Văn phòng Thư ký của Toàn quyền Canada bị xâm phạm mạng nội bộ
Văn phòng Thư ký của Toàn quyền Canada ngày 2/12 xác nhận mạng nội bộ bị xâm phạm thông qua truy cập trái phép. Hiện Văn phòng Thư ký của Toàn quyền đang làm việc với các chuyên gia và trong trường hợp cần thiết sẽ "tiếp tục nâng cấp hệ thống mạng". Hiện bản chất và phạm vi của vụ xâm phạm này vẫn đang được điều tra.
Trung tâm An ninh mạng của Canada tham gia vào cuộc điều tra này và Văn phòng Thư ký của Toàn quyền nhấn mạnh, họ đã hành động ngay lập tức để "củng cố mạng lưới của mình".
Văn phòng ủy viên về quyền riêng tư cũng đã được thông báo về vụ xâm phạm. Tuy nhiên, Vito Pilieci, người phát ngôn của ủy viên quyền riêng tư, cho biết trong một email ngày 2/12 rằng họ không có thẩm quyền đối với Văn phòng của Toàn quyền vì Văn phòng của Toàn quyền không thuộc phạm vi điều chỉnh của Đạo luật về quyền riêng tư.
Các quan chức an ninh Canada không cho biết liệu vụ xâm phạm mạng này có liên quan đến mã độc tống tiền hay không, cũng như thời điểm xảy ra vụ việc và mức độ ảnh hưởng.
Trong báo cáo với tiêu đề "An ninh mạng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Các doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương chuẩn bị cho Phòng thủ kỹ thuật số", tập đoàn Cisco System (Mỹ) cho hay, khoảng 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Malaysia bị sự cố mạng trong 12 tháng qua.
Báo cáo cho biết có tới 67% số doanh nghiệp của Malaysia bị mất thông tin khách hàng do các vụ tấn công này gây ra. Cisco chỉ ra các doanh nghiệp vừa và nhỏ e ngại hơn về các rủi ro an ninh mạng khi có tới 74% doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng hơn về an ninh mạng so với 12 tháng trước và 88% cảm thấy bị đe dọa bởi từ các cuộc tấn công mạng.
Nghiên cứu của Cisco dựa trên kết quả cuộc khảo sát độc lập trên 3.700 lãnh đạo các doanh nghiệp và công nghệ thông tin về an ninh mạng tại 14 thị trường châu Á – Thái Bình dương.
Cuộc khảo sát cho thấy SME đã phát hiện nhiều cách thức mà những kẻ tấn công cố gắng xâm nhập vào hệ thống của họ. Trong một năm qua, các cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại đứng đầu khi ảnh hưởng đến 89% SME và hoạt động lừa đảo lừa đảo là nhân tố thứ hai với 69%.
Giám đốc điều hành Cisco Malaysia, Hana Raja cho hay, SME tại quốc gia Đông Nam Á này đã tận dụng công nghệ và tiếp tục triển khai hoạt động, phục vụ khách hàng trong nỗ lực ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Theo bà, chính sự gia tăng số hóa đã khiến các SMB trở thành mục tiêu hấp dẫn hơn đối với các tác nhân độc hại, đặc biệt các doanh nghiệp số hóa có bề mặt tấn công mở rộng cũng như lượng thông tin nhiều hơn sẽ là mục tiêu tấn công của tin tặc.
Bà Hana nhấn mạnh, thực tế này đang thúc đẩy nhu cầu quan trọng đối với SME nhằm đảm bảo các doanh nghiệp này có chiến lược, giải pháp và khả năng phù hợp để tự bảo vệ trên mặt trận an ninh mạng.
Đáng chú ý, 39% SME tại Malaysia bị ảnh hưởng từ các cuộc tấn công mạng cho rằng các giải pháp an ninh mạng không đủ khả năng phát hiện hoặc ngăn chặn các vụ tấn công là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng mất an ninh mạng trong khi 27% thừa nhận thực tế không có giải pháp đảm bảo an ninh mạng là nhân tố chính.
Theo Cisco, trong 12 tháng qua có 32% SME bị thiệt hại trên 500.000 USD hoặc nhiều hơn và 6% trong số này bị mất hơn 1 triệu USD, thậm chí nhiều hơn do các vụ tấn công mạng gây ra. Bên cạnh việc mất dữ liệu khách hàng, các doanh nghiệp cũng bị mất email nội bộ (65%), dữ liệu nhân viên (59%), tài sản trí tuệ (53%), thông tin kinh doanh nhạy cảm (45%) và thông tin tài chính (44 %).
Thiên Thanh (T/h)