Việt Nam xếp thứ 62 toàn cầu về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo

13:20, 19/04/2022

Theo đánh giá về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của chính phủ do Oxford Insights (Vương quốc Anh) và Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế của Canada thực hiện, năm 2021, Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 62 toàn cầu.

Việt Nam đã có sự đầu tư mạnh mẽ, đúng hướng, thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả. Các kết quả nghiên cứu không chỉ được tận dụng để phát triển các sản phẩm công nghệ có giá trị thương mại mà còn giúp giải quyết nhiều vấn đề đặt ra từ cuộc sống.

Những tín hiệu âm thanh của phổi có thể cho biết tình trạng sức khỏe của phổi. Nhằm cảnh báo sớm những tổn thương ở phổi, một nhóm các bạn trẻ đã nghiên cứu, sáng tạo ra bộ thiết bị có thể phân tích các tín hiệu âm thanh.

Bộ thiết bị có cấu tạo đơn giản bao gồm một ống nghe điện tử và một ứng dụng phần mềm mô phỏng được cài đặt trong điện thoại. Mức độ chính xác trong việc đưa ra cảnh báo của giải pháp này hiện đạt khoảng 82 - 85%.

"Bộ thiết bị điện tử sẽ có chức năng thu tín hiệu đầu vào, dữ liệu sau đó sẽ được đẩy lên server. Công nghệ AI để có thể phân loại ra đâu là tín hiệu bị bệnh và đâu là tín hiệu không bị bệnh và đưa ra kết quả cảnh báo đến cho người dùng. Khi số lượng của tập mẫu mình càng lớn thì công nghệ AI sẽ học tập được ngày càng tốt hơn, do đó có thể nâng cao được độ chính xác" - anh Trịnh Thanh Tùng, thành viên trong nhóm sáng chế, chia sẻ.

Trí tuệ nhân tạo có thể ứng dụng trong nhận diện mệt mỏi của tài xế, tránh tai nạn xảy ra, lọc thông tin xấu độc trên Internet hoặc chẩn đoán bệnh ung thư... Dữ liệu là yếu tố rất quan trọng trong bất kỳ ứng dụng nào của trí tuệ nhân tạo. Dữ liệu cần phải đủ lớn, được gắn nhãn, dễ dàng tiếp cận và đáng tin cậy.

Theo PGS. TS. Nguyễn Long Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Tiên tiến về trí tuệ nhân tạo, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, hạ tầng chia sẻ dữ liệu và hạ tầng mạng lưới tính toán là yếu tố cốt lõi để có thể phát triển những ứng dụng về trí tuệ nhân tạo. Nó là nền tảng cho các nhóm nghiên cứu cùng xây dựng những mô hình chia sẻ các công cụ về trí tuệ nhân tạo, từ đó phát triển các giải pháp giải quyết các bài toán cụ thể.

Nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo cũng cần đảm bảo chất lượng, đủ số lượng, đội ngũ nghiên cứu chuyên sâu, kết nối giữa nghiên cứu và ứng dụng để tạo được những sản phẩm tốt.

Ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - cho rằng: "Nguồn nhân lực của chúng ta cần được phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu cũng như đào tạo về kĩ năng trí tuệ nhân tạo cho cộng đồng. Thứ hai là cần hình thành những hành lang pháp lý để thúc đẩy triển khai trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, đặc biệt quan tâm những vấn đề về đạo đức, quy định để mà sử dụng những ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam".

Việc triển khai "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030" sẽ thúc đẩy xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo về AI và hình thành một số thương hiệu AI của Việt Nam mang tầm khu vực.

PV