Việt Nam chậm triển khai mạng 4G vì sao?

07:15, 15/10/2013

Theo hãng nghiên cứu ABI Research, tính đến năm 2012 có 63% các nhà mạng ở châu Á đã cung cấp các dịch vụ 4G LTE, hoặc đang triển khai thử nghiệm hoặc có kế hoạch cung cấp dịch vụ 4G. 

Tuy nhiên, việc thử nghiệm và kế hoạch nghĩa là người dùng di động vẫn chưa thực sự được sử dụng dịch vụ 4G. Vì vậy, theo ABI Research, thực tế công nghệ di động thế hệ thứ 4 (4G) chỉ mới được triển khai đầy đủ ở rất ít quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương – chủ yếu mới tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Nghiên cứu của ABI còn chỉ rõ trong số 110 mạng lưới ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mới 10 nhà mạng (hay 9%) đã thương mại hoá mạng lưới 4G LTE. 58 nhà mạng khác (53%) mới có kế hoạch cụ thể tung ra LTE hoặc đang tiến hành thử nghiệm.

Những con số trên cho thấy các quốc gia châu Á có tỷ lệ triển khai 4G chậm hơn nhiều so với các đối tác ở châu Âu và Bắc Mỹ. Điều này cho thấy dịch vụ di động, Internet và cụ thể hơn, là công nghệ 4G LTE đang là những điều quan trọng nhất đối với các nhà mạng châu Á. Nhưng tại sao việc triển khai LTE tại châu Á rất tốt ở các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng lại có vẻ chậm chạp tại các thị trường mới nổi khác?

Theo số liệu, mới chỉ có khoảng 34,6 triệu thuê bao LTE ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tổng số 3,45 tỷ thuê bao di động của khu vực này vào đầu năm nay. Như vậy, có vẻ còn lâu 4G mới phổ cập tại khu vực này.

Những khó khăn của châu Á khi triển khai 4G

Theo Leslie Shannon, Giám đốc marketing chiến lược của hãng cung cấp giải pháp LTE Nokia Solutions and Networks (NSN), nhận thức khách hàng là một trong những điều khiến 4G chậm triển khai tại châu Á. Hiện nay, không có nhiều người biết hay quan tâm đến LTE. Với hầu hết người dùng di động, họ có đang sử dụng LTE hay không không thành vấn đề, và điều người dùng di động quan tâm là khả năng kết nối Internet trên ĐTDĐ của họ. Người dùng di động chủ yếu quan tâm đến việc nhà mạng có tỷ lệ phủ sóng thế nào, giá cước và tốc độ ra sao. Đối với một số người, dịch vụ 3G hay thậm chí 2G đã là đủ cho nhu cầu của họ. Cũng có thể, khi nhà mạng đã triển khai 4G, người dùng di dộng mới bắt đầu nhận thấy sự khác biệt mà LTE mang lại trong trải nghiệm di động của họ.

Có điều cần lưu ý là người dùng di động xem video rất nhiều tại châu Á. Thực tế, người dùng châu Á ngày càng sử dụng ĐTDĐ để xem video. Đây có thể là một yếu tố khiến kế hoạch triển khai 4G LTE tại khu vực châu Á được đẩy nhanh, bởi khi người dùng bắt đầu trải nghiệm LTE, họ sẽ nhận thấy trải nghiệm người dùng đặc biệt được nâng cao về mặt xem video, bởi dữ liệu 4G có thể truyền nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ “đỉnh” 7,2Mbps của 3G.

Tuy nhiên, những người biết về LTE và muốn trải nghiệm công nghệ này, có thể không dễ dàng làm được điều đó. Lý do là các thiết bị di động hỗ trợ LTE đang có mức giá khác cao. Nguyên nhân này trở thành một rào cản lớn, đặc biệt với các thị trường mới nổi của châu Á, nơi những hãng như Apple và Samsung đang phải chịu sự sụt giảm trong doanh số do các mẫu điện thoại giá rẻ đang thu hút người dùng. Các nhà nghiên cứu đều cho rằng sự thay đổi lớn sẽ xảy ra khi các thiết bị LTE có mức giá bình dân hơn.

Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố sẽ đẩy mạnh các kế hoạch nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng viễn thông và Internet của đất nước, trong đó có việc cấp giấy phép 4G trong quý 4 năm nay. Hãng nghiên cứu thị trường IHS dự đoán vì có 4G, ba nhà mạng lớn China Mobile, China Unicom và China Telecom sẽ “rót” tới 11,2 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng không dây của sẽ tăng lên 11,2 tỷ USD trong năm tới, từ mức ước tính 10 tỷ USD năm nay và 10,7 tỷ USD năm 2011. Mức chi phí vào 4G này của các nhà mạng Trung Quốc cao hơn nhiều so với mức 6,3 tỷ USD họ đã đầu tư khi triển khai mạng 3G hồi năm 2009. 

Việt Nam: 4G vẫn đang chờ thời cơ

Tại Việt Nam, lãnh đạo Bộ TT&TT cũng như Cục Viễn thông cho rằng việc triển khai công nghệ 4G tại Việt Nam vào thời điểm này là chưa chín muồi. Dịch vụ 3G vừa chính thức được cung cấp tại thị trường viễn thông Việt Nam từ tháng 10/2009, vì vậy, để các doanh nghiệp viễn thông kịp thu hồi số vốn từ mạng 3G và tránh lãng phí khoản tiền đầu tư thiết bị của người tiêu dùng, Bộ TT&TT cho biết sẽ chưa cấp phép triển khai mạng 4G chính thức tại Việt Nam. Căn cứ vào sự phát triển chung của thế giới và điều kiện cụ thể ở Việt Nam, có thể khoảng 3-5 năm nữa, Việt Nam mới cân nhắc đến việc đầu tư vào mạng 4G.

Ngoài ra, trong một bài phỏng vấn với XHTT, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ, cho rằng hiện nay thói quen của người dùng di động Việt Nam phần nhiều là sử dụng thiết bị ở trong nhà, nhưng việc phủ sóng băng tần 4G trong nhà rất khó và giá thành lớn, trong khi phủ sóng ở ngoài thì ít người dùng. Vì thế, đây cũng là một trong những yếu tố khiến việc triển khai đầu tư 4G tại thời điểm hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn không phù hợp. 

Cũng như các nước châu Á khác, Việt Nam cũng gặp rào cản ở giá thiết bị đầu cuối (smartphone, tablet) có hỗ trợ 4G còn đắt, nhu cầu sử dụng của hầu hết người dùng Việt Nam chưa cần đến 4G, hay nói đúng hơn là chưa cần phải đầu tư nhiều tiền vào smartphone 4G, trong khi mức thu nhập của người dân vẫn còn hạn chế. Vì thế, nếu nhà mạng triển khai 4G ngay thì số lượng những người tiêu dùng có khả năng chi trả và mua sắm thiết bị 4G để ứng dụng công nghệ mới này rất ít. 

Hiện tại, Bộ TT&TT mới cấp 5 giấy phép thử nghiệm công nghệ 4G cho các doanh nghiệp gồm: VNPT, Viettel, CMC, VTC và FPT. Các hãng viễn thông lớn như Viettel và VNPT đã có các bước thử nghiệm công nghệ 4G đầu tiên. 

Ngoài ra, tại Hội thảo “Quản lý tần số phục vụ phát triển hạ tầng viễn thông hiện đại”, các nhà quản lý viễn thông Việt Nam vẫn đang cân nhắc lựa chọn băng tần cho công nghệ 4G. Theo đó, Việt Nam sẽ tăng cường công tác dự báo để từ đó tính toán xem Việt Nam cần bao nhiêu băng tần để phát triển và khi nào sử dụng băng tần thông qua việc dự báo tăng trưởng di động. Bên cạnh đó, băng tần lựa chọn phải được nhiều nước ủng hộ và phổ biến trên thế giới, như thế giá thành thiết bị sẽ rẻ hơn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác. 

Khi châu Á vẫn đang thận trọng và bàn cãi về các rào cản cũng như cân nhắc trong việc triển khai và lựa chọn băng tần cho chuẩn công nghệ 4G, thậm chí nhiều nước vẫn nghĩ đến việc triển khai công nghệ 4G, thì Uỷ ban châu Âu (EC) đã chi 50 triệu euro (khoảng hơn 1.375 tỷ đồng) để nghiên cứu công nghệ mạng 5G với mục tiêu cung cấp hạ tầng mạng tốc độ cao 5G vào năm 2020. Theo EC, tốc độ truyền dữ liệu của mạng 5G sẽ cao hơn từ 10-100 lần so với mạng 4G. 

Tuy nhiên, dù có các rào cản song dự đoán đến cuối năm nay, các thuê bao 4G LTE tại châu Á sẽ tăng lên 72,1 triệu. Hiện nay, di động là ngành công nghiệp được đánh giá có sự phát triển nhanh nhất. Điện thoại di động ngày càng phổ biến tại châu Á, và điều này xảy ra vì mọi người muốn truy cập Internet qua điện thoại. Thậm chí một số thị trường đang nổi đang bỏ qua thời đại PC để đi thẳng lên thời đại di động.

Hải Hà

TIN LIÊN QUAN