Việt Nam và Ấn Độ trong cuộc đua đón sóng FDI
Tuần qua, giới truyền thông đã dành nhiều sự chú ý về thông tin Samsung dự định chuyển một phần các hoạt động sản xuất của mình tại Việt Nam sang các nhà máy tại Ấn Độ.
Samsung Việt Nam sau đó đã lên tiếng khẳng định, việc điều chỉnh sản lượng sản xuất tại Ấn Độ, không liên quan đến các nhà máy của hãng tại Việt Nam.
Tuy nhiên, có thể thấy, trong cuộc đua nhằm thu hút luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Ấn Độ thực sự đang đạt được những bước tiến dài trong thời gian qua, khi hàng loạt tập đoàn lớn đang nối nhau dịch chuyển hoạt động sản xuất tới quốc gia này.
Theo Economic Times, Samsung đã đệ trình lên chính phủ Ấn Độ kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh trị giá hơn 40 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Trong đó, các thiết bị có giá xuất xưởng 200 USD có thể chiếm hơn 25 tỉ USD. Một quan chức cấp cao của New Delhi cho biết, hầu hết điện thoại thông minh được sản xuất trong phân khúc 200 USD nói trên sẽ được xuất khẩu sang các thị trường khác. Ngoài điện thoại, Samsung cũng sản xuất TV ở Ấn Độ cho thị trường nội địa và có kế hoạch xây dựng một nhà máy màn hình điện thoại thông minh tại nước này.
Ấn Độ đang nổi lên là một đối thủ nặng ký trong cuộc đua đón dòng vốn FDI chuyển dịch
Theo truyền thông Ấn Độ, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu có nhiều dịch chuyển, quốc gia Nam Á này đang thu hút mạnh nguồn vốn FDI, mỗi năm cao hơn đáng kể so với năm trước đó. Trong tài khóa 2019 - 2020, Ấn Độ đã thu hút 74 tỷ USD vốn FDI, tăng 20% với tài khóa trước đó. Còn theo Theo Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi Ấn Độ, ngay cả trong thời gian diễn ra đại dịch COVID-19, vẫn có hơn 22 tỷ USD vốn FDI chảy vào quốc gia này.
Lợi thế của Ấn Độ
Yếu tố quan trọng nhất dẫn đến những thành công trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Ấn Độ thời gian qua được cho là các chính sách ưu đãi doanh nghiệp rất hấp dẫn của New Delhi.
Theo Đại sứ Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ấn Độ, Bhutan và Nepal, biện pháp thứ nhất mà Ấn Độ thực hiện để hút dòng vốn FDI, đó là xây dựng 1 quỹ đất "sạch" rất lớn khoảng 461.000 ha cho bất kỳ nhà đầu tư nào có nhu cầu. Diện tích này bằng 6 lần diện tích Singapore, cũng như gấp đôi diện tích của Luxembourg.
Ngoài ra, Ấn Độ chọn 10 vùng trung tâm công nghiệp sản xuất tại 9 bang, với 100 khu công nghiệp nổi tiếng để giới thiệu cho 600 công ty nổi tiếng trên thế giới.
Cũng theo ông Châu, Ấn Độ đã tạo ra 1 bộ máy để thu hút vốn đầu tư ở chính quyền liên bang và tiểu bang. Mỗi tiểu bang, căn cứ vào từng đặc điểm vùng miền, thế mạnh của mình, để xây dựng một mô hình lôi kéo các quốc gia khác.
Ấn Độ đã có rất nhiều chính sách ưu đãi để thu hút nguồn vốn FDI thời gian qua
Thứ 3, theo ông Châu, Ấn Độ đã xây dựng một loạt các đề án, trong đó có những chính sách thuế, ưu đãi, hỗ trợ khác. Ấn Độ quyết định đầu khoảng 6,62 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất điện tử trong nước, củng cố hệ sinh thái, và ngành nghề, hạ tầng cơ sở hạ tầng khác.
Với chính sách này, Ấn Độ dự kiến, riêng trong lĩnh vực điện tử và chất bán dẫn... sẽ đạt được quy mô đầu tư 132 tỷ USD vào năm 2025, tạo 500.000 việc làm trực tiếp, 1,5 triệu việc làm gián tiếp…
Cùng với đó là nhiều lợi thế khác như: Lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng công nghệ thông tin tốt, và nói tiếng Anh phổ cập...
Lợi thế của Việt Nam
Ấn Độ đang sở hữu khá nhiều lợi thế trong cuộc chạy đua thu hút vốn FDI. Thế nhưng các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam chúng ta cũng có những lợi thế riêng.
Về quy mô thị trường, dân số Ấn Độ cao gấp 13 lần Việt Nam, nên thị trường nội địa của Ấn Độ rất lớn so với Việt Nam. Tuy nhiên, bù lại Việt Nam lại có thị trường ASEAN, với 600 triệu dân, và 13 hiệp định thương mại tự do đang thực hiện, mới nhất là EVFTA. Các hiệp định này sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường, với hàng trăm triệu người tiêu dùng và có nhu cầu chi trả cao.
Ở chiều ngược lại, New Delhi lại đang có thái độ tương đối thận trọng đối với các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (RCEP) hay FTA với Liên minh châu Âu (EU). Sự thận trọng này có thể ảnh hưởng đáng kể đến luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Ấn Độ.
Việt Nam cũng có những lợi thế của riêng mình trong cuộc cạnh tranh hút FDI
Bên cạnh đó cũng cần kể đến vị trí địa lý, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng lợi thế ở gần các điểm cung cấp đầu vào như: Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc) - nơi có nguồn cung linh kiện dồi dào cho hoạt động sản xuất lắp ráp.
Ngoài ra, sự tương đồng với Trung Quốc về văn hóa, chính trị, vị trí địa lý, cũng giúp các doanh nghiệp dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc tới Việt Nam có thể tiết giảm tối đa chi phí và vẫn duy trì mối liên hệ chặt chẽ với các cơ sở sản xuất hiện có tại Trung Quốc.
Thiên Thanh (T/h)