VAIP duy trì, đẩy mạnh phát triển các hoạt động chuyên môn và đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT Việt Nam

11:46, 20/07/2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã bám sát chương trình hành động và phát huy vai trò, vị trí xã hội nghề nghiệp của mình. VAIP cũng tích cực, chủ động tổ chức các hội thảo, toạ đàm về chuyển đổi số, CNTT trong những tháng cuối năm.

Để biết rõ hơn về những hoạt động mà Hội Tin học Việt Nam đã triển khai tích cực trong 6 tháng đầu năm, Tạp chí Tin học và Đời sống đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAIP về vấn đề này.

Ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội VAIP.

 

PV: Xin ông hãy cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, Hội Tin học Việt Nam đã có những hoạt động nổi bật nào?

Ông Nguyễn Long: Ngay tháng 1 năm 2023, Hội Tin học Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Tin học Việt Nam lần thứ IX (6/1/2023) với trên 200 đại biểu từ 36 Hội tin học thành viên, 5 Câu lạc bộ, các Chi hội Bộ - Ngành, các Doanh nghiệp CNTT-TT đại diện trên 50.000 hội viên; Bộ Trưởng Bộ TT&TT đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Hội còn tổ chức Gặp gỡ ICT 2023 - Xuân Quý Mão cùng 19 Hội, Hiệp hội ngành CNTT-TT với chủ đề “Trọng tâm: Xây dựng dữ liệu số quốc gia” vào ngày 16/02/2023. Bộ Trưởng Bộ TTTT đã tham dự và phát biểu chia sẻ đầu năm cùng các Hội, Hiệp hội ngành CNTT-TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng các lãnh đạo VAIP chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội IX ngày 6/1/2023.

Vào tháng 4/2023 Câu lạc bộ các Khoa - Viện - Trường CNTT VN (FISU) đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ II và ra mắt FISU Duyên hải, trung du, miền núi phía Bắc và FISU khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm đẩy mạnh kết nối - chia sẻ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT.

Ngoài ra, VAIP còn phối hợp cùng Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội tổ chức Toạ đàm góp ý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi) tháng 3-4/2023. Tích cực tham gia hoạt động tư vấn, hội thảo - toạ đàm Chuyển đổi số với các CQNN và các tỉnh, thành.

Phối hợp cùng Cục CNTT hoàn thiện Báo cáo Vietnam ICT Index 2022 xếp hạng khối Bộ-Ngành và tỉnh thành, Ngân hàng và Doanh nghiệp trình Bộ phê duyệt.

Đồng hành tổ chức Tuần lễ Chuyển đổi số Mekong Delta (5/2023 tại Hậu Giang), tổ chức đoàn Xúc tiến thương mại dự triển lãm Inforcomm Asia (Bangkok, 5/2023), Computex Taipei (6/2023).

Hội Tin học Việt Nam còn tích cực hỗ trợ, chủ trì chuyên môn kỳ thi HSGQG, tuyển chọn các kỳ thi Quốc tế (5/2023, 6 học sinh Việt Nam đều đoạt giải APIO); tổ chức thi lập trình cho học sinh như: LQD CUP (cho miền Trung), Trại hè Duyên hải (Bắc Bộ), Bootcamp Tin học Bảo Lộc (Tây Nguyên), hỗ trợ CLB VNOI tổ chức 3 vòng online VNOI CUP 2023 cho các lập trình viên người Việt toàn cầu, Viettel Programming Challenge 2023…

Ông Nguyễn Long phát biểu tại Lễ phát động của Hội thi sáng tạo kỹ thuật thành phố Hà Nội lần thứ nhất.

 

PV: Vậy kế hoạch của Hội Tin học Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 là gì thưa ông?

Ông Nguyễn Long: Điểm nhấn quan trọng trong trong 6 tháng cuối năm, Hội Tin học Việt Nam sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bình Định cùng các Cục, Vụ liên quan (Bộ TT&TT) tích cực chuẩn bị tổ chức Hội thảo hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam lần thứ XXIV tại Quy Nhơn dự kiến từ 31/8 đến 2/9/2023 cùng các hoạt động thể thao, văn nghệ song song.

Phối hợp cùng các Ban Đảng, UBKHCNMT Quốc hội tổ chức các hội thảo - toạ đàm về Chuyển đổi số, AI – Blockchain,… và chuẩn bị tham gia tư vấn, phản biện cho đánh giá tổng kết 5 năm Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong năm 2023, dựa vào tiềm năng hội viên, Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn sâu ngành CNTT, kết nối doanh nghiệp và nhà trường, giới thiệu và tư vấn ứng dụng các nền tảng, công nghệ mới như AI, Blockchain, Web 3, …. đồng thời triển khai các hoạt động đào tạo, phổ biến kiến thức về các công nghệ mới nhất cũng như các hình thức đào tạo chuẩn quốc tế, chuẩn mở theo mô hình đào tạo trực tuyến.

Đại hội Đại biểu toàn quốc Câu lạc bộ FISU Việt Nam nhiệm kỳ II.

Ngoài ra, tiếp tục duy trì các hoạt động tư vấn, hội thảo-toạ đàm Chuyển đổi số, CNTT-TT với các CQQLNN và các tỉnh, thành. Tổ chức hoạt động qua các Hội thảo chuyên sâu như: Hội thảo khoa học về Trí tuệ nhân tạo (CLB các Khoa[1]Viện-Trường CNTT), Hội thảo Quốc gia - Quốc tế về “Xử lý và ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt” (CLB VLSP) và các Hội thảo chuyên môn khác về Blockchain với Chuyển đổi số, PMNM - dữ liệu mở, Nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao,…

Tổ chức Chung kết VNOI CUP 2023 cho các lập trình viên trẻ người Việt tại Hạ Long (7/2023), huấn luyện đội tuyển Học sinh Việt Nam tham dự Olympic Tin học Quốc tế (Hungary, 8/2023), đưa đoàn sinh viên Việt Nam (6 đội tuyển) tham dự Chung kết ICPC toàn cầu tại Ai Cập (11/2023) và đội tuyển sinh viên Việt Nam dự Kỳ thi Procon Asia (11/2023, Japan). Tổ chức Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam, Procon kết hợp với Kỳ thi lập trình quốc tế ICPC Asia Hue City năm 2023 tại Đại học Khoa học, ĐH Huế dự kiến từ 8-13/12/2023, duy trì đội tuyển Việt Nam có mặt tại Chung kết ICPC toàn cầu năm 2024.

Tham gia chủ trì chuyên môn: Hội thi Tin học trẻ (7/2023), Hội thi Tin học Công chức trẻ (11- 2023), Giải thưởng Quả Cầu Vàng, Giải thưởng Nhân Tài đất Việt 2023, Hội thi sáng tạo KHKT Việt Nam ... và các Giải thưởng CNTT-TT có uy tín khác. Định hướng đào tạo nguồn lực và kỹ năng nghề và các hoạt động nghiên cứu, đào tạo mới, phù hợp thông qua Viện Tin học Nhân dân, CLB FISU cùng các CLB chuyên môn.

Bên cạnh đó là đưa Tạp chí Tin học và Đời sống chuyển đổi thành Tạp chí điện tử, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông của Hội, sớm ra mắt chuyên san chuyên môn về nghiên cứu phát triển CNTT-TT (cùng FISU, VLSP) tuân thủ các quy định mới của Quy hoạch báo chí. Hội chủ động, trực tiếp quản lý các Tạp chí và cơ quan truyền thông của mình; nhanh chóng chuyển đổi sang phương thức truyền thông điện tử. Duy trì và đẩy mạnh các công tác thông tin tuyên truyền, thi đua khen thưởng và văn hoá - thể thao.

Xin cảm ơn ông!

 

Theo tạp chí in số 4+5+6