Ứng dụng Vietlott SMS đang được 'dọn đường' để giữ thế độc quyền?
Bộ Tài chính đưa ra văn bản khẳng định các hình thức phân phối vé xổ số qua internet của các doanh nghiệp khác là vi phạm, nhưng lại công khai yêu cầu Vietlott SMS “có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS”...
Vietlott SMS là sản phẩm được tạo ra giữa Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) cùng Công ty cổ phần Viễn Thông – Tin học Bưu Điện, Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật số Việt và 03 nhà mạng Mobifone, Vinaphone, Viettel….
So sánh các ứng dụng có thể thấy, các kênh trung gian, ứng dụng mua hộ vé số hiện có trên điện thoại di động (iOS, CH Play) nói chung và kênh phân phối Vietlott SMS về bản chất là giống nhau. Các thao tác mua vé đều phải thực hiện trên điện thoại (có kết nối internet hoặc dữ liệu 3G, 4G, 5G).
Đều là ứng dụng trên điện thoại di động, đều sử dụng internet, các thuật toán, thông qua ứng dụng để nhận đơn hàng từ người chơi, sau đó phát hành vé vật lý. Hai hình thức này khác nhau về tên gọi và 01 bên là ứng dụng mua hộ qua SMS được Vietlott cho phép, 01 bên là các ứng dụng mua hộ chưa được Vietlott cho phép nhưng có phát hành vé vật lý ghi đầy đủ thông tin khách hàng và có thể kiểm tra kiểm soát.
Thế nhưng, tại văn bản số 9110/TB-TCNH ngày 24/8/2023 gửi UBND các tỉnh, thành về chấn chỉnh hoạt động phân phối vé xổ số kiến thiết qua internet, Bộ Tài chính khẳng định các hình thức qua mạng internet là vi phạm.
Mặt khác, Bộ này lại ban hành văn bản số 9111/TB-TCNH gửi Vietlott với yêu cầu “có kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS”.
Dưới góc độ pháp lý về cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Lê Cao, Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN, đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng cho rằng, đối chiếu những quy định liên quan do Bộ Tài chính ban hành thì có thể khẳng định, phân phối bằng các hình thức qua mạng internet mà không thuộc các trường hợp được phép và không được Bộ Tài chính cho phép là vi phạm các quy định của Bộ Tài chính ban hành.
Bộ Tài chính hướng dẫn duy nhất cho Vietlott SMS kế hoạch quảng bá là đang “cấm cản” các doanh nghiệp khác “nhón chân” vào trong thị trường đầy tiềm năng này.
Thế nhưng, cũng chính Bộ Tài chính lại hướng dẫn duy nhất cho một doanh nghiệp là Vietlott SMS kế hoạch quảng bá, truyền thông để gia tăng sự phổ biến của ứng dụng Vietlott SMS là đang “cấm cản” các doanh nghiệp khác “nhón chân” vào trong thị trường tiềm năng này thông qua các giải pháp liên quan đến việc sử dụng internet.
"Điều này đang tạo ra thế trận để đương nhiên Vietlott SMS sẽ độc quyền trong lĩnh vực phân phối xổ số kiến thiết qua internet bởi sẽ là nhà cung cấp sản phẩm xổ số duy nhất qua mạng internet, được tối đa hóa thị trường, lợi nhuận khi không có đối thủ cạnh tranh”, Luật sư Lê Cao nhận định.
Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hoà cho rằng: “Khi chưa có Internet, chưa có mạng xã hội, hoạt động mua bán xổ số chỉ có một hình thức là mua bán trực tiếp. Hiện nay, thương mại trực tuyến cho phép mua bán qua mạng, tôi cho rằng dịch vụ phân phối vé xổ số qua qua app, ví điện tử… là bình thường. Đó là quy luật khách quan của thị trường, người dân đang cần, đang đồng tình. Cấm là gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp”.
CẦN TẠO ĐIỀU KIỆN CHO DOANH NGHIỆP CẠNH TRANH LÀNH MẠNH
Phân tích sâu về công văn 9110/BTC-TCNH, Luật sư Lê Cao cho rằng, nhằm giữ cho một thị trường ổn định, có sự phát triển và bảo vệ người tiêu dùng thì pháp luật cạnh tranh nhiều quốc gia trên thế giới và pháp luật Việt Nam đều nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền.
Ông Lê Cao, Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN, đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng
Với công văn 9110/BTC-TCNH đề cập đến các nội dung liên quan đến việc phân phối vé xổ số gây nên những đánh giá trái chiều, là vấn đề rất đáng quan tâm và cần được hiểu rõ cặn kẽ về bản chất của các phản ứng.
Theo Luật sư Lê Cao, thực tế, việc Bộ Tài chính sử dụng hình thức công văn để “chấn chỉnh” hoạt động phân phối vé xổ số qua mạng internet dựa trên cơ sở các quy phạm pháp luật trước đây do Bộ Tài Chính ban hành, cụ thể:
Tại Điều 12 Thông tư 75/2013/TT-BTC quy định vé xổ số chỉ được phân phối theo hai phương thức “bán trực tiếp cho khách hàng” và “thông qua hệ thống đại lý xổ số”. Thông tư này cũng quy định “không được phân phối qua các kênh: điện thoại (cố định, di động), các thiết bị điện tử, internet và phương tiện viễn thông khác”;
Tại Điều 9 Thông tư 36/2019/TT-BTC quy định các phương thức phân phối xổ số tự chọn số điện toán gồm “bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối”, “thông qua điện thoại cố định và điện thoại di động” và “thông qua internet”. Phương thức thông qua internet “chỉ được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận”.
Các ứng dụng phân phối vé xổ số hiện nay đang góp phần tạo ra thế “kinh doanh lành mạnh - chống độc quyền”
“Như vậy, có thể thấy với các loại vé xổ số thì chỉ qua việc bán trực tiếp và thông qua hệ thống đại lý, với xổ số tự chọn số điện toán chỉ có thể bán trực tiếp cho khách hàng thông qua thiết bị đầu cuối và thông qua điện thoại cố định, điện thoại di động. Việc thông qua internet chỉ được được thực hiện sau khi được Bộ Tài chính chấp thuận, với phương thức này cần phải có “giấy phép con” từ Bộ Tài chính” - Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN cho hay.
Quay trở lại vấn đề, Luật sư Lê Cao khẳng định, Công văn số 9110/BTC-TCNH được ban hành đang có dấu hiệu của việc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp, lợi dụng quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh - vốn là các hành vi bị cấm theo điểm b, điểm d khoản 1 Điều 8 Luật Cạnh tranh 2018.
Bộ Tài chính “xây rào” cho Vietlott SMS không chỉ gây hại cho các doanh nghiệp mong muốn được kinh doanh một cách cạnh tranh mà còn gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Cũng theo Luật sư Lê Cao, việc Bộ Tài chính “xây rào” cho Vietlott SMS không chỉ gây hại cho các doanh nghiệp mong muốn được cạnh tranh một cách lành mạnh, mà còn gián tiếp gây thiệt hại cho người tiêu dùng khi họ không “được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh” theo khoản 9, Điều 4 Luật Bảo vệ Người tiêu dùng.
"Điều này dễ dẫn đến việc Vietlott SMS sẽ lạm dụng vị trí độc quyền để thống lĩnh thị trường gây thiệt hại cho người tiêu dùng, mà theo Luật Cạnh tranh 2018 thì đây là hành vi trái pháp luật và bị cấm" - Luật sư Lê Cao nhận định.
Theo vị Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN, hiện nay khi mà mọi người, mọi nhà đang cùng nhau “chuyển đổi số”, việc phân phối tất cả các loại vé xổ số qua internet cần được xem là một giải pháp tiện ích để các doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có lợi.
Với việc đề xuất đó, vị Luật sư này cũng đề nghị, nếu các quy định của Thông tư 75/2013/TT-BTC và Thông tư 36/2019/TT-BTC không còn phù hợp nữa, Bộ Tài chính nên chủ động bãi bỏ các quy định không phù hợp, ban hành các quy định phù hợp để tất cả các doanh nghiệp kinh doanh cùng lĩnh vực được cạnh tranh lành mạnh và công bằng với nhau.
"Theo đó, chính sách được điều chỉnh là dành cho mọi doanh nghiệp, không thể dùng danh nghĩa của cơ quan quản lý để “chấn chỉnh” các doanh nghiệp khác nhằm có lợi cho một doanh nghiệp, đồng thời định hướng doanh nghiệp đó phát triển lên còn răn đe đối với các doanh nghiệp còn lại.
Tư duy quản lý lúc này cần được xây dựng để đảm bảo công bằng cho tất cả các bên tham gia vào thị trường, có những quy định đã lỗi thời cần được thay thế bằng các quy định khác phù hợp với thực tiễn đời sống”, Luật sư Lê Cao nhấn mạnh.
Để sử dụng Vietlott SMS, người dùng vẫn phải tải ứng dụng Vietlott SMS về điện thoại, cài đặt, chọn các bộ số theo từng sản phẩm, sau đó đặt mua thì ứng dụng SMS mới tạo ra tin nhắn tự động để gửi đi đặt hàng.
Theo thuongtruong.com.vn