VNPT, Viettel bị quản chặt vì chiếm trên 30% thị phần di động
11:00, 22/11/2012
Theo Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng mà Nhà nước cần quản lý thì VNPT và Viettel nằm trong nhóm này.
Bộ TT&TT vừa ban hành Thông tư về Danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng mà Nhà nước cần quản lý cạnh tranh và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013. Theo đó, Viettel, MobiFone và VNPT nằm trong nhóm các doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ thông tin di động mặt đất gồm dịch vụ điện thoại, dịch vụ nhắn tin và dịch vụ truy nhập Internet.
VNPT và Viettel cũng nằm trong nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với dịch vụ điện thoại nội hạt; dịch vụ điện thoại quốc tế; dịch vụ kênh thuê riêng nội hạt; dịch vụ kênh thuê riêng đường dài trong nước; dịch vụ kênh thuê riêng quốc tế.
Đối với dịch vụ điện thoại cố định đường dài trong nước thì có duy nhất VNPT là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.
Dịch vụ truy nhập Internet băng rộng ngoài VNPT, Viettel có thêm FPT cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.
Sở dĩ phải xếp loại doanh nghiệp như vậy là để Bộ TT&TT có chính sách quản lý phù hợp, đảm bảo thúc đẩy thị trường có cạnh tranh và phát triển. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, nguyên tắc quản lý giá cước sẽ theo quy tắc phi đối xứng. Xét về nguyên tắc quản lý kinh tế đối với giá cước và theo hình thức quản lý các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, thì phân các doanh nghiệp ra làm hai loại: Một là các doanh nghiệp thống lĩnh thị trường chiếm trên 30% thị phần; hai là doanh nghiệp chiếm dưới 30% thị phần.
Với những doanh nghiệp chiếm trên 30% thị phần, ví dụ về mặt giá cước, trước khi họ muốn ban hành một mức giá cước nào đó thì doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký với cơ quan quản lý trên cơ sở không được bán dưới giá thành. Còn đối với doanh nghiệp không chiếm thị phần khống chế thì được quyền ban hành giá cước có thể là thấp hơn cả giá thành của mình nhưng không quá thấp so với mức trung bình hiện đang có trên thị trường.
Về cơ bản nguyên tắc quản lý kinh tế, Nhà nước không để các doanh nghiệp ép giá, phá giá, trong trường hợp có những biến động lớn Nhà nước sẽ tiến hành những biện pháp bình ổn giá cả trên thị trường. Đây là nội dung lớn nhất về quản lý mà hiện đang nóng trên thị trường viễn thông di động.
Theo ICTNews