VNBA kiến nghị cho phép ví điện tử được khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư
VNBA đề nghị cần sớm xây dựng đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác, trong đó cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khai thác dữ liệu công dân có gắn với các yếu tố sinh trắc học trên cơ sở có sự đồng ý của khách hàng.
Tại hội nghị sơ kết hoạt động nhóm hội viên tổ chức trung gian thanh toán (TGTT) và fintech diễn ra ngày 10/11 tại Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) cho biết, đến nay, NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT cho 43 tổ chức không phải là ngân hàng, trong đó có 13 tổ chức là hội viên của VNBA. Hiện cả nước có khoảng 80.000 điểm thanh toán bằng QR code, 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, 30 ngân hàng thương mại và 6 tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT phối hợp triển khai.
Dịch vụ ví điện tử, cổng thanh toán trung gian đã dần được người tiêu dùng chấp nhận và sử dụng, nhu cầu và thói quen của người tiêu dùng có sự chuyển hướng từ ngoại tuyến (offline) sang không gian trực tuyến (online), cùng với sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử trong bối cảnh giãn cách xã hội để ứng phó với dịch Covid-19.
Tuy nhiên, hiện tại, hoạt động TGTT vẫn gặp khó khăn, vướng mắc, như khung khổ pháp lý về dịch vụ TGTT, fintech còn thiếu và chưa đồng bộ; khó khăn trong triển khai các biện pháp nhận biết khách hàng. Việc quy định khách hàng phải có tài khoản tại ngân hàng và liên kết ví với thẻ ngân hàng gây khó khăn cho một số khách hàng không có tài khoản tại ngân hàng, nhất là với những người ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Toàn cảnh Hội nghị Sơ kết hoạt động 9 tháng đầu năm 2021 nhóm hội viên tổ chức trung gian thanh toán và fintech.
Lĩnh vực ví điện tử chưa có văn bản điều chỉnh chi tiết. Hiện tại NHNN đang xây dựng nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời xây dựng thông tư thay thế Thông tư 39 để ban hành ngay khi nghị định thay thế này có hiệu lực.
Đối với khung khổ pháp lý thử nghiệm fintech: NHNN đã dự thảo và lấy ý kiến các bộ, ngành dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, tuy nhiên một số quy định tại dự thảo chưa phù hợp với thực tế…
Bên cạnh đó, cơ chế hợp tác, chia sẻ dữ liệu giữa các ngân hàng, các tổ chức tín dụng và các tổ chức TGTT, fintech… chưa rõ ràng, còn đang trong tình trạng khép kín.
Trước thực trạng vướng mắc trên, VNBA kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước sớm ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP ngày 12/9/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt để tạo hành lang pháp lý cho các Ngân hàng được giao đại lý dịch vụ thanh toán đối với các tổ chức khác, giúp thực hiện Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện và thanh toán không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính Phủ đạt hiệu quả.
VNBA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành các hướng dẫn cụ thể, để các trung gian thanh toán triển khai dịch vụ hỗ trợ thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ ở nước ngoài vừa đảm bảo quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước vừa giúp hoạt động của trung gian thanh toán phát triển, phù hợp thông lệ quốc tế.
Để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng lộ, lọt, mua, bán dữ liệu cá nhân, VNBA kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để quy định một cách đầy đủ, toàn diện về bảo vệ dữ liệu cá nhân; kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước đẩy nhanh việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến áp dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng và ban hành, hướng dẫn triển khai cơ chế thí điểm đối với sản phẩm tài chính mới.
VNBA đề xuất bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của các ngân hàng liên kết trong việc phối hợp với ví điện tử, chia sẻ các thông tin nhận biết khách hàng của ngân hàng để ví điện tử có thể tinh giản được các quy trình thủ tục và thông tin khi mở ví điện tử.
VNBA đề nghị cần sớm xây dựng đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm định danh cá nhân thuận tiện, an toàn và chính xác, trong đó cho phép các tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử khai thác dữ liệu công dân có gắn với các yếu tố sinh trắc học trên cơ sở có sự đồng ý của khách hàng nhằm giúp các tổ chức xác thực chính xác khách hàng mở và sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán.
Chân Hoàn (T/h)