Việt Nam phấn đấu trở thành Digital Hub khu vực trong giai đoạn 2021 - 2030
Không chỉ đáp ứng nhu cầu cho quá trình chuyển đổi số mà việc hình thành các trung tâm dữ liệu lớn, đạt chuẩn quốc tế cũng đang dần hiện thực hóa việc đưa Việt Nam trở thành Digital Hub trong khu vực.
Theo đánh giá của hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets, hiện Việt Nam đang nằm trong số 10 quốc gia mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) toàn cầu.
Hiện thị trường DC tại Việt Nam đang có quy mô khoảng 860 triệu USD/năm và được dự báo có mức tăng trưởng kép hàng năm lên đến gần 15%. Con số tăng trưởng trên dự kiến sẽ kéo dài tới tận năm 2026 do xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ ở Việt Nam, đặc biệt là vấn đề bảo mật dữ liệu đang ngày một quan tâm hơn.
Nhìn nhận được nhu cầu ngày một lớn này, từ vài năm trở lại đây, cuộc đua mở các DC đã bùng nổ mạnh mẽ với sự góp mặt của cả DN trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Theo thống kê, hiện Việt Nam đang có khoảng 30 DC trên toàn quốc. Phần lớn trong số này đều đạt chuẩn quốc tế, nhờ đó không chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong nước mà còn mở rộng phục vụ cho đối tác quốc tế.
Tại Dự thảo quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông giai đoạn 2021 - 2030 được Bộ TT&TT xây dựng có đặt ra mục tiêu đưa Việt Nam thành Digital Hub - nơi trung chuyển, kết nối, lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và thế giới.
Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải có được những DC đủ năng lực để trao đổi lưu lượng truy cập internet, dữ liệu với các DN viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ nội dung số trên phạm vi quốc gia và khu vực lân cận.
Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm tại thị trường Nhật Bản, CEO Rikkei Digital Ngô Minh Quân cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một Digital Hub tiếp theo trong khu vực. Bởi ngoài vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tuyến cáp quang biển, các DN trong nước và quốc tế cũng đang trong quá trình tăng tốc xây dựng nhiều DC quy mô lớn đạt chuẩn quốc tế, đây là yếu tố cốt lõi để hình thành lên Digital Hub.
Hơn thế nữa, tại Việt Nam, chuyển đổi số đang là chiến lược quốc gia, do đó dữ liệu cần phải đáp ứng được các nhu cầu ngày càng khắt khe như bản địa hóa, tăng tốc độ xử lý cũng như đáp ứng tính bảo mật. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải phát triển các DC đặt tại Việt Nam, lưu trữ dữ liệu của Việt Nam. Do đó, tiềm năng của DC tại Việt Nam còn rất lớn, cho chính cả các DN công nghệ thông tin trong nước, ông Ngô Minh Quân nói.
Giám đốc công nghệ FPT Vũ Anh Tú cho rằng, việc phát triển các DC đang là một trong những trọng tâm của quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Các quốc gia trong khu vực như Singapore, Indonesia… đang Digital Hub chính nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển các DC. Việt Nam cũng hội tụ đầy đủ điều kiện để thực hiện tương tự. Muốn xây dựng Việt Nam thành một Digital Hub thực thụ, cố gắng của những DN như FPT, Viettel, CMC… thôi là chưa đủ. Cần có sự hỗ trợ về mặt chính sách, đặc biệt là việc quy hoạch các khu vực cùng nhiều ưu đãi để hình thành các DC. Đồng thời các DN công nghệ khác cũng cần có sự chung tay phát triển một hệ sinh thái các dịch vụ có ứng dụng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain… khi đó mới có thể hiện thực hóa được mục tiêu đề ra, ông Vũ Anh Tú chia sẻ.
Còn theo Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính, vai trò của Chính phủ là yếu tố then chốt quyết định Việt Nam có thể trở thành Digital Hub của khu vực châu Á hay không. Từ các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho phát triển DC, ứng dụng công nghệ mới (AI, Cloud…) cho đến hỗ trợ đào tạo và thu hút nhân lực chất lượng cao đến Việt Nam đều cần sự nâng đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ.
Cần có những chính sách cụ thể nhằm khuyến khích DN tư nhân xây dựng những khu công nghệ tập trung tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ. Cũng như tạo điều kiện thuận lợi để thu hút DN công nghệ nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Từ đó việc đưa Việt Nam thành Digital Hub sẽ trở nên rõ ràng và hiện thực hơn.
Thùy Chi (T/h)