Việc sớm khai thác lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là cấp bách
Ngày 6/4, Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai áp dụng "hộ chiếu vaccine" đối với khách nhập cảnh nhằm từng bước "mở cửa lại bầu trời". Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc sớm khai thác lại các chuyến bay quốc tế thường lệ là rất cấp bách, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch có thể vực dậy sau thời gian dài sụt giảm doanh thu.
Cụ thể, Cục Hàng không kiến nghị, khách có "hộ chiếu vaccine", tức là đã được tiêm vaccine và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 sẽ được nhập cảnh Việt Nam và giảm tối thiểu thời gian cách ly tập trung. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có các quy định pháp lý liên quan đến việc này nên sẽ cần có những thỏa thuận ở cấp Chính phủ, liên bộ giữa Việt Nam và các nước để triển khai.
Cũng theo kế hoạch được xây dựng trước đó, khi cơ chế "hộ chiếu vaccine" được áp dụng, thị trường triển khai sẽ là các quốc gia, vùng lãnh thổ công bố chấp nhận hiệu quả phòng dịch COVID-19 của cùng loại vaccine mà Việt Nam công bố. Tần suất ban đầu dự kiến là 7 chuyến/tuần/chiều cho các hãng hàng không của mỗi bên.
Khái niệm "hộ chiếu vaccine" hay một loạt những khái niệm khác liên quan như là "digital green pass", "travel pass"… có thể được hiểu là công cụ để ghi chép dữ liệu sức khỏe cá nhân, bao gồm các thông tin, giấy tờ chứng minh một người nào đó đã tiêm vaccine hay đã có chứng nhận xét nghiệm âm tính, được xác thực trên nền tảng số.
Đại diện Hiệp hội hàng không Quốc tế IATA cho biết, một nền tảng số có tên gọi "IATA Travel Pass" đang được khoảng 20 hãng hàng không trên toàn thế giới chạy thử nghiệm. Tại Việt Nam, hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đang trong những bước làm việc cuối cùng với IATA để có thể chính thức tiến hành thử nghiệm loại "hộ chiếu vaccine" này trong thời gian sớm nhất.
Theo đại diện Vietnam Airlines, một loại chứng chỉ về sức khỏe được tích hợp quy định của các nước về dịch bệnh, dữ liệu liên quan đến vaccine, dịch tễ và kết nối thông tin giữa các quốc gia sẽ là giải pháp giúp các hãng hàng không có thể khai thác lại các chuyến bay quốc tế để cải thiện doanh thu.
Ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông, Vietnam Airlines, chia sẻ: "Chúng ta sẽ mở cửa dần bởi vì cũng có những giai đoạn thử nghiệm, chúng tôi ngoài việc làm việc với các cơ quan chức năng thì cũng chủ động làm việc với các địa phương, khu du lịch lớn để có phương án tiếp nhận khách khi chúng ta áp dụng travel pass này".
Theo đại diện Hiệp hội hàng không Quốc tế IATA, loại "hộ chiếu vaccine" mà cơ quan này phát triển gồm 4 phần: Đăng ký yêu cầu sức khỏe, đăng ký các cơ sở xét nghiệm và tiêm vaccine, ứng dụng phòng thí nghiệm, và ứng dụng du lịch điện tử. Nó sẽ cho phép các hãng hàng không và cơ quan xuất nhập cảnh kiểm tra được khách hàng đã đạt yêu cầu cần thiết để nhập cảnh hay không.
Ông Vinoop Goel, Giám đốc vùng của IATA về sân bay và quan hệ đối ngoại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, cho biết: "Việt Nam đã thực hiện rất tốt việc kiểm soát dịch bệnh mặc dù có các trường hợp bị mắc nhưng nhìn chung tình hình đã được cải thiện. IATA travel pass có thể là công cụ mang lại sự tự tin cho hành khách cũng như Chính phủ khi bất cứ ai bay tới Việt Nam, đặc biệt với các hãng hàng không như Vietnam Airlines mà chúng tôi đang tích cực phối hợp làm việc để thúc đẩy việc mở cửa du lịch quốc tế. Chúng tôi hy vọng sẽ được nhìn thấy Việt Nam sớm mở cửa trở lại với du lịch quốc tế".
Cũng theo IATA, ứng dụng "hộ chiếu vaccine" sẽ là giải pháp số thay thế cho các loại giấy tờ chứng nhận bằng giấy cầm tay khác. Dự kiến, ứng dụng sẽ chính thức được ra mắt vào cuối tháng này.
Ngành du lịch mong mỏi "hộ chiếu vaccine"
"Hộ chiếu vaccine" không chỉ được xem là giấy thông hành để mở cửa lại bầu trời cho ngành hàng không, mà còn được xem là "liều thuốc" hồi sinh cho ngành công nghiệp không khói. Thời điểm này, không ít doanh nghiệp du lịch bày tỏ sự mong chờ triển khai công cụ này càng sớm càng tốt để đón nguồn khách quốc tế đã vắng bóng hơn 1 năm nay.
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hà Nội: "Nếu như "hộ chiếu vaccine" được các bộ ban ngành quan tâm và đưa ra được một bộ tiêu chí an toàn tối đa, chúng tôi sẽ tham gia vào quá trình này để đưa lại được nguồn khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Đây mới là nguồn khách đưa ngoại tệ về Việt Nam tốt nhất".
Ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours: "Nếu càng nhiều người có hộ chiếu vaccine thì càng nhiều người có nhu cầu, có khả năng đi lại thuận tiện thoải mái hơn. Không bị các rào cản. Nó có thể giúp cho các ngành du lịch dịch vụ sớm phục hồi".
Ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist: "Tuy nhiên, nó phải phù hợp với từng bối cảnh cụ thể, trong từng giai đoạn cụ thể. Chúng ta cần theo dõi tình hình phát triển du lịch phù hợp với tình hình COVID-19 trên thế giới, đặc biệt là trong khu vực để chúng ta có đà cạnh tranh với các điểm đến khác trong khu vực và trên thế giới".
Có thể thấy, hầu hết các doanh nghiệp du lịch đều "nóng lòng" chờ triển khai "hộ chiếu vaccine". Điều này là dễ hiểu, bởi sau hơn 1 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, mảng du lịch quốc tế của Việt Nam hầu như đã bị "đóng băng". Dù du lịch nội địa có sự khởi sắc nhưng vẫn không đủ để bù đắp, vực dậy cho cả ngành. Tuy nhiên, làm thế nào để "hộ chiếu vaccine" có thể áp dụng thì còn cần nhiều bước chuẩn bị. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ.
"Hộ chiếu vaccine": Cần cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ
Báo cáo của McKinsey mới đây, chỉ ra rằng, năm 2019, khi bầu trời vẫn chưa gợn đục bởi "bóng ma" COVID-19, ngành du lịch Việt Nam chiếm tới 12% GDP cả nước. Lượng du khách quốc tế dù chỉ chiếm 17% nhưng lại chi hơn quá nửa: trung bình mỗi du khách nước ngoài chi 673 USD, trong khi du khách trong nước chỉ chi 61 USD. Thế nên, lợi ích của việc triển khai "hộ chiếu vaccine" để dần mở cửa lại thị trường khách quốc tế là điều không cần bàn cãi. Chưa kể, Việt Nam là quốc gia xếp thứ hai trên thế giới về hiệu quả phòng chống dịch và tính đến hết ngày 5/4, đã có gần 53.000 người tại 19 tỉnh thành trên cả nước được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ: "Khi chúng ta có điều kiện mà chúng ta bỏ qua thì kinh tế chúng ta sẽ bị trì trệ. Với việc vaccine đã vào và tiêm tại Việt Nam và trên thế giới, ngành du lịch phải sẵn sàng để khai thác tốt nhất lợi thế này".
Tuy nhiên, "hộ chiếu vaccine" hiện vẫn đang là vấn đề tranh cãi của nhiều quốc gia do tiến độ tiêm vaccine là khác nhau và sự biến thể của nhiều chủng virus SARs-CoV-2. Bên cạnh đó, việc triển khai "giấy chứng nhận điện tử" này vẫn cần thời gian chuẩn bị và sự phối hợp của nhiều bên. Tại họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, Bộ đang cùng với các bộ ngành liên quan lên các phương án phù hợp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: "Bộ đang chuẩn bị phương án sử dụng hộ chiếu vaccine. Tuy nhiên, các phương án phải được bàn rất kỹ lưỡng. Phải cân bằng giữa lợi ích và nguy cơ, lợi ích và mở cửa phát triển kinh tế. Nguy cơ là có thể gây lây nhiễm trong cộng đồng".
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch nói: "Giải pháp tốt nhất Việt Nam có thể làm là chúng ta chọn 1-2 địa điểm để làm thử hộ chiếu vaccine. Kết hợp với việc tăng cường tiêm vaccine cho các tổ chức, cá nhân phục vụ khách du lịch. Sau đó chúng ta có thể mở rộng ra".
Ngoài việc chọn địa điểm để thử nghiệm "hộ chiếu vaccine", đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng, việc mở cửa cũng sẽ lựa chọn loại hình du lịch phù hợp, ưu tiên du lịch ít tiếp xúc như tour du lịch cách ly kết hợp chăm sóc sức khỏe, chơi golf... Sớm nhất cũng phải sau quý 3 mới mở cửa trở lại, khi thị trường du lịch nội địa qua mùa cao điểm và các doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện để đón khách.
"Hộ chiếu vaccine" thực sự đang được các cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp hàng không, du lịch của Việt Nam mong chờ, nhưng hiện vẫn mới chỉ dừng ở những bước nghiên cứu và lên phương án. Còn trên thế giới, một số quốc gia đã rục rịch triển khai giải pháp này trong khoảng 1 tháng trở lại đây. Họ kỳ vọng việc này sẽ giúp vực dậy nền kinh tế và cả những khó khăn rất lớn trong vấn đề việc làm nữa.
Nhiều quốc gia bắt đầu triển khai "hộ chiếu vaccine"
Hiện tại, Anh quốc là nước có tỉ lệ tiêm chủng cả mũi 1 và mũi 2 cao nhất lục địa già, với khoảng 42% dân số đã được tiêm 1 hoặc cả 2 mũi.
Với tỷ lệ tiêm chủng ấn tượng này, mới đây, chính phủ Anh đã bắt đầu rục rịch lên kế hoạch cho việc thử nghiệm sự hiệu quả của hộ chiếu vaccine tại các sự kiện đông người. Đưa vào thí điểm đầu tiên là các giải đấu thể thao cực kì được hâm mộ tại sân Wembley hay các trận đấu cuối mùa trong khuôn khổ giải FA Cup. Người hâm mộ có hộ chiếu vaccine sẽ được cho phép vào sân trong tháng 4, tháng 5 này.
Trước đó, Liên minh châu Âu EU cũng đã lên kế hoạch đưa hộ chiếu vaccine vào ứng dụng trong ngành du lịch nội khối. Hộ chiếu vaccine của người dân trong khối EU sẽ liên kết với chứng nhận tiêm phòng, thông tin về xét nghiệm hoặc thông tin về quá trình hồi phục đối với những người đã từng mắc COVID-19. Đây được cho là mảnh ghép rất cần thiết để phục hồi ngành du lịch với hơn 30 triệu lao động đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh. Điều mà EU mong muốn bây giờ, có lẽ việc ứng dụng hộ chiếu vaccine sẽ sớm được triển khai trên toàn cầu.
Ông Jean Louis Festeraerts, Chủ khách sạn tại Brussels, chia sẻ: "Hiện tại chúng tôi cũng bắt đầu có khách đến từ các quốc gia lân cận. Tuy nhiên, so với trước kia, việc kinh doanh vẫn khá ảm đạm, khi vẫn chưa thể có khách từ Mỹ, Canada hay khắp nơi trên thế giới".
Hiện tại Uỷ ban châu Âu vẫn đang thúc đẩy việc xuất trình hộ chiếu vaccine điện tử trên máy điện thoại vào mùa hè này cho kịp cao điểm du lịch.
Mới đây, Singapore là nước đầu tiên chấp nhận giấy thông hành điện tử của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, gồm chứng nhận xét nghiệm và tiêm phòng COVID-19. Du khách có thể bay đến và nhập cảnh Singapore bằng cách trình ứng dụng điện thoại thông minh chứa dữ liệu liên quan COVID-19 của bản thân từ các phòng thí nghiệm uy tín. Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã có những đề xuất cho việc dùng hộ chiếu vaccine.
Tuy thế, điều này không đơn giản khi còn rất nhiều cách biệt trong việc tiêm phòng giữa các quốc gia. Ví dụ như Trung Quốc chỉ chấp nhận vaccine của Trung Quốc, WHO lại không đồng thuận với giải pháp visa vaccine của nhiều nước và cũng e ngại việc kiểm soát dịch sẽ khó khăn hơn.
Và cũng vẫn có những lo ngại rằng kể cả sau khi được tiêm vaccine, việc lây nhiễm khi bệnh không thể hiện triệu chứng là vẫn có thể xảy ra hoặc đã khỏi bệnh vẫn có thể tái nhiễm.
Chính vì thế, nhiều tổ chức y tế hoặc du lịch trên toàn cầu vẫn cho rằng, hộ chiếu vaccine chỉ là 1 chuyện, còn việc nâng cao ý thức phòng dịch tối đa vẫn nên có vì 1 dấu tích xanh trên điện thoại có thể không phải là tấm lá chắn hiệu quả 100%.
PV (T/h)