Ứng dụng phần mềm nguồn mở trong chuyển đổi số y tế
Việc ứng dụng phần mềm mã nguồn mở vào ứng dụng tại các bệnh viện của Hội Tin học y tế Việt Nam sẽ giúp các cơ sở y tế dễ dàng chuẩn hoá, trao đổi dữ liệu liên tuyến, liên viện. Các bệnh viện đã triển khai thành công có thể hỗ trợ các bệnh viện khác nếu cần.
Ngày 7/1, Hội Tin học y tế Việt Nam phối hợp với Tập đoàn công nghệ Vietsens tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng phần mềm nguồn mở trong chuyển đổi số y tế" và lễ ký bàn giao phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) nguồn mở cho Cộng đồng Công nghệ thông tin Việt Nam.
Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam PGS. TS Trần Quý Tường phát biểu khai mạc
PGS. TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam cho biết, phần mềm nguồn mở (OSS - Open Source Softwares) là những phần mềm được cung cấp không chỉ miễn phí về giá mua mà còn miễn phí về bản quyền sử dụng.
Theo đó, người dùng có quyền sửa đổi, cải tiến, phát triển, nâng cấp theo các nguyên tắc chung được quy định trong giấy phép phần mềm nguồn mở (Open Source Licenses) mà không cần phải xin phép ai.
"Việc đưa phần mềm nguồn mở vào ứng dụng tại các bệnh viện là bước hỗ trợ của Hội Tin học Y tế Việt Nam giúp các bệnh viện lựa chọn được phần mềm thích hợp để thực hiện chuyển đổi số trong khám chữa bệnh, nhanh chóng đưa bệnh án điện tử vào hoạt động." - ông Tường nói thêm.
Như vậy, phần mềm nguồn mở rất hữu ích và có nhiều lợi thế cho ngành y tế trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy cộng đồng công nghệ thông tin y tế phát triển, giúp các bệnh viện không mất chi phí thuê/mua phần mềm, góp phần đẩy nhanh chuyển đổi số y tế.
TS.BS Dương Huy Lương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu tại chương trình.
TS.BS. Dương Huy Lương - Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Chỉ đạo tuyến, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Ứng dụng CNTT trong khám, chữa bệnh là nhiệm vụ tất yếu để đáp ứng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng người bệnh. Hiện tại, Bộ Y tế đang tiếp tục xây dựng, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản, tiêu chuẩn và tiêu chí chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.
Cùng với đó, các bệnh viện cần tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong khám bệnh, chữa bệnh. Nơi nào ứng dụng CNTT hiệu quả sẽ có chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tốt hơn, tiết kiệm chi phí, sử dụng nguồn lực hiệu quả và người bệnh hài lòng hơn." BS Lương nhận định.
Tại hội thảo, các diễn giả đã tập trung trình bày tham luận về vai trò, ý nghĩa của việc ứng dụng nguồn mở, hướng tới mục tiêu chuyển đổi số thành công tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Toàn cảnh Hội thảo.
Lợi ích của phần mềm mã mở: Không mất chi phí thuê/mua phần mềm; Giúp cộng đồng công nghệ thông tin y tế có thể làm chủ phần mềm, làm chủ cơ sở dữ liệu của đơn vị mình mà không phụ thuộc nhà cung cấp, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn hướng tới hội nhập quốc tế về công nghệ thông tin y tế.
Việc ứng dụng này sẽ giúp các cơ sở y tế dễ dàng chuẩn hoá, trao đổi dữ liệu liên tuyến liên viện. Các bệnh viện đã triển khai thành công có thể hỗ trợ các bệnh viện khác nếu cần.
Cũng tại sự kiện này, Công ty cổ phần Hanel cam kết đồng hành và bảo đảm về an toàn thông tin cho phần mềm và khẳng định độ tin cậy khi sử dụng phần mềm nguồn mở trong hoạt động khám, chữa bệnh của các bệnh viện, phòng khám, tại trạm y tế phường, xã.
Bắt đầu từ ngày 7/1/2023, các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc sẽ được sử dụng phần mềm nguồn mở miễn phí tại địa chỉ: https://benhvienthongminh.vn.
Sản phẩm sẽ liên tục được nâng cấp, bổ sung các tính năng phù hợp với nhu cầu sử dụng và xu thế phát triển của y học thế giới.
Phần mềm nguồn mở đã được Tập đoàn công nghệ Vietsens xây dựng và hoàn thiện trong suốt 10 năm qua, hiện đang được sử dụng tại hơn 100 bệnh viện từ Trung ương đến địa phương cũng như tại các phòng khám và trạm y tế phường, xã.
Bên cạnh việc triển khai phần mềm nguồn mở tại các cơ sở khám, chữa bệnh, việc thúc đẩy dùng thẻ quốc gia trong thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng PV com bank cũng được giới thiệu và quảng bá đến các đại biểu, đón nhận được sự đánh giá cao về tính khả thi, tiện ích, mang lại những thuận lợi cho bệnh nhân và cơ sở khám, chữa bệnh.
PGS, TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam.
Tại hội thảo, PGS, TS Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, đã trao tặng kỷ niệm chương vinh danh các thành viên xuất sắc trên toàn quốc đã có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự thành công của phần mềm nguồn mở.
Uyên Thư (T/h)