Việt Nam cần sớm thành lập bộ tiêu chuẩn cho sản phẩm công nghệ vô hình
Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh các sản phẩm, thiết bị công nghệ, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần nhanh chóng thiết lập tiêu chuẩn cho các công nghệ mới nhằm tạo điều kiện tăng tốc phát triển và hội nhập quốc tế…
Hội thảo khoa học với chủ đề Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh trong Cách mạng công nghiệp 4.0 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Hội Tự động hóa Việt Nam tổ chức chiều 27/9/2024 - Ảnh: Ngô Huyền.
Chiều 27/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cùng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Hội Tự động hóa Việt Nam thực hiện chương trình biểu dương “TOP Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards” lần thứ ba, năm 2024. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, hội thảo khoa học với chủ đề Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh trong Cách mạng công nghiệp 4.0 đã được tổ chức, thu hút sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp.
Việt Nam cần tăng cường tham gia các tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế
Năm 2023, Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế (ISO) và Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) ban hành Tiêu chuẩn ISO/IEC 42001 – bộ tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc tế đầu tiên dành cho trí tuệ nhân tạo (AI). Đến nay, Việt Nam đã có khoảng 5 doanh nghiệp đăng ký cấp chứng nhận tiêu chuẩn này.
TS. Hà Minh Hiệp, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), khẳng định trước đây, Việt Nam cùng nhiều quốc gia có thể chỉ chú trọng thiết lập tiêu chuẩn cho các sản phẩm, tuy nhiên cuộc cách mạng 4.0 xuất hiện, rất nhiều tiêu chuẩn về công nghệ đã và đang được nghiên cứu và ban hành. Đây cũng là nhiệm vụ Việt Nam cần xem xét và sớm thực hiện để đất nước phát triển nhanh và bền vững trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện nay.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Nguyễn Tuân cũng cho rằng công nghệ cũng cần có thể chế chính sách dẫn dắt để tránh rủi ro và hạn chế tiềm ẩn. Cách mạng công nghệ 4.0 không chỉ là vấn đề quốc gia mà mang tầm thế giới nên cần sớm ban hành hệ thống tiêu chuẩn cho công nghệ, đặc biệt công nghệ cao như AI.
Trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng trong nhiều lĩnh vưc từ giáo dục, nông nghiệp đến y tế,... các chuyên gia cho rằng cần sớm thiết lập tiêu chuẩn AI tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay, một trong những hạn chế có thể cản trở Việt Nam thiết lập các tiêu chuẩn công nghệ quốc gia hài hoà với thông lệ quốc tế xuất phát từ sự quan tâm và tham gia đối với các tổ chức tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế còn hạn chế.
Báo cáo tại những sửa đổi trong Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 tới đây, TS. Hà Minh Hiệp khẳng định những thay đổi mới sẽ tác động đáng kể đến quá trình chuyển đổi số, bao gồm cho phép phương thức chấp nhận đơn phương đánh giá của bên thứ ba đối với các công nghệ mới nổi – điều này có nghĩa chấp nhận đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín; các hiệp hội/doanh nghiệp được quyền đánh giá tác động của quy chuẩn trước khi ban hành;...
Gia tăng ứng dụng công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực
Trước các vấn đề như về biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài nguyên,... đại diện Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) cho biết đang ứng dụng công nghệ cao giải quyết các bài toán về môi trường trong nông nghiệp, bao gồm sử dụng công nghệ như tự động hoá, tối ưu hoá sản xuất để giảm thiểu năng lượng; tích hợp công nghệ giám sát môi trường như cảm biến khí thải, hệ thống kiểm soát nước thải;...
Hay trong lĩnh vực công nghiệp văn hoá, đại diện trung tâm bảo tồn Cố đô Huế cho biết từ đầu 2022, trung tâm đã xây dựng đề án chuyển đổi số để tạo thuận lợi trong hoạt động quản lý và tiết kiệm nguồn nhân lực.
Cụ thể trung tâm đã triển khai hệ thống vé tham quan điện tử tại 11 điểm tham quan với khoảng 7200 lượt mua vé/ngày; Xây dựng ứng dụng thiết lập đường đi nội bộ trong Hoàng cung Cố đô Huế; Sử dụng công nghệ NFC để định danh và triển lãm một số cổ vậ; ứng dụng công nghệ VR, 360, BIM,... gia tăng trải nghiệm ảo cho du khách.
Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Bí thư Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nhận định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là chiến lược tất yếu trong công nghiệp 4.0. Qua hội thảo, PGS.TS Phạm Ngọc Linh mong muốn các doanh nghiệp sẽ hình thành những nhận thức mời, từ đó hành động thay đổi phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất truyền thống sang phương thức sản xuất, lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất hiện đại, bắt kịp những tiến bộ công nghệ hiện nay.