Việt Nam tái đắc cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
- Việt Nam “giữ vững” vị trí trong BXH “Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc” năm 2022
- Việt Nam sẵn sàng tăng cường đóng góp vào công việc của Liên hợp quốc trong lĩnh vực chuyển đổi số
- Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên Thảo luận mở cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
- Thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi phiên họp cấp cao Liên Hợp Quốc
Với 145 phiếu ủng hộ, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc trong phiên bỏ phiếu cuối ngày 11/10 (giờ Việt Nam). Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (LHQ). Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016.
14 thành viên mới đắc cử của Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ ba năm, bắt đầu vào tháng 1/2023.
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc
Tại khóa họp thường kỳ lần thứ 51 của Hội đồng Nhân quyền diễn ra từ ngày 12/9 đến 7/10 vừa qua, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai - trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự khóa họp, đã nhấn mạnh các ưu tiên và cam kết của Việt Nam khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025.
Đại sứ tái khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước là lấy con người làm trung tâm của phát triển, bảo đảm người dân được chia sẻ những thành quả của quá trình phát triển.
Đại sứ cũng nêu bật các nỗ lực, cam kết và thành tựu cũng như khả năng đóng góp của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Việt Nam luôn thúc đẩy đối thoại, hợp tác tại hội đồng trên tinh thần khách quan và xây dựng, gắn liền với các trọng tâm của LHQ và quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ và thúc đẩy quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực.
Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030.
Trả lời phỏng vấn báo chí ngay sau khi công bố kết quả, Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định kết quả này không chỉ cho thấy sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam mà còn là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Chia sẻ ý kiến này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng phái đoàn Việt Nam tại LHQ, cho biết lần ứng cử này Việt Nam đối mặt với mức độ cạnh tranh cao, nhất là trong nhóm châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, với sự đồng hành của các bộ, ngành, đội ngũ cán bộ ngoại giao cả trong và ngoài nước, với sự vận động bài bản, chủ động, sáng tạo, đồng bộ và hiệu quả thời gian qua, Việt Nam đã trúng cử lần thứ hai Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trực thuộc Đại hội đồng Liên Hợp Quốc được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người của trong hệ thống Liên Hợp Quốc, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này.
Hội đồng Nhân quyền có một hệ thống các cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR).
Gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.
Uyên Thư (T/h)