các vụ cháy, nổ và sự cố, tai nạn một cách nhanh và chính xác nhất, bằng việc trực quan hóa thông qua các hình ảnh, video, âm thanh... được người dùng gọi điện hoặc gửi trực tiếp cho bộ phận tiếp nhận thông tin báo cháy, sự cố tai nạn tại Trung tâm thông tin chỉ huy (tổng đài 114).
Theo lãnh đạo Cục C07, ứng dụng nêu trên được ra đời từ sự phối hợp của C07 với Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. App "Báo cháy 114" giúp lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH xác minh được ngay các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố là thật hay giả, vị trí chính xác địa điểm xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố. Ðánh giá được cơ bản tình hình vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố; đưa ra phương án để triển khai công tác chữa cháy, CNCH phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do các vụ cháy, nổ và tai nạn, sự cố xảy ra. Ðồng thời, app "Báo cháy 114" bảo đảm quy trình số hóa một số hoạt động của các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH nói chung, đơn giản hóa các quy trình nhận tin và xác minh tin báo cháy, nổ, tai nạn, sự cố; nâng cao hiệu quả của các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH; dễ dàng có các phương án tích hợp với các nền tảng khác, hệ thống khác. Hiện tại, người dân có thể tải app "Báo cháy 114" miễn phí bằng điện thoại thông minh có kết nối internet chạy hệ điều hành IOS và Android và bắt đầu sử dụng ngay lập tức. Theo các cán bộ công an làm công tác trực Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội, số lượng các vụ việc liên quan đến cháy, nổ, tai nạn, an ninh trật tự báo về trung tâm rất lớn, việc triển khai app "Báo cháy 114" sẽ giúp Trung tâm tiếp nhận tin, phân tích, xử lý và điều động các lực lượng giải quyết sự cố một cách nhanh và hiệu quả nhất. Theo thống kê, trong năm 2020, Trung tâm thông tin Chỉ huy Công an TP Hà Nội tiếp nhận khoảng 400 nghìn cuộc gọi của người dân phản ánh về tình hình an ninh trật tự, cháy, nổ qua hệ thống tổng đài 113, 114. Trong đó, xử lý, giải quyết 450 vụ cháy, 720 vụ chập cháy cột điện, hơn 1.200 sự cố liên quan cháy, nổ; 230 tin CNCH (trung bình giải quyết khoảng 40 tin về an ninh trật tự/ngày; sáu tin cháy nổ, CNCH/ngày).
Tại địa bàn TP Hồ Chí Minh, từ cuối năm 2020 đến nay, người dân cũng đã quen với ứng dụng báo cháy, nổ có tên gọi "Help 114". Nhờ ứng dụng "Help 114", trong thời điểm dịch bùng phát mạnh, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã giảm bớt được việc phải xuống tận hiện trường để kiểm tra PCCC. Thông qua ứng dụng "Help 114", Cảnh sát có thể thực hiện việc kiểm tra PCCC trực tuyến, nhờ đó hạn chế tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Như tại khu Bệnh viện dã chiến điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP Thủ Ðức, mỗi khi muốn kiểm tra hệ thống PCCC, Cảnh sát chỉ cần kết nối với bất kỳ một bác sĩ, y tá hoặc một người dân… đang điều trị tại đây có sử dụng ứng dụng "Help 114" là đều có thể thông qua đó tiến hành việc kiểm tra an toàn về PCCC. Cũng nhờ ứng dụng công nghệ này mà mới đây Cảnh sát PCCC đã kịp thời dập tắt một đám cháy tại Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19. Ðặc biệt, thông qua app "Help 114" nhiều người dân còn gửi thông tin tố giác về các trường hợp vi phạm giãn cách xã hội tới cơ quan Công an để có biện pháp xử lý kịp thời.
Có thể thấy, bên cạnh công tác đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm, lực lượng công an đang có những bước tiến mang tính đột phá trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ - kỹ thuật vào công tác chuyên môn. Với hướng đi này, tin rằng trong tương lai, ngành Công an sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, chính quy hiện đại, giỏi nghiệp vụ phá án, tinh thông kỹ thuật thông tin. Qua đó, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả ■
Theo/nhandan.vn