VAA cùng các hội nghề nghiệp khởi xướng thành lập Câu lạc bộ Các nhà khoa học

10:00, 04/04/2024

Sáng ngày 2/4, tại Hà Nội, Hội Tự động hóa Việt Nam (VAA) cùng Hội người Việt Nam ở nước ngoài, Hội Vật lý Việt Nam, Hội Vi sinh vật Việt Nam, Hội hóa học Việt Nam đã có hội nghị bàn tròn để tìm giải pháp hợp tác trong hoạt động khoa học tại Việt Nam.

Tại hội nghị, các tổ chức hội đã cùng thống nhất quan điểm sẽ thành lập Câu lạc bộ Các nhà khoa học để kết nối, giao lưu khoa học và triển khai các giải pháp để khoa học đi vào thực tiễn, để các nhà khoa học có thể sống vững được với nghề.

Hội nghị các hội chuyên ngành diễn ra sáng ngày 2/4 tại văn phòng VAA (Hà Nội). Ảnh Trà Giang

Phát biểu tại hội nghị, TS. Nguyễn Quân – Chủ tịch VAA cho rằng, trong bối cảnh hiện nay làm gì cũng khó nhưng với trách nhiệm của những người làm khoa học chúng ta cũng phải cố gắng làm việc gì đó cho ngành khoa học công nghệ và cho đất nước.

TS.Nguyễn Quân đánh giá cao việc Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, mà đứng đầu là Chủ tịch Hội – TS. Nguyễn Phú Bình đã cùng VAA thiết lập nên cuộc gặp mặt này để cùng nhau thảo luận các vấn đề.

Trong bối cảnh chung, chúng ta cũng nghe Chính phủ cho đến Quốc hội, các bộ ngành đều nói rất nhiều về công nghiệp vi mạch đến nông nghiệp công nghệ cao. Làm gì chúng ta đều phải lo đến nguồn nhân lực mới đáp ứng được. Vì thế Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều tiềm năng khai thác được nguồn lực của những người làm khoa học ở nước ngoài và ngay cả những người Việt Nam đang học tập, nghiên cứu ở nước ngoài. Hội Vật lý Việt Nam, Hội Vi sinh vật Việt Nam,… đều là nơi tập hợp những người làm khoa học. Chúng ta có sự liên kết thế mạnh của nhau thì hiệu quả sẽ cao hơn là các hội đứng riêng lẻ. TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ thế mạnh của các hội cùng tham gia hội nghị bàn tròn, trước mắt TS. Nguyễn Quân đề xuất 2 hướng tập trung đẩy mạnh trong thời gian tới.

Thứ nhất: Hiện nay chúng ta đang quan tâm đến vi mạch, vi mạch bán dẫn. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Việt Nam đã mở ra cơ hội cho nước ta trở thành trung tâm về thiết kế, sản xuất vi mạch. Cơ hội đã đến nhưng bây giờ chúng ta phải làm như thế nào? Nó vẫn là một bài toán để chúng ta tiếp tục nghiên cứu. Theo TS. Nguyễn Quân, hiện nay Chính phủ đặt ra vấn đề đầu tiên là thiết kế vi mạch. Các trường đại học, viện nghiên cứu phải gấp rút đào tạo nguồn nhân lực cho thiết kế vi mạch. Việc này là đúng, nhưng công nghệ vi mạch ngoài thiết kế ra còn có 2 khâu rất quan trọng, cần phải làm đồng bộ với nó là điện tử và phần mềm. Nếu chúng ta chỉ thiết kế không mà không có ngành công nghiệp điện tử thì thiếu hẳn một nền tảng quan trọng để chúng ta phát triển ngành công nghiệp vi mạch. Chúng ta muốn thành một trung tâm như Đài Loan, Hàn Quốc thì bắt buộc ngành công nghiệp vật liệu, điện tử cũng phải đi song hành với việc chúng ta đào tạo nhân lực cho thiết kế vi mạch cũng như cho phần mềm.

Thứ hai: Việt Nam là một nước nông nghiệp, nông sản thực phẩm chiếm tỉ trọng lớn trong xuất khẩu, có tiềm năng. Nhưng sản phẩm hiện nay vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế. Chúng ta muốn có nguồn thực phẩm xuất khẩu có quy mô lớn đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất, quy mô lớn không chỉ là quy mô hộ gia đình như trong giai đoạn quá độ trước đây mà phải sản xuất lớn đồng thời đưa KHCN vào. Có thực phẩm hữu cơ, thực phẩm sạch đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế thì chúng ta mới xuất khẩu được, mới cạnh tranh với tất cả các nước ngay ở trong khu vực và rộng hơn là thế giới.

Vì thế, ông Nguyễn Quân hy vọng sự hợp tác của các hội sẽ thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp từ khâu nuôi trồng cho đến khâu bảo quản, chế biến tiến tới là xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế. “Sự liên kết bước đầu của các hội có mặt tại đây là tiền đề để sau này có thể rất nhiều hội nghề nghiệp khác sẽ cùng với chúng ta thực hiện được một số công việc góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Tự động hóa cũng chỉ là một trong những công nghệ để giúp cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, còn nhiều vấn đề khác cần có vai trò của các hội chuyên ngành khác”.

TS. Nguyễn Phú Bình – Chủ tịch Hội liên lạc Người Việt Nam ở nước ngoài chia sẻ cùng các nhà khoa học. Ảnh Trà Giang

Đại diện cho Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài, TS. Nguyễn Phú Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi có mối quan hệ, kết nối. Chúng tôi thấy VAA là nơi tin cậy để chúng tôi gửi gắm những nguyện vọng, những đề nghị của các bạn ở nước ngoài gửi về”.

TS. Nguyễn Phú Bình kể, năm 1993 khi ông là đại sứ tại Hàn Quốc, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có dịp sang thăm Hàn Quốc, Tập đoàn Samsung đã đưa Thủ tướng đến một cứ điểm sản xuất vi mạch, hồi đó ông cũng chưa biết vi mạch là thế nào. Sau đó, năm 1995, Tổng bí thư Đỗ Mười sang thăm, Samsung cũng mời Tổng bí thư đến đấy để xem công nghệ vi mạch của họ. Lúc đó, mọi người nhìn vào kính hiển vi thấy nó như là đánh đố. “Giá mà mình biết sớm hơn, vận dụng sớm hơn thì hiện tại chúng ta cũng đã khác. Nhưng thà muộn còn hơn không, tôi nghĩ ngoài ngành Công nghệ bán dẫn còn có ngành Công nghệ hàng không, là những cái mà hội chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện”. Ông Bình hy vọng trong buổi làm việc hôm nay sẽ tìm kiếm thông qua các mối quan hệ của Hội liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài để chúng ta có thể phối hợp và cùng nhau phát triển trong tương lai.

Ngành khoa học và công nghệ của Việt Nam trong nhiều năm nay mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng đánh giá chung vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ từ phía các cơ quan quản lý. Tại hội nghị, cũng đã có nhiều nhà khoa học chia sẻ về các khó khăn mà họ đang phải đối mặt như khó triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu, tình trạng các nhà khoa học rời khỏi trường đại học, viện nghiên cứu,… Tuy nhiên, bên cạnh các khó khăn đó, các nhà khoa học vẫn có sự lạc quan và niềm tin “đã làm khoa học là tầng lớp tri thức, họ đều thông minh và sáng tạo, không quật ngã được. Do đó, chúng tôi sẽ có cách để đứng dậy, chống chọi với cái khó hiện nay”. GS.TS Nguyễn Quang Liêm cổ vũ và khẳng định: “Những người hết giai đoạn làm lãnh đạo, quản lý đã tích lũy kinh nghiệm rất nhiều. Họ là người biết rõ nhất về công nghệ, các lĩnh vực mà họ cần kết hợp, các doanh nghiệp mà họ cần kết nối. Nếu được sinh hoạt trong một câu lạc bộ thì việc dẫn dắt, kết nối với nhau rất tốt”.

Khẳng định sự cần thiết của việc thành lập Câu lạc bộ Các nhà khoa học, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm, Phó Chủ tịch Hội Vi sinh vật Việt Nam nhấn mạnh: “Những nhà khoa học đã trải qua 30 – 40 năm công tác vẫn còn tham gia những sự kiện như thế này là đang tận hiến với khoa học. Các nhà khoa học của Việt Nam tuy còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều vướng mắc trong triển khai đề tài, dự án. Tạm gác những việc đó sang một bên thì trước mắt chúng ta có thể làm tốt 2 việc là phản biện xã hội và thẩm định khoa học công nghệ sao cho sản phẩm KHCN là thực chất. Vì lẽ đó việc chúng ta có một câu lạc bộ để cùng ngồi lại với nhau là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay”.

Các đại biểu tham gia hội nghị cùng chụp ảnh lưu niệm. Ảnh Trà Giang

Kết luận tại hội nghị, TS. Nguyễn Quân khẳng định, trước mắt các hội nghề nghiệp, các nhà khoa học có mặt trong sự kiện này sẽ thống nhất việc thành lập một Câu lạc bộ dành cho các nhà khoa học. Câu lạc bộ không mang tính hành chính hóa, không hình thức. Sau khi thành lập câu lạc bộ, lúc ngồi với nhau là để bàn về một công việc cụ thể cần triển khai, như vậy mới hiệu quả.

Theo Tạp chí điện tử Tự động hóa ngày nay

(https://vnautomate.net/vaa-cung-cac-hoi-nghe-nghiep-khoi-xuong-thanh-lap-cau-lac-bo-cac-nha-khoa-hoc.html)