Việt Nam thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin Nanocovax
Ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký phê duyệt đề cương thử nghiệm giai đoạn 3 cho vắc-xin Nano Covax. Đây là vắc-xin phòng COVID-19 đầu tiên của Việt Nam bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3.
Trong ngày hôm qua, Học viện Quân y đã tiêm thử nghiệm cho 19 tình nguyện viên đầu tiên. Trong hôm nay tiêm tiếp cho 200 người, độ tuổi từ 18. Các tình nguyện viên được chia thành 2 nhóm, một nhóm tiêm vắc-xin Nanocovax liều 25mcg, 1 nhóm tiêm giả dược thành phần là tá dược nhôm.
Bước đầu, Học viên Quân y sẽ tiêm cho 1.000 tình nguyện viên.
Theo đề cương nghiên cứu, giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm trên khoảng 13.000 tình nguyện viên tại nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Hưng Yên, Long An, Tiền Giang…
Ở phía Bắc, Học viện Quân y sẽ làm đầu mối triển khai tại Bệnh viện Quân y 103 và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hưng Yên triển khai tại địa phương.
Khu vực phía Nam sẽ do Viện Pasteur TP. HCM phụ trách chuyên môn, phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An và Tiền Giang triển khai.
Học viện Quân y cho biết đã tiêm thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin phòng COVID-19 Nano Covax cho hơn 200 người.
Tại Học viện Quân y hiện đã có hơn 6.000 tình nguyện viên đăng ký tham gia thử nghiệm, trong đó hơn 600 người đã được khám sàng lọc sức khoẻ đủ điều kiện tham gia.
Hiện tại, Nanocovax của công ty Nanogen là ứng viên vắc-xin Covid-19 tiềm năng nhất tại Việt Nam. Theo sau là vắc-xin Covivac của Ivac chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2.
Vắc xin Nanocovax sản xuất dựa trên công nghệ tái tổ hợp, bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5/2020, 7 tháng sau bắt đầu thử nghiệm lâm sàng.
Trong giai đoạn 2, vắc-xin Nanocovax đã tiêm thử nghiệm cho 554 tình nguyện viên, trong đó có 109 người trên 60 tuổi, đây là lứa tuổi dễ tổn thương, nhạy cảm với bệnh và nếu mắc bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn nhóm trẻ. Người nặng cân nhất tham gia là 98kg, BMI 31.
Trước đó, khi thử nghiệm giai đoạn 2 cho thấy, 3 mức liều 25-50-75 mcg đều có tính an toàn tương đương nhau và tính sinh miễn dịch không khác biệt. Do đó, để đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả số liều sản xuất vắc-xin, Hội đồng Đạo đức Quốc gia trong nghiên cứu y sinh học quyết định chỉ tiêm thử nghiệm 1 liều tối ưu 25 mcg ở giai đoạn này.
Kết quả, vắc xin an toàn, 100% tình nguyện viên đều sinh miễn dịch. Các phản ứng phụ của Nanocovax thậm chí còn thấp hơn Pfizer và Moderna, chưa ghi nhận trường hợp nào sốc phản vệ, các trường hợp có sốt đều sốt nhẹ từ 37,5-38 độ C và tự hết.
Việc phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 nội được xem là trọng tâm của Chính phủ, tiến tới chủ động vắc xin phòng chống kiểm soát dịch bệnh.
Nhiều khả năng ngay trong năm nay, Việt Nam có thể xem xét cấp phép khẩn cấp vắc xin Nanocovax để tiêm cho người dân.
Công suất của Nanogen hiện tại khoảng 6 triệu liều/tháng và có thể nâng công suất lên 100 triệu liều/năm.
Chân Hoàn (t/h)