Việt Nam và Séc hợp tác chiến lược trong lĩnh vực công nghệ, ĐMST
Việt Nam và CH Séc sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhiều lĩnh vực khác.
Thúc đẩy mối quan hệ hợp tác chiến lược
Ngày 28/3/2025 tại Cộng hòa Séc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cùng Đoàn công tác của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), do Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương làm trưởng đoàn, đã có các buổi làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Khoa học, Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Cộng hòa Séc.
Cuộc buổi làm việc không chỉ củng cố quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia mà còn mở ra cơ hội hợp tác sâu rộng trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, ĐMST và phát triển công nghiệp.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Với mục tiêu không chỉ tăng tăng cường hợp tác kinh tế mà còn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau trong các vấn đề chiến lược, các buổi làm việc đã làm rõ những định hướng hợp tác chính trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua sự chuyển dịch mạnh mẽ về công nghệ, ĐMST.
Tại buổi làm việc với Bộ Công Thương của Cộng hòa Séc, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh việc chia sẻ kinh nghiệm lập pháp và chính sách về công nghệ là yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy các lĩnh vực công nghệ mới. Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng những mô hình tiên tiến từ Cộng hòa Séc để xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ và phát triển nền kinh tế tri thức.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cũng chia sẻ quan điểm về sự quan trọng của hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho các công ty Séc, đặc biệt là trong các ngành công nghệ cao. Việt Nam không chỉ là thị trường lớn mà còn là một đối tác quan trọng trong chiến lược phát triển của Cộng hòa Séc tại khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh mong muốn mở rộng hợp tác với Cộng hòa Séc trong các lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, đặc biệt là trong ngành công nghiệp bán dẫn, AI và công nghệ lượng tử.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy tặng bức tranh tem Việt Nam cho Đại diện Bộ Công Thương Cộng hòa Séc.
AI và công nghệ lượng tử - Hướng đi tương lai
Bên cạnh công nghệ bán dẫn, AI và công nghệ lượng tử cũng là những lĩnh vực trọng tâm được hai bên tập trung trao đổi. Đại diện Bộ Công Thương Cộng hòa Séc chia sẻ, AI và công nghệ lượng tử sẽ là những công nghệ không thể thiếu trong quá trình phát triển các ngành công nghiệp chủ lực của hai quốc gia trong tương lai.
Bộ Công Thương Cộng hòa Séc, với vai trò dẫn dắt, đã triển khai một loạt các dự án nghiên cứu và chuyển giao công nghệ nhằm đưa AI và công nghệ lượng tử vào ứng dụng thực tế trong các ngành quan trọng như y tế, giao thông và sản xuất.
Chính phủ Cộng hòa Séc cũng cam kết hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai các sáng kiến AI và công nghệ lượng tử, theo đó, hai quốc gia cùng bắt kịp xu thế phát triển công nghệ toàn cầu. Việt Nam, với nhu cầu ứng dụng AI trong các ngành đã và đang xây dựng các chính sách hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng AI, tạo ra cơ hội lớn cho các công ty công nghệ Séc.
Tổ chức diễn đàn doanh nghiệp công nghệ
Ngoài công nghệ bán dẫn và AI, Cộng hòa Séc cũng chia sẻ những thành tựu trong việc hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực an toàn thông tin, khai khoáng, sản xuất ô tô, năng lượng và công nghiệp phụ trợ. Các lĩnh vực này không chỉ giúp thúc đẩy sự phát triển công nghiệp của Việt Nam mà còn tạo ra cơ hội giao lưu, hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) của hai quốc gia.
Trong đó, năng lượng tái tạo và sản xuất ô tô là hai lĩnh vực được phía Cộng hòa Séc đặc biệt chú trọng, với các công nghệ và giải pháp tiên tiến đang được áp dụng tại nhiều quốc gia châu Âu. Các chuyên gia của Séc đã đề xuất triển khai các dự án hợp tác với Việt Nam nhằm phát triển các công nghệ năng lượng sạch và các phương tiện ô tô sử dụng năng lượng tái tạo, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Cuối buổi làm việc, phía Việt Nam đã chính thức mời Cộng hòa Séc cùng tổ chức Diễn đàn DN công nghệ mới tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các DN Cộng hòa Séc và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác.
Phía Cộng hòa Séc đã hoan nghênh sáng kiến này và cam kết cử đoàn DN lớn, không chỉ trong lĩnh vực bán dẫn mà còn trong các ngành công nghệ cao như ICT, AI, VR sang tham dự.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương và đại diện Bộ Công thương Cộng hòa Séc tại buổi làm việc.
Hợp tác đổi mới sáng tạo
Làm việc với Bộ Khoa học, Nghiên cứu và ĐMST của Cộng hòa Séc, Việt Nam và Cộng hòa Séc đều khẳng định khoa học, công nghệ (KH, CN) và ĐMST đóng vai trò then chốt trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Buổi làm việc không chỉ đề cập đến các chính sách hợp tác nghiên cứu mà còn nhấn mạnh vai trò của ĐMST trong việc tạo ra giá trị kinh tế, tăng trưởng bền vững và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, và phát triển công nghệ cao.
Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy tặng bức tranh tem cho đại diện Bộ Khoa học, Nghiên cứu và ĐMST của Cộng hòa Séc.
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến việc tìm hiểu và học hỏi từ các chính sách và cơ chế phát triển nghiên cứu khoa học, ĐMST của Cộng hòa Séc, với trọng tâm là ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và kinh doanh thực tiễn.
Thứ trưởng nhấn mạnh việc chuyển giao và thương mại hóa công nghệ cũng là yếu tố quyết định để nâng cao giá trị gia tăng và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Thứ trưởng cũng khẳng định tầm quan trọng của các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là khi Việt Nam đang tích cực triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Các lĩnh vực công nghệ nền tảng như AI, chuỗi khối (blockchain) và công nghệ sinh học đang được Việt Nam tập trung phát triển, và sự hợp tác chặt chẽ với các quốc gia có kinh nghiệm như Cộng hòa Séc sẽ giúp thúc đẩy quá trình ứng dụng và phát triển các công nghệ này một cách hiệu quả và bền vững.
Liên quan đến dự thảo sửa đổi Luật Nghiên cứu và ĐMST cùng các tiêu chí đánh giá từ năm 2017, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị Cộng hòa Séc chia sẻ kinh nghiệm để giúp Việt Nam xây dựng các chính sách phù hợp và ứng dụng cao.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc.
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ Khoa học, Nghiên cứu và ĐMST của Cộng hòa Séc cho biết, hiện nay, Bộ đang áp dụng cơ chế nghiên cứu ĐMST mạnh mẽ, đặc biệt chú trọng kết nối giữa các cơ sở nghiên cứu và DN. Bộ chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực cho các chương trình nghiên cứu và phát triển, đồng thời nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp để thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ viện nghiên cứu, trường đại học sang DN.
Bộ Khoa học, Nghiên cứu và ĐMST cũng tập trung tạo ra môi trường thuận lợi để xây dựng các liên kết giữa ngành công nghiệp và các cơ sở nghiên cứu, đặc biệt trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo và CNTT.
Cộng hòa Séc đã triển khai các chính sách đầu tư vào nghiên cứu ứng dụng, bao gồm các chương trình nghiên cứu liên ngành nhằm tăng cường hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu và DN, tối ưu hóa việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.
Một điểm đáng chú ý là Séc đã chia sẻ cơ chế đánh giá kết quả nghiên cứu áp dụng từ năm 2017, với hai tiêu chí chính: Mức độ ứng dụng thực tế và số lượng bài nghiên cứu công bố trên các tạp chí khoa học uy tín. Cơ chế này giúp đảm bảo các kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào thực tế, tạo ra giá trị kinh tế và xã hội.
Kết quả đánh giá được tổng hợp từ 3 nguồn chính: Viện nghiên cứu, cơ quan cấp tài chính và Bộ Khoa học, Nghiên cứu và ĐMST. Cơ chế này không chỉ giúp xác định các dự án nghiên cứu tiềm năng mà còn thúc đẩy sự minh bạch và hiệu quả trong việc phân bổ nguồn lực cho nghiên cứu và phát triển.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, phía Cộng hòa Séc đã giới thiệu một số chương trình hợp tác nổi bật của nước này do Bộ Công Thương Cộng hòa Séc triển khai, trong đó tập trung vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như AI, bán dẫn và lượng tử. Đặc biệt, công nghệ sinh học đã được Séc chú trọng phát triển từ lâu và hiện là một trong những lĩnh vực mũi nhọn trong chiến lược nghiên cứu và ĐMST quốc gia.
Phía Việt Nam cũng đã chia sẻ những mong muốn cụ thể trong việc học hỏi kinh nghiệm từ Cộng hòa Séc, đặc biệt là trong việc thiết lập các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích DN tham gia nghiên cứu, tạo ra các nền tảng nghiên cứu mở, và đẩy mạnh việc chuyển giao công nghệ./.