Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc cần có giấc mơ lớn để thành công

06:03, 21/05/2025

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc cần có một niềm tin mới, tầm nhìn mới, có một cách tiếp cận mới, có một giấc mơ lớn và cứ làm đi rồi sẽ thành công. Việc vĩ đại làm nên người vĩ đại. Cứ làm rồi sẽ vĩ đại.

Ngày 20/5, tại Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác của Bộ đã có buổi thăm và làm việc với Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST). Tham dự buổi thăm và làm việc có lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Đoàn công tác Bộ KH&CN thăm và làm việc với VKIST tại Khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Hướng đến giải “bài toán lớn” về nghiên cứu khoa học, chuyển giao, đổi mới công nghệ

Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc (Viện VKIST) được thành lập theo Nghị định số 50/2015/NĐ-CP ngày 18/5/2015 của Chính phủ trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hàn Quốc.

Viện thực hiện các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) ở trình độ cao về các khoa học ứng dụng và các công nghệ đa ngành phục vụ các ngành công nghiệp; cung cấp dịch vụ kỹ thuật tiên tiến và nguồn nhân lực trình độ cao cho các doanh nghiệp (DN) và các ngành, lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật.

Đồng thời, Viện thúc đẩy và nâng tầm mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực KH&CN, thông qua Viện VKIST để giới thiệu và chuyển giao công nghệ, sản phẩm, hoạt động R&D của Hàn Quốc cho DN Việt Nam, DN Hàn Quốc tại Việt Nam và ngược lại.

Tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Lợi, Viện trưởng VKIST cho biết, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến ngày 30/4/2025, VKIST đã và đang thực hiện 27 nhiệm vụ. Viện đã hoàn thành 15 nhiệm vụ. Viện đã có 23 bài báo quốc tế, 10 bài báo trong nước, 17 bài báo đăng ký yếu hội nghị khoa học, 10 sáng chế/đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích/bản quyền phần mềm/quy trình công nghệ, 16 công nghệ sẵn sàng chuyển giao thương mại hoá.

“Viện đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối cho hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Viện đang xây dựng đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa theo mô hình “Mỗi doanh nghiệp - Một nhà nghiên cứu”, ông Vũ Đức Lợi nhấn mạnh.

Viện trưởng Vũ Đức Lợi: Viện đã thực hiện tốt vai trò là cầu nối cho hợp tác KH&CN giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Thông tin về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Viện trưởng Vũ Đức Lợi cho biết Viện sẽ chuyển giao và thương mại hoá tối thiểu 5 sản phẩm/công nghệ; Hợp tác với Hàn Quốc phát triển các công nghệ, sản phẩm tạo giá trị tăng cao; Phát triển đội ngũ cán bộ chiến lược cho ngành vi mạch bán dẫn…

Giai đoạn 2026 - 2030, VKIST định hướng phát triển theo mô hình đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở, lấy nghiên cứu ứng dụng làm trọng tâm, hướng đến giải quyết “bài toán lớn” về nghiên cứu khoa học, chuyển giao, đổi mới công nghệ bằng cách huy động tối đa các nguồn lực sẵn có và các nguồn lực từ các đối tác toàn cầu.

Viện cũng dự kiến tập trung nghiên cứu, phát triển công nghệ chiến lược trọng tâm vào lĩnh vực: Pin thứ cấp, cánh tay robot thông qua quá trình hợp tác và huy động nguồn lực của Chính phủ Hàn Quốc, đặc biệt từ Viện KIST.

Có giấc mơ lớn

Trước các băn khoăn, đề xuất, kiến nghị, trao đổi của các cán bộ và định hướng phát triển của Viện, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã giải đáp, trao đổi các hỗ trợ. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã lắng nghe các phát biểu, chia sẻ của các cán bộ, đơn vị của Viện về kế hoạch phát triển trong giai đoạn mới.

Chia sẻ và nhấn mạnh với các cán bộ của Viện, Bộ trưởng cho biết mỗi đơn vị, tổ chức muốn phát triển cần có một giấc mơ lớn. Tại ngày hội KH&CN vừa được Bộ tổ chức chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, Bộ trưởng cho biết một nhà khoa học nữ đã chia sẻ đầy tâm huyết: “Khoa học Việt Nam chỉ có thể lớn lên được nếu như chúng ta có một giấc mơ lớn, chứ không phải chúng ta có những nhà nghiên cứu lớn”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Văn hoá, trình độ phát triển, thời cuộc khác thì mô hình phát triển cũng cần có cách tiếp cận khác.

Để Viện tiếp tục phát triển mạnh mẽ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Viện xem lại sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, chiến lược, định vị của Viện bởi bối cảnh phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi.

Theo Bộ trưởng, đất nước đang bước vào giai đoạn mới, chính quyền chuyển từ mô hình ba cấp thành hai cấp. Cùng với đó, đất nước đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số, khoa học công nghệ (KHCN) được xác định làm nền tảng phát triển, tinh thần thúc đẩy ĐMST, nghiên cứu KHCN tăng cao. Bộ KH&CN hiện nay tập trung vào 5 lĩnh vực, gồm: Tiêu chuẩn đo lường, sở hữu trí tuệ, KHCN, ĐMST và chuyển đổi số (CĐS). Theo đó, VKIST tập trung nghiên cứu công nghệ để tạo ra các ngành công nghiệp mới, có nghĩa là tập trung các công nghệ cốt lõi và mới.

Bộ trưởng đề nghị Viện nghiên cứu lại những tư tưởng của những người “dựng nước”, tìm lại những “cội nguồn xưa” của VKIST như sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược, định vị và bổ sung thêm những giá trị cốt lõi để phát triển Viện trong giai đoạn mới. Theo đó, trong tháng 6/2025, VKIST cần trình Bộ thông qua chiến lược phát triển.

Bộ trưởng cũng phân tích mô hình hiện nay của Viện là theo mô hình của Viện KIST (Hàn Quốc) đã ra đời cách đây có đến 60 năm. Lúc đó, chưa có Cách mạng công nghiệp 4.0, nên Viện cần đánh giá lại bởi cuộc sống cơ bản có một quy luật là không có hai đất nước, hai tổ chức cùng thành công theo một cách.

“Văn hoá, trình độ phát triển, thời cuộc khác thì mô hình phát triển cũng cần có cách tiếp cận khác”, Bộ trưởng nhận định.

Nhận việc lớn

Tiếp theo, Bộ trưởng mong muốn Viện là đơn vị nghiên cứu của Nhà nước, phải nhận việc lớn, nghiên cứu công nghệ lớn, sản phẩm lớn, nghĩa là ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. “Viện không có gì phải sợ không có tổng công trình sư, cứ làm rồi sẽ có. Thiếu nguồn lực thì thuê người nước ngoài, thu hút trí tuệ toàn cầu. Có việc thì có nguồn lực”.

VKIST nên ghi nhớ: việc lớn, thu hút trí tuệ toàn cầu. Viện là viện công nghệ nhưng Bộ KH&CN đang có chủ trương, đường hướng là làm chủ công nghệ chiến lược thông qua làm chủ sản phẩm chiến lược vì công nghệ khá trừu tượng nhưng sản phẩm có hình hài và có thể ra thị trường được ngay. Theo đó, Viện cần làm chủ sản phẩm để tiến tới làm chủ công nghệ.

“Đất nước đang cần sản phẩm chiến lược nhiều hơn là công nghệ. Học hỏi mô hình Viện KIST những giá trị tốt nhất và cũng nghiên cứu cả mô hình phát công nghệ”, Bộ trưởng đề nghị.

Đóng góp thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc

VKIST được thành lập trên mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam - Hàn Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Viện cần biết ơn Hàn Quốc bởi sự hỗ trợ nhưng Viện cũng cần đặt mình trong bối cảnh Việt Nam, văn hoá Việt Nam, thực tiễn Việt Nam, trình độ phát triển Việt Nam và giải câu chuyện Việt Nam. “Cái hồn, cái cốt vẫn là Việt Nam”.

Toàn cảnh buổi làm việc.

Bộ trưởng gợi mở Viện được hình thành để học hỏi mô hình nghiên cứu của Hàn Quốc nhưng cũng đóng góp, hỗ trợ Hàn Quốc. “Viện suy nghĩ theo hướng có trách nhiệm đóng góp thúc đẩy mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc. Viện có thể đưa những kết quả nghiên cứu của VKIST sang Hàn Quốc ứng dụng. Hàn Quốc cũng có thể sử dụng nhân lực của Viện để thúc đẩy nghiên cứu với chi phí phù hợp".

Cùng với đó, Viện có thể nhận các đề tài nghiên cứu lớn, thuê các chuyên gia Hàn Quốc cùng làm, có nghĩa là Viện cũng tạo nguồn thu cho Viện nhưng cũng là giúp Hàn Quốc.

Theo Bộ trưởng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã từng phát biểu: Chúng ta sử dụng thành tựu phát triển của nhân loại nhưng phải đóng góp cho nhân loại, đóng góp cho hoà bình thế giới, nghĩa là Việt Nam bây giờ đứng thứ trên 30 trong số 220 quốc gia thì phải có trách nhiệm.

“Người Việt Nam biết ơn bạn bè quốc tế, đó là tấm lòng và cũng hoàn toàn ngẩng cao đầu bởi Viện cũng có thể hỗ trợ Viện KIST nghiên cứu, ứng dụng công nghệ hay có thể đáp lại tấm lòng của Viện KIST bằng cách xây dựng cả một cơ sở cho Viện KIST tại Hàn Quốc”, Bộ trưởng chia sẻ.

Đo lường tác động kinh tế

Để định vị tổ chức đang đứng ở đâu, việc đo lường sự phát triển là điểm quan trọng. Theo đó, Bộ trưởng mong muốn Viện là cơ sở nghiên cứu công nghệ thì cần chú ý đầu ra, thương mại hoá sản phẩm. Hiện nay, VKIST là một trong những viện nghiên cứu đang được cả nước, Bộ KH&CN quan tâm khi Đảng, Nhà nước đang đặt mục tiêu cao về phát triển dựa vào KHCN, ĐMST và CĐS. Theo đó, Viện cần quan tâm đến việc đo lường tác động kinh tế.

Theo Bộ trưởng, thực hiện được việc đo lường cũng để giúp Viện cân đối giữa những điểm cũ và mới, tập trung làm các công việc tạo ra tác động xã hội lớn, lan toả. Từ đó, tìm ra sự khác biệt của VKIST, khác với đại học, DN làm nghiên cứu…

Để xây dựng được bộ đo lường, Viện có thể tham khảo việc tiêu chí đo lường các cơ sở nghiên cứu Bộ đang xây dựng và tham khảo kinh nghiệm quốc tế để hình thành bộ đo lường nghiên cứu cho Viện. Việc đo lường sẽ để biết Viện đang đứng ở đâu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ của Viện.

Việc phát triển của Viện là câu chuyện hợp tác quốc tế, phát triển quốc gia. “Có thể nói, VKIST là bộ mặt hợp tác về nghiên cứu công nghệ của Bộ. Các cơ quan đơn vị của Bộ cần quan tâm, hỗ trợ Viện. Thông qua việc phát triển của Viện để nhìn thấy sự phát triển của KHCN Việt Nam”, Bộ trưởng cho hay.

Viện cần được giao thực hiện nghiên cứu công nghệ, sản phẩm chiến lược. Viện có thể được coi cái nôi để có thể đánh giá hiệu quả nghiên cứu KHCN, là nơi thử nghiệm chính sách, thể chế KHCN... Các đơn vị của Bộ cần tập trung giúp Viện về tổ chức, bộ máy, thuê chuyên gia… Biến Viện VKIST trở thành nơi thử nghiệm chính sách KHCN, Bộ trưởng đề nghị.

Vượt "ngưỡng khó" để thành công

Chia sẻ với những khó khăn trong quá trình nghiên cứu, thương mại hoá sản phẩm ra thị trường, Bộ trưởng cho rằng càng khó bao nhiêu thì càng dễ bấy nhiêu bởi có động lực thôi thúc con người, tổ chức sẽ “vượt ngưỡng khó”.

Viện nhận việc khó thì sẽ "căng lên", có đam mê, có sứ mệnh lớn lao thì sẽ tự tin, nhiều niềm vui. Khi gặp khó thì sẽ được trời mách bảo những cách làm mới, tìm những hợp tác hợp tác nghiên cứu mới.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: mong muốn: Viện có một niềm tin mới, tầm nhìn mới, có một cách tiếp cận mới, có một giấc mơ lớn và cứ làm đi rồi sẽ thành công.

VKIST hoàn toàn có thể đặt hàng các nước như Nga, Belarus nghiên cứu những việc cụ thể vì Việt Nam nhiều bài toán. “Đi quốc tế hoàn toàn có thể sòng phẳng. Người Việt Nam không hề thua kém”, Bộ trưởng tin tưởng.

Cuối cùng, người đứng đầu Ngành KH&CN mong muốn: “Viện có một niềm tin mới, tầm nhìn mới, có một cách tiếp cận mới, có một giấc mơ lớn và cứ làm đi rồi sẽ thành công. Việc vĩ đại làm nên người vĩ đại. Cứ làm rồi sẽ vĩ đại”./.