Đến thời điểm này, số lượng iPhone bán ra của các nhà mạng sau những ngày đầu tiên chính thức phân phối đã không đạt mức như mong đợi. Với liên kết làm ăn cùng “trái táo Apple”, liệu các nhà mạng Vinaphone và Viettel đã có những lời giải cho bài toán thuê bao sử dụng iPhone của mình?
Ván cờ của nhà mạng với iPhone
Ngay sau khi Vinaphone công bố giá iPhone và các gói cước đi kèm, Viettel cũng lập tức “ngửa bài”. Khác với Vinaphone, Viettel dành cho khách hàng hai sự lựa chọn gồm phiên bản quốc tế và phiên bản khóa mạng (chỉ sử dụng được trên mạng Viettel hoặc kèm gói cước cam kết). Với hình thức cam kết trả sau trong vòng 12 tháng hoặc 24 tháng, khách hàng của Viettel có thể sở hữu iPhone 3G 8GB từ mức 0 đồng và iPhone 3GS 32GB với giá khoảng ba triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thực tế, khách hàng sẽ phải bỏ ra khoản tiền ban đầu tương ứng 11,3 - 15,9 triệu đồng, gồm tiền máy và tiền ứng dịch vụ. Đi kèm với iPhone “0 đồng” của Viettel là mức cước thuê tháng không hề bình dân chút nào, tới 1,2 triệu đồng/tháng. Các gói cước của Viettel, về cơ bản, đều thấp hơn các gói tương tự được Vinaphone công bố với mức từ 50.000 - 200.000 đồng. Tuy nhiên, do Vinaphone áp dụng khuyến mãi linh hoạt, đa dạng nên về cơ bản mức giá của Vinaphone là tương đương, thậm chí thấp hơn.
Câu hỏi đặt ra là người sử dụng nên mua iPhone của nhà mạng - điện thoại chính hãng - hay không? iPhone chính hãng được bảo hành theo tiêu chuẩn quốc tế và đa số sẽ áp dụng theo hình thức 1 đổi 1.Chính sách của nhà mạng là thu tiền trước, hồi tiền sau, người tiêu dùng có khả năng về tài chính cũng như nhu cầu sử dụng cao sẽ được lợi sau khi nhà mạng khấu trừ tiền trả trước. Mặt khác, thượng đế sẽ được hưởng các chính sách "ưu ái" về giá khi mua hàng của iTunes Việt Nam ngay khi kho nội dung trực tuyến này được đưa về Việt Nam.
Người tiêu dùng được lợi gì?
Ông Phó Giám đốc Vinaphone Hồ Đức Thắng: “Việc VinaPhone bắt tay với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối để cung cấp máy điện thoại cho khách hàng là nhằm mang lại các sản phẩm tốt nhất và chính hãng cho khách hàng, tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng khi sử dụng các dịch vụ của VinaPhone.”
Trên diễn đàn Thông tin công nghệ, các thành viên đã phân tích rằng, việc “góp gạo thổi cơm chung” giữa nhà mạng Việt Nam với Apple được coi như là hình thức tiên phong đầu tiên ở Việt Nam, và học tập theo các mạng di động lớn trên thế giới, giống như trào lưu phân phối ĐT kèm theo hợp đồng giá của AT&T – Mỹ trước đây. Một thành viên đã phân tích: “Tôi thấy, người ít tiền thì mua theo kiểu này, tôi thấy có vẻ ổn, bởi vì thực tế đây là hình thức trả góp. Tính ra các bạn được mua 1 chiếc iPhone fullbox, 1 chiếc iPhone được bào hành hẳn hoi – đồng thời kèm theo các khuyến mãi của nhà mạng thì chắc chắn còn hơn là hàng xách tay (mà nếu không may, còn gặp “hàng dựng”, mất tiền oan!).
Người tiêu dùng luôn mong sẽ có được chính sách có lợi cho mình nhất, nhà kinh doanh tất nhiên, khi cung cấp dịch vụ và sản phẩm ra thị trường, chắc chắn rằng, cũng muốn có doanh thu và lợi nhuận cho mình. Phân tích kỹ đối tượng thượng đế dùng iPhone, giới chuyên môn đã tạm phân loại thành 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người có tiền thì họ đã sử dụng iPhone ngay lập tức mà không cần băn khoăn đắt rẻ hơn một vài trăm ngàn/tháng. Nhóm thứ 2: chỉ dùng điện thoại để nghe gọi, SMS (đặc biệt ít dùng Internet) nên họ dùng iPhone trung cấp bền và rẻ. Và nhóm thứ 3: nằm giữa hai nhóm trên, ngoài nghe gọi còn có nhu cầu Internet khá cao nhưng khoản tiền mặt để mua hẳn iPhone là chua đủ, nên nhóm này đang quan tâm đến chương trình bán iPhone này nhất, và mua IP để lướt web xem thông tin nhanh, check mail ...
Như vậy, lời giải của bài toán nhà mạng – iPhone – thượng đế đã thể hiện rõ quyền lợi sử dụng và lợi ích “sát sườn” của hai bên. Người tiêu dùng có lẽ cũng chỉ mong chờ thêm sự cải tiến về những tiện ích tích hợp trong gói cước cũng như giảm giá gói và thời hạn cam kết với nhà mạng. Xét cho cùng, sở hữu chiếc ĐT cao cấp iPhone “trong mơ” này phụ thuộc vào sự lựa chọn sao cho hợp lý và hiệu quả cao nhất của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Long - Phó chủ tịch, Tổng thư Ký Hội Tin học Việt Nam và GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ là khách mời của chương trình "Công nghệ kiến tạo: Nâng cao chất lượng nguồn lực CNTT" được phát sóng trên kênh VTV2 lúc 21h30 ngày 12/3/2024.