Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường bán lẻ TMĐT phát triển nhanh nhất
Theo Bộ Công thương, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ. Mục tiêu đến năm 2025, thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ tại Việt Nam.
Tính đến tháng 03/2022, đã có 1.446 sàn giao dịch thương mại điện tử đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường bán lẻ thương mại điện tử phát triển nhanh nhất.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng tại các địa phương trong cả nước. Hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, tuy chỉ chiếm hơn 16% dân số toàn quốc, nhưng chiếm khoảng 70% quy mô thương mại điện tử cả nước.
Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 đã thay đổi thói quen tiêu dùng Việt Nam. Theo báo cáo, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng số mới kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 55% đến từ khu vực ngoài thành thị. Trong đó, những người sử dụng các dịch vụ số trước đại dịch đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ kể từ khi đại dịch xảy ra và mức độ hài lòng của hầu hết người dùng với các dịch vụ này đạt 83%.
Xu thế tăng trưởng của hoạt động mua sắm hàng trực tuyến vẫn được tiếp tục duy trì, ngay cả sau giai đoạn giãn cách xã hội. Mua hàng trực tuyến đã dần trở thành thói quen mua sắm thường xuyên của người dân .
Hiện nay, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để tăng tốc phát triển thương mại điện tử, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, nhất là các địa phương thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nam Bộ.
Hiện nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn hiện nay mới chỉ chú trọng phát triển thị trường ở các thành phố lớn mà chưa mở rộng hoạt động ra các địa phương, Vì vậy, để phát triển thị trường nông thôn, hai doanh nghiệp bưu chính lớn của Việt Nam là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) và Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) được Bộ TT&TT giao phát triển hai sàn giao dịch thương mại điện tử là: Postmart và Vỏ Sò để tập trung khai thác thị trường thương mại điện tử nông thôn đầy tiềm năng.
Với lợi thế mạng lưới bưu chính phủ khắp các vùng miền, đến tận thôn bản, các doanh nghiệp bưu chính đang ưu tiên tập trung hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp đưa nông sản và đặc sản các vùng miền trên cả nước trên sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, hiện nay, số lượt truy cập website trung bình của 2 sàn Postmart và Vỏ Sò vẫn tương đối thấp, và có khoảng cách khá lớn so với số lượng truy cập của các sàn giao dịch thương mại điện tửdẫn đầu thị trường. Điển hình như sàn Tiki vốn là một sàn bản địa Việt Nam, đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã chiếm gần 55%, và đến 2021 sàn này chuyển 90,5% cổ phần cho pháp nhân Tiki Global của Singapore. Như vậy, Tiki đã trở thành doanh nghiệp Singapore. Tương tự, sàn Sendo xuất phát điểm là doanh nghiệp Việt Nam, nhưng đến cuối năm 2020 vốn ngoại tại sàn này đã lên tới hơn 65%.
Để đẩy mạnh, việc phát triển Sàn thương mại điện tử ở nông thôn, theo Uỷ ban Chuyển đổi số quốc gia, cần đẩy mạnh phát triển hạ tầng bưu chính để đáp ứng phát triển TMĐT, đồng thời chú trọng việc đưa cáp quang đến các hộ gia đình, khuyến khích người sân sử dụng điện thoại thông minh. Các doanh nghiệp cần đầu tư phát triển mạng lưới vận chuyển, kho bãi bảo quản tại các địa phương, vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên đã tổ chức các lớp tập huấn “Chuyển giao khoa học, công nghệ cho cán bộ, Đoàn viên, thanh niên năm 2022” tại Lâm Đồng, Bắc Giang, sắp tới là Vĩnh Long, Sóc Trăng…để đoàn viên thanh niên giúp người dân tại các khu vực nông thôn có đủ nhận thức và kỹ năng số đáp ứng phát triển thương mại điện tử nhằm góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại nông thôn.
Thiên Thanh (T/h)