Ứng dụng theo dõi Covid-19 không phát huy được tác dụng tại Mỹ
Mặc dù từ tháng 5, Apple và Google đã phát hành các ứng dụng giúp thông báo cho người dân về mức độ phơi nhiễm Covid-19, nhưng cho đến nay, các chuyên gia cho rằng việc triển khai áp dụng thấp tại Mỹ đã dẫn đến tác động khiêm tốn của các ứng dụng này đối với đại dịch.
- Pinduoduo lấn sân sang nông nghiệp công nghệ cao bằng AI
- Công nghệ 5G trên thế giới đang phát triển đến đâu?
- Khám chữa bệnh từ xa song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin
- 7 sản phẩm công nghệ xuất sắc dự chung kết OCB OPEN API CHALLENGE 2020
- Hàn Quốc phát triển thành công công nghệ sạc hồng ngoại từ xa
Apple và Google đã phát hành ứng dụng giúp thông báo phơi nhiễm từ tháng 5.
“Vấn đề nằm ở việc triển khai chứ không phải do ứng dụng”
Theo một tài liệu được biên soạn bởi hai gã khổng lồ công nghệ, ứng dụng “Thông báo phơi nhiễm” sử dụng công nghệ Bluetooth theo dõi khoảng cách trên thiết bị iOS và Android nhằm mục đích “thông báo nhanh” nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Nhờ đó, nó được xem là một công cụ khác để tăng cường khả năng theo dõi liên hệ. Sau đó, các cơ quan y tế công cộng có thể phát triển ứng dụng của riêng họ bằng giao diện mới, hoặc cung cấp Thông báo phơi nhiễm mà không cần tạo ứng dụng.
Tuy nhiên, chín tháng sau đại dịch, Tiến sĩ Lara Jehi, Giám đốc thông tin nghiên cứu tại Cleveland Clinic nói với Fox News rằng, vấn đề nằm ở việc triển khai các ứng dụng chứ không phải bản thân các ứng dụng. Theo Tiến sĩ Jehi, để các ứng dụng hoạt động, lý tưởng nhất là phần lớn dân số cần cài đặt sử dụng chúng và trạng thái Covid-19 cần phải sẵn sàng.
“Theo ước tính mới nhất mà tôi biết (đến ngày 3-10), chỉ có 10 bang với khoảng 20% dân số Mỹ sử dụng các ứng dụng của Google và Apple. Ở nhiều bang này, tỷ lệ cài là rất thấp, chẳng hạn ở Nevada chỉ chiếm 3%. Các xét nghiệm Covid-19 vẫn chưa có sẵn và thường mất vài ngày để có kết quả. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các ứng dụng không hoạt động được.
Trước đó, một nhóm các nhà khoa học của Đại học Oxford cho biết, dựa trên các mô phỏng, chỉ cần 15% người dân cài ứng dụng đã có thể tạo ra tác động tích cực.
Thí dụ, ở bang New York, Giám đốc thông tin công cộng Jonah Bruno cho biết công cụ thông báo phơi nhiễm có tên Covid Alert NY được ra mắt vào tháng 10. Có hơn 1,1 triệu người New York đã tải ứng dụng và hơn 2.700 người New York cài ứng dụng di động đã dương tính với Covid-19 cho đến nay.
“Gần 900 người trong số đó đã đánh dấu thành công trạng thái dương tính với Covid-19 của họ trong ứng dụng, kích hoạt hơn 800 thông báo tiếp xúc giữa những người dùng ứng dụng khác nhau”, ông Jonah Bruno nói.
Phân tích con số này cho thấy, khoảng 5% người dân New York đã tải xuống ứng dụng, 0,27% trong số những người dùng này cho kết quả dương tính với Covid-19 và trong số đó, chưa đến một phần ba cập nhật trạng thái Covid-19 của họ qua ứng dụng.
Lo ngại về quyền riêng tư
Tiến sĩ Jehi cho biết, các ứng dụng này đã vấp phải sự phản đối ở Mỹ vì những lo ngại quyền riêng tư về dữ liệu vị trí. Tuy nhiên, theo Google, Google và Apple đã tích hợp sẵn các biện pháp bảo vệ để bảo đảm rằng các ứng dụng theo dõi liên hệ này được thiết kế để không thể tìm hiểu mọi người đang ở đâu.
Trong khi đó ở bang Pennsylvania, theo Maggi Mumma, Phó thư ký báo chí của Bộ Y tế bang, ứng dụng Covid Alert PA đã có hơn 638.000 lượt tải xuống kể từ khi ra mắt vào ngày 22-9. Con số này cũng tương đương với tỷ lệ cài đặt khoảng 5% dân số. Đầu tuần này, ứng dụng đã được mở rộng đối tượng người dùng, ngoài những người từ 18 tuổi trở lên còn cả những người từ 13 đến 17 tuổi có sự đồng ý của cha mẹ.
Người phát ngôn cho biết, có 343 trường hợp xác nhận tình trạng dương tính với Covid-19 thông qua ứng dụng và tải lên ID của họ, từ đó ứng dụng đã truy vết 154 người cảnh báo phơi nhiễm. Trong số những người nhận được cảnh báo, 23 người đã yêu cầu gọi lại để được hỗ trợ thêm.
Theo Văn phòng Truyền thông Bộ Y tế Công cộng bang California, bang này đã khởi động các dự án thử nghiệm vào cuối tháng 9 với Đại học California San Diego (UCSD) và tháng10 với Đại học California San Francisco (UCSF) để xem hiệu quả hoạt động của công nghệ thông báo phơi nhiễm trong việc thông báo cho mọi người và làm chậm sự lây lan của virus.
UCSD cho biết, 15.000 người dùng, chiếm khoảng 30% đến 50% cộng đồng trong khuôn viên trường, đã kích hoạt phần mềm kể từ khi ra mắt và “hơn một tá” mã xác minh đã được gửi đến sinh viên và nhân viên sử dụng phần mềm và cho kết quả khả quan. UCSF ước tính một nửa dân số trong khuôn viên trường đã kích hoạt công cụ này.
“Chúng tôi đang đánh giá công nghệ này như một công cụ trong số nhiều biện pháp mà chúng tôi có thể thực hiện để giảm sự lây lan của Covid-19 ở California”, một người phát ngôn viết. Kể từ đó, các quan chức đã mở rộng ứng dụng CA Notify đến các địa điểm khác của Đại học California.
Tuy nhiên, người phát ngôn không thể đưa ra số lượng thông báo phơi nhiễm do “thiết kế bảo vệ quyền riêng tư” của công nghệ.
Người phát ngôn cho biết, công cụ này có thể hỗ trợ các nỗ lực theo dõi tiếp xúc truyền thống vì “mọi người có thể ở gần những người mà họ không biết là ai”, nếu không cài ứng dụng sẽ khó mà truy vết.
Ứng dụng chỉ phát huy hiệu quả truy vết khi hội đủ điều kiện
Theo Tiến sĩ Joshua Salomon, chuyên gia chính sách y tế công cộng của Đại học Y khoa Stanford, ứng dụng chỉ phát huy hiệu quả truy vết với một số điều kiện như số lượng người quyết định sử dụng ứng dụng, khả năng người sử dụng báo cáo kết quả xét nghiệm dương tính và cách mọi người phản ứng khi nhận được thông báo họ đã bị phơi nhiễm. Lý tưởng nhất là tự cách ly, đi xét nghiệm và hợp tác với các nỗ lực truy vết của sở y tế địa phương.
“Khi hội đủ các điều kiện này, ứng dụng truy vết có thể giúp giảm sự lây lan, đặc biệt là từ những người có thể bị nhiễm bệnh mà không biết”, Tiến sĩ Salomon nói. “Với sự gia tăng số ca lây nhiễm trong mùa đông này, chúng ta cần kết hợp của nhiều công cụ khác nhau để cố gắng kiểm soát dịch bệnh. Với tỷ lệ tham gia và tuân thủ tốt, các ứng dụng thông báo phơi nhiễm có thể là một phần của bộ công cụ đó".
Các ứng dụng sẽ không thay thế các biện pháp khác vẫn "cần thiết ngay bây giờ", như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, tránh tụ tập và một hệ thống "mạnh mẽ" để hỗ trợ kiểm tra, truy tìm và cách ly người nhiễm bệnh, ông Salomon cho biết.