Về robot sát thủ của Hàn Quốc (P.1)

19:14, 24/08/2015

Tại Daejeon của Hàn Quốc, một nhà máy sản xuất vũ khí đã thiết kế và cho ra một loại súng đặt trên tháp pháo. Thứ vũ khí này có khả năng nhận dạng, tìm theo và nhắm bắn...

Vậy ai sẽ là người dạy các chiến binh robot này nguyên tắc tác chiến?

Thành phố Daejeon là nơi có các hãng sản xuất robot quân sự của Nam Hàn (Hình: Getty Images)
Thành phố Daejeon là nơi có các hãng sản xuất robot quân sự của Hàn Quốc (Hình: Getty Images)

Theo BBC, trên ngọn đồi xanh tươi nhìn xuống Daejeon, một thành phố miền trung Hàn Quốc, một súng máy gắn trên tháp pháo đang tầm quét mục tiêu phía trước.

Cả bộ, gồm đế và súng, to cỡ bằng một chú chó lớn, trông trắng trẻo, sạch sẽ. Băng đạn cỡ .50 đủ mạnh để chặn đường một chiếc xe tải được vắt sang một bên. Một sợi cáp ethernet nối từ đế dẫn xuống nền cỏ rồi chạy vào một lều vải.

Sợi cáp bò lên trên giá đỡ rồi luồn vào phía sau chiếc máy tính với màn hình hiển thị các hình ảnh khác nhau do camera truyền về. Một camera mắt cá ghi hình góc rộng 180 độ cho thấy quang cảnh trước mắt. Một camera khác theo dõi từ trên không xuống, chiếu thẳng vào vị trí chúng tôi đang đứng.

Phủ trên những hình ảnh đó là một vùng có hình chóp nón màu đỏ, đánh dấu tầm tấn công của tháp pháo. Phạm vi này quy ra trên địa hình thực tế sẽ là một khu vực trải dài 4km, đủ để xâm nhập vào sâu trong thành phố nếu tính từ địa điểm quan sát trên cao đầy lợi thế này.

Cạnh bàn phím là một bộ cần điều khiển phức tạp, khá giống với bộ điều khiển các game máy tính hiện đại.

Một tấm gỗ gắn vào bàn ở phía trên bảng điều khiển cho biết chức nhăng của từng loại nút bấm khác nhau. Một nút là để ngắm bắn. Một nút khác để đo khoảng cách từ vị trí súng tới mục tiêu. Một để nạp đạn.
 
Super aEgis II có tầm hoạt động tới 4km và đủ sức hạ được mục tiêu cỡ xe tải
Super aEgis II có tầm hoạt động tới 4km và đủ sức hạ được mục tiêu cỡ xe tải

Nhóm các kỹ sư đứng quanh bàn tỏ ra do dự khi chiếc loa phóng thanh đặt trên chân đỡ bất ngờ phát ra những âm thanh cảnh báo. Một ô vuông nhấp nháy trên màn hình máy tính báo hiệu một mục tiêu vừa bị phát hiện đang di chuyển trong tầm theo dõi của camera - đó là một chiếc xe hơi.

Vị trí của nòng súng được thể hiện bằng một ô màu đỏ di chuyển trên màn hình máy tính.

Chiếc loa, bộ phận được gắn liền với hoạt động của tháp pháo, là một robot phát tín hiệu cảnh báo, với âm lượng có thể nghe được từ cách xa 3km. m thanh được phát đi với độ chính xác không thể tin nổi, nhằm cảnh báo mục tiêu trước khi nổ súng. Lời cảnh báo phải được đưa ra trước mỗi lần nhả đạn, theo đúng luật quốc tế, tôi được một trong các kỹ sư ở đó cho biết.

"Hãy quay lại," robot nói bằng một thứ tiếng Hàn khẩn trương. "Quay lại ngay, nếu không chúng tôi sẽ bắn." Chữ "chúng tôi" ở đây có ý nghĩa quan trọng. Super aEgis II, tháp pháo tự động ăn khách nhất của Nam Hàn, sẽ không nhả đạn nếu như không có lệnh 'OK' từ con người nói ra.

Người điều khiển trước tiên phải nhập mật mã (password) vào hệ thống máy tính để kích hoạt chức năng nhả đạn của tháp pháo. Sau đó, người đó phải ra mệnh lệnh trực tiếp thì tháp pháo mới khai hoả. "Lúc ban đầu thì thiết kế đưa ra không phải là như vậy," Jungsuk Park, kỹ sư cao cấp của DoDAAM, hãng sản xuất ra tháp pháo cho biết.

Park làm việc tại bộ phận Robot Giám sát của công ty, được đặt tại quận công nghệ Yuseong của thành phố Daejeon. Bộ phận này có 150 nhân viên, hầu hết đều là các kỹ sư.

"Đời máy đầu tiên mà chúng tôi đưa ra có hệ thống nhả đạn tự động," ông giải thích. "Nhưng tất cả các khách hàng của chúng tôi đều yêu cầu phải thêm phần kiểm soát của con người. Về mặt công nghệ thì chúng tôi không thấy có vấn đề gì, nhưng họ lo rằng súng có thể nhả đạn lầm."

Super aEgis II lần đầu tiên ra mắt hồi 2010, là một trong những loại vũ khí tự động đời mới có khả năng xác định, bám theo và phá huỷ mục tiêu di động từ khoảng cách rất xa, mà về mặt lý thuyết là không cần tới sự can thiệp của con người. Thiết bị này rất được ưa chuộng và đem lại lợi nhuận lớn cho công ty.

DoDAAM nói họ đã bán được hơn 30 bộ kể từ khi ra mắt, mỗi bộ là một phần trong hệ thống phòng thủ trọn gói, mỗi bộ trị giá trên 40 triệu USD.

Tháp pháo hiện đang được sử dụng ở nhiều nơi tại Trung Đông, trong đó có ba căn cứ không quân tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (Al Dhafra, Al Safran, và Al Minad), tại Hoàng Cung ở Abu Dhabi, tại một kho vũ khí ở Qatar và một số sân bay, nhà máy điện, các đường ống dẫn, các căn cứ quân sự ở các nơi khác trên thế giới.

Trong 15 năm qua, công nghệ vũ khí tự động và thiết bị không người điều khiển đã có những bước phát triển to lớn. Quân đội Mỹ sử dụng các robot bán tự động tương tự để thả bom và do thám.

Hồi 2000, Quốc hội Hoa Kỳ yêu cầu một phần ba xe quân sự trên bộ và máy bay tiêm kích phải được thay thế bằng loại tự động. Sáu năm sau, hàng trăm robot di động chiến thuật PackBot (PackBot Tactical Mobile Robots) đã được triển khai tại Iraq và Afghanistan, nhằm mở đường cho việc chiến đấu ở các khu đô thị, đặt đường cáp quang, và làm các nhiệm vụ nguy hiểm khác thay cho con người.

(Còn tiếp)


TIN LIÊN QUAN