Vẫn lạc quan lợi nhuận ngân hàng 2025

14:16, 17/01/2025

Một số ngân hàng bắt đầu công bố kết quả kinh doanh năm 2024 và nhìn chung, lợi nhuận đều tăng trưởng, thế nhưng thu nhập từ dịch vụ và hoạt động đầu tư giảm, biên lãi thuần (NIM) cũng giảm…

Câu lạc bộ lợi nhuận tỷ đô tiếp tục gọi tên “Big 4”

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, kế hoạch kinh doanh năm 2025 diễn ra cuối tuần qua, BIDV đã công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2024 ở mức 30.006 tỷ đồng (tương đương hơn 1,1 tỷ USD), tăng 12,4% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế của khối công ty con đạt 1.253 tỷ đồng và khối liên doanh đạt 1.362 tỷ đồng.

Đa phần ngân hàng ghi nhận giảm biên lợi nhuận trong năm 2024. Ảnh: Dũng Minh

Cũng báo lãi tỷ đô trong năm qua là VietinBank. Thông tin tại hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025, lãnh đạo VietinBank cho biết, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024. Trước đó, hồi tháng 10/2024, VietinBank công bố các chỉ tiêu dự kiến đạt được trong năm 2024 như tăng trưởng tổng tài sản từ 8-10%; tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%; lợi nhuận trước thuế ngân hàng mẹ trên 26.000 tỷ đồng, tăng 8,7% so với năm trước…

Trong nhóm lợi nhuận 1 tỷ USD còn gọi tên Agribank khi thông tin từ ngân hàng này cho biết, tính đến 31/12/2024, tổng tài sản đạt trên 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 200.000 tỷ đồng (tăng 10%); huy động vốn vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 140.000 tỷ đồng (tăng 7,5%); dư nợ tín dụng đạt trên 1,72 triệu tỷ đồng, tăng hơn 170.000 tỷ đồng (tăng 11%); tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,56%; lợi nhuận trước thuế tăng trên 8%, đạt hơn 27.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đạt 126.000 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ đạt 51.600 tỷ đồng.

Vietcombank chưa chính thức công bố lợi nhuận, nhưng thời điểm giữa tháng 12/2024, ông Nguyễn Thanh Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, Ngân hàng đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu lãi trước thuế hơn 42.000 tỷ đồng và sau nửa đầu năm, Ngân hàng đã hoàn thành gần 50% kế hoạch lợi nhuận năm.

Với khối ngân hàng thương mại tư nhân, kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2024 được công bố cho thấy đều đạt và tăng trưởng cao như ACB, HDBank, Sacombank…

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết: “Với dự báo NIM không tăng do lãi suất cho vay giảm và chi phí vốn (COF) cao hơn, kết hợp với sự phục hồi yếu của tăng trưởng thu nhập ngoài lãi (NoII), chúng tôi ước tính tăng trưởng lợi nhuận ròng trong quý IV/2024 sẽ không vượt quá 16%. Do đó, ước tính lợi nhuận sau thuế các ngân hàng theo dõi của chúng tôi vẫn ở mức 15-16%, tương tự như dự báo trước đó”.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một chuyên gia phân tích nhận định, lợi nhuận các ngân hàng năm 2024 chủ yếu đến từ giảm trích lập dự phòng và chi phí hoạt động. Thu nhập từ dịch vụ và hoạt động đầu tư giảm, NIM cũng giảm nên đóng góp của thu nhập tín dụng không cao, hay nói cách khác, muốn tăng lượng bán thì phải giảm giá.

“Chưa có báo cáo tài chính chính thức của quý IV/2024, nhưng tại báo cáo quý III/2024, NIM của các ngân hàng niêm yết giảm 4 điểm cơ bản theo quý và giảm 15 điểm cơ bản so với năm 2023, đạt 3,37%. Nhìn chung, hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận mức giảm NIM trong 9 tháng đầu năm 2024 và đà giảm này còn tiếp diễn trong quý IV/2024”, vị chuyên gia này nói.

Và những trắc trở

Theo bà Trần Thị Khánh Hiền, các ngân hàng sẽ tiếp tục hạ lãi suất cho vay trong 6-9 tháng tới để hỗ trợ khách hàng vì nhu cầu tín dụng chưa phục hồi hoàn toàn. Việc phục hồi chậm của các khoản vay mua nhà, chủ yếu do nguồn cung sản phẩm mới khan hiếm, đã làm chậm lại hoạt động vay bán lẻ trong năm 2024 và xu hướng này có thể tiếp diễn trong 6 tháng tới, làm giảm thêm lợi suất tài sản của các ngân hàng vào năm 2025.

Trong khi đó, lãi suất huy động năm 2025 khó có thể duy trì ở mức thấp như năm 2024 khi thanh khoản hạn chế do áp lực lớn từ tỷ giá hối đoái tăng cao. Hơn nữa, lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng trong những tháng gần đây trước biến động vĩ mô toàn cầu. Do đó, chi phí vốn của các ngân hàng năm 2025 dự báo sẽ tăng nhẹ so với năm 2024.

“Nhìn chung, NIM của các ngân hàng khó có thể bật mạnh trong năm 2025. Tuy nhiên, từ mức nền thấp năm 2024 cộng với việc tập trung giải quyết nợ xấu vào năm nay, nên kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng sẽ tăng trưởng vững chắc trong dài hạn”, bà Hiền nói.

Đáng chú ý là câu chuyện chi phí dự phòng của các ngân hàng niêm yết tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024 và tăng tốc lên 15,7% trong quý II/2024, trước khi giảm xuống 9,7% vào quý III/2024. Trong 9 tháng đầu năm 2024, chi phí dự phòng tăng 10,1% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 3 năm qua.

Có sự khác biệt đáng kể về chi phí dự phòng giữa các ngân hàng tư nhân và ngân hàng có vốn nhà nước chi phối. Tăng trưởng mạnh mẽ của thu nhập lãi thuần (NII) đã hỗ trợ cho các ngân hàng tư nhân linh hoạt hơn để tăng cường bộ đệm dự phòng, dẫn đến chi phí dự phòng tăng 23,4% so với cùng kỳ trong quý III/2024. Trong khi đó, nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối đã chủ động giảm chi phí dự phòng trong quý III/2024 (giảm 5,6%) để đảm bảo tăng trưởng lợi nhuận.

Theo đó, lợi nhuận ròng của các ngân hàng có vốn nhà nước chi phối và ngân hàng tư nhân lần lượt tăng 19,4% và 16,7% so với cùng kỳ. Nhìn chung, lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết trong quý III và 9 tháng đầu năm 2024 tăng lên 16,2% và 17,6% so với cùng kỳ. Trong quý cuối cùng của năm 2024, với nợ xấu được kiểm soát và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) phần nào được cải thiện, các ngân hàng niêm yết không còn động lực để tăng cường trích lập dự phòng, khiến chi phí trích lập dự phòng của ngành dự kiến tăng khoảng 10% trong năm 2024.

Trong diễn biến có liên quan là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ (chiếm 10% tổng thu nhập) chỉ tăng 3,5% trong 9 tháng đầu năm 2024, do hầu hết các hoạt động kém tích cực trước khó khăn chung của nền kinh tế và điều chỉnh hoạt động thích nghi với các quy định mới, và điều này kéo dài sang quý IV/2024. Theo đó, thu nhập từ phí thanh toán tại 16 ngân hàng niêm yết năm 2024 ghi nhận giảm 6% so với năm ngoái khi nhu cầu tiêu dùng còn yếu, doanh số sử dụng dịch vụ thẻ chững lại, giá trị giao dịch sụt giảm trước các quy định mới thắt chặt dịch vụ chuyển tiền.

Hoạt động thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại bị ảnh hưởng tiêu cực với việc các ngân hàng chuyển việc ghi nhận thu nhập phí L/C sang thu nhập lãi, chủ động giảm dần quy mô cấp L/C để tái cơ cấu sản phẩm (đặc biệt là sản phẩm UPAS L/C) trước các thay đổi trong quy định về ghi nhận L/C theo luật mới.

Kinh doanh ngoại hối tăng trưởng tốt trong 2 quý đầu năm 2024, nhưng giảm mạnh từ quý III/2024 do biến động bất lợi của tỷ giá vào tháng 7. Dự kiến, xu hướng tăng giá của đồng USD sẽ chậm lại trong năm 2025 và hoạt động kinh doanh ngoại hối giảm tốc với tăng trưởng đạt khoảng 5%. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư trái phiếu chính phủ ở một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng âm khi so sánh với mức nền cao năm 2023. Trong điều kiện lãi suất trái phiếu có xu hướng đi ngang và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, triển vọng lợi nhuận mảng này trong thời gian tới sẽ không có nhiều thay đổi.

“Kỳ vọng năm 2025, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng khoảng 10% từ mức nền thấp của năm 2024 theo đà hồi phục của nền kinh tế và các ngân hàng đã tích cực điều chỉnh, cơ cấu lại hiệu quả các mảng hoạt động suốt thời gian qua. Trong đó, các ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ với tiềm năng bán chéo sản phẩm có mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành”, một lãnh đạo cao cấp Vietcombank chia sẻ.