Ứng dụng khoa học công nghệ 'kích hoạt' tiềm năng vùng Tây Nguyên
Ngay sau khi thống nhất đất nước (năm 1975), Đảng và Chính phủ đã chủ trương xây dựng Tây Nguyên thành địa bàn vững chắc về an ninh quốc phòng và vùng trọng điểm kinh tế của cả nước, trong đó chú trọng đưa khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Tây Nguyên.
Hình ảnh đèn LED chuyên dụng và các mô hình hoa cúc được chiếu sáng bằng đèn LED chuyên dụng - Ảnh: VAST.
Chương trình khoa học công nghệ phát huy hiệu quả ở Tây Nguyên
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ (KHCN) Việt Nam Trần Tuấn Anh cho biết, từ năm 1976 đến nay, đã có 3 Chương trình KHCN trọng điểm cấp Nhà nước về Tây Nguyên được triển khai thực hiện.
Đặc biệt, từ năm 2011-2020, Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam được Chính phủ phê duyệt và giao chủ trì Chương trình KHCN cấp quốc gia "KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên" giai đoạn 2011-2015 và "KHCN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế" giai đoạn 2016-2020.
Đây là Chương trình khoa học tổng hợp liên ngành cấp quốc gia lớn nhất đối với Tây Nguyên. Các kết quả của chương trình đã đánh dấu một giai đoạn mới của KHCN Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội Tây Nguyên trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Trong khi giai đoạn 2011-2015 các nghiên cứu tập trung vào đánh giá các giá trị cơ bản, đặc thù về tài nguyên thiên nhiên, những vấn đề thiên tai và môi trường cấp bách ở Tây Nguyên, thì giai đoạn 2016-2020 tập trung vào các vấn đề: Quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù, xây dựng các mô hình quản lý - quản trị tài nguyên thiên nhiên mang tính liên vùng, xuyên biên giới, các giải pháp khoa học công nghệ nhằm ứng phó với suy thoái tài nguyên, phòng tránh thiên tai theo định hướng phát triển bền vững.
Qua hai giai đoạn thực hiện, các kết quả nghiên cứu đã phác hoạ một bức tranh toàn cảnh về tiềm năng tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên vị thế và thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của Tây Nguyên.
Đặc biệt, các nhiệm vụ trong Chương trình giai đoạn 2016-2020 đã huy động được sự tham gia của 918 nhà khoa học thuộc 14 bộ, ngành, hội khoa học trên cả nước từ Trung ương đến địa phương vùng Tây Nguyên; đã triển khai 32 đề tài khoa học nhằm giải quyết các vấn đề thiết thực đặt ra của Tây Nguyên, trong đó, có 13 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, 11 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ và 8 đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và an ninh quốc phòng.
Nhờ thành công của Chương trình, lần đầu tiên di chỉ người tiền sử hiếm gặp ở Đông Nam Á được phát hiện cùng các giá trị đa dạng sinh học, địa chất, địa mạo trong nhiệm vụ nghiên cứu hang động núi lửa Không Nô - Đắk Nông, một phần quan trọng của Công viên địa chất Toàn cầu Đắk Nông, đã được UNESCO công nhận vào tháng 7/2020. Bên cạnh đó, nhờ các đề tài nghiên cứu, nhiều loài dược liệu chủ lực từ hệ sinh thái núi cao, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia cũng đã được phát hiện, qua đó phục vụ tích cực cho công tác bảo tồn và phát triển các cây thuốc quý phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Kết quả nghiên cứu các giải pháp nâng cao năng lực bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng vùng biên giới Tây Nguyên đã xây dựng được mô hình phòng, chống bệnh tật với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và di cư. Mô hình quân dân y chăm sóc sức khỏe đồng bào biên giới ứng phó với biến đối khí hậu, biến động dân cư và kiểm soát dịch bệnh đã và đang phát huy tác dụng tích cực.
Đặc biệt, Chương trình đã xây dựng thành công quy trình chuyển giao công nghệ, tạo sản phẩm hàng hóa từ nguồn dược liệu bản địa góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh biên giới.
Đơn cử như các nghiên cứu chuyển giao công nghệ khí sinh học tiên tiến phát điện và sử dụng bùn thải sau lên men yếm khí để sản xuất phân bón hữu cơ được triển khai tại nhà máy Bia Sài Gòn, tỉnh Đắk Lắk (công trình đạt giải nhất "Giải thưởng sáng tạo châu Á - 2020" do quỹ toàn cầu HITACHI trao chứng nhận); chuyển giao mô hình chiếu sáng điều khiển quang chu kỳ bằng đèn LED chuyên dụng nâng cao hiệu quả sản xuất hoa cúc thương mại; nhiệm vụ xây dựng mô hình khai thác sử dụng hợp lý nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió phục vụ sản xuất và sinh hoạt góp phần xây dựng "Nông thôn mới" Tây Nguyên…
Chuyển giao mô hình khai thác và sử dụng hợp lý nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió phục vụ sản xuất và sinh hoạt ở Tây Nguyên - Ảnh: VAST.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến phù hợp với thực tiễn Tây Nguyên
Theo Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, Tây Nguyên càng khẳng định là một vùng địa chính trị đặc biệt quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn đối với khu vực Đông Dương - ASEAN. Nhiều cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên giai đoạn liên kết vùng và hội nhập quốc tế đã được đặt ra cấp bách và cần được giải quyết.
Để đẩy mạnh ứng dụng KHCN phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, ông Trần Tuấn Anh cho rằng đầu tiên, cần thay đổi nhận thức về lợi thế đặc thù và khai thác các lĩnh vực lợi thế đặc thù của Tây Nguyên trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực, toàn cầu và trước sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ. Chuyển đổi từ quản lý hành chính đến quản trị linh hoạt thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước. Để quản trị tài nguyên hiệu quả cần có quy hoạch linh hoạt đa cấp đối với từng đơn vị hành chính phù hợp với từng vùng tự nhiên.
Song song với đó, cần thiết của việc ban hành một nghị quyết chuyên đề có ý nghĩa thiết thực và có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng hệ thống các chính sách phát triển thị trường xuất khẩu sản phẩm chủ lực vùng Tây Nguyên.
Trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến thích hợp vào thực tiễn phát triển kinh tế, sản xuất nông, lâm, công nghiệp, dịch vụ ở Tây Nguyên, các bộ, ngành, địa phương vùng Tây Nguyên cần nghiên cứu triển khai, ứng dụng và nhân rộng các mô hình, các dự án thử nghiệm không những từ các nhiệm vụ KHCN của các chương trình quốc gia mà còn từ các công nghệ tiên tiến hiện nay của Việt Nam và trên thế giới.
Trong đó, ứng dụng các giải pháp tích hợp công nghệ kiểm soát tài nguyên, môi trường, thiên tai bằng công nghệ vũ trụ, viễn thám, máy bay không người lái, công nghệ thông tin.
Đặc biệt ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh nông nghiệp vùng Tây Nguyên; hình thành cụm liên kết ngành "nông nghiệp công nghệ cao" ở Tây Nguyên. Thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản; công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm; ứng dụng công nghệ chế biến các chế phẩm có giá trị kinh tế cao từ các loài dược liệu bản địa quý hiếm phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tại Tây Nguyên.
Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo phục vụ phát triển kinh tế bền vững ở Tây Nguyên như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thu hồi kim loại quý và cải tạo, phục hồi hệ sinh thái trong khai thác khoáng sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng tài nguyên khoáng sản và ngăn ngừa hoang mạc hóa đất phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nguyên...
Để phát huy nguồn nội lực KHCN tại Tây Nguyên, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam cho rằng phải đổi mới nội dung định hướng chính sách phát triển giáo dục, đào tạo và nguồn nhân lực Tây Nguyên. Thu hút sự tham gia và huy động các nguồn lực của doanh nghiệp cho phát triển nguồn nhân lực ở Tây Nguyên. Hình thành Quỹ phát triển nguồn nhân lực Tây Nguyên với sự đóng góp của Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, xã hội.
Theo Báo điện tử Chính phủ