Nữ sinh giành huy chương vàng Toán quốc tế, quyết định học ngành Khoa học máy tính Trường ĐHBK Hà Nội
Ở kì thi Olympic toán học quốc tế IMO 2020, đoàn Việt Nam có một nữ sinh tham dự. Đó là Chu Thị Thanh, học sinh lớp 12 chuyên Toán trường chuyên Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc.
Chu Thị Thanh là nữ sinh đầu tiên của tỉnh Vĩnh Phúc dự thi IMO và là nữ sinh Việt Nam duy nhất trong 5 kì IMO gần đây. Tính rộng ra, Thanh chính là nữ sinh thứ 12 của VN dự thi Olympic toán quốc tế trong lịch sử (1974-2020).
Ngay từ khi còn học cấp 2, Thanh được các thầy, cô giáo dìu dắt, bồi dưỡng và khơi dậy tiềm năng Toán học. Không phụ lòng thầy cô, ở năm học lớp 8, Thanh đạt giải Nhì cấp tỉnh kỳ thi học sinh giỏi vượt cấp môn Toán lớp 9; năm học lớp 9, em giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Toán và Huy chương Vàng cuộc thi Toán Singapore mở rộng.
Đặc biệt, 3 năm học trung học phổ thông, Thanh không chỉ học giỏi tất cả các môn mà còn liên tiếp đem về cho trường THPT chuyên Vĩnh Phúc những giải Vàng: Huy chương Vàng môn toán lớp 10, lớp 11 Trại hè Hùng Vương; Huy chương Vàng môn Toán kỳ thi giao lưu học sinh giỏi khu vực đồng bằng Duyên Hải Bắc Bộ năm 2019. Năm lớp 12, Thanh đạt giải Nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 và đứng vị trí thứ 2 vòng thi chọn học sinh tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu Olympic Toán quốc tế năm 2020, và lọt vào danh sách 6 thành viên chính thức của VN dự IMO 2020.
Động lực từ lời thử thách của thầy dạy toán
Ngày đầu tiên gặp gỡ học trò lớp 10, thầy Nguyễn Duy Liên đưa ra một thử thách: “Nếu bạn nào có tên xuất hiện trên Tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, thầy sẽ có một phần thưởng nóng”. Và Thanh chính là học sinh đầu tiên trong lớp được đăng bài trên tạp chí ấy.
Thầy giáo Nguyễn Duy Liên và học sinh Chu Thị Thanh. Ảnh: Thầy giáo Nguyễn Duy Liên
Yêu thích môn toán một cách tự nhiên, luôn cầu tiến và bản lĩnh, đó là những điều khiến thầy Liên “nhắm” Thanh trở thành đại diện của trường tham gia các cuộc thi Học sinh giỏi khu vực đồng bằng Duyên hải Bắc Bộ năm lớp 10 và 11.
“Thanh đặc biệt giỏi mảng Hình học. Trong các cuộc khảo sát của trường hay các cuộc thi khu vực, em gần như luôn giữ vị trí đứng đầu và nổi trội hơn cả các bạn nam. Điển hình như hai lần tham gia cuộc thi Học sinh giỏi khu vực đồng bằng Duyên hải Bắc Bộ, em đều đoạt được Huy chương Vàng”, thầy Liên kể.
Vì thế, thầy Liên không quá bất ngờ khi cô học trò đã vượt qua các anh chị lớp trên để góp mặt trong đội tuyển dự thi học sinh giỏi quốc gia khi còn đang học lớp 11. Đến năm lớp 12, Thanh tiếp tục tham dự kỳ thi này và giành được giải Nhì, đồng thời cũng là thành viên góp mặt trong đội tuyển IMO Việt Nam.
Trên 1.000 ngày gắn bó, Thanh luôn khiến thầy Liên bất ngờ bởi sự nghiêm túc, làm việc hiệu quả và lối học Toán “rất hay”. Nữ sinh cũng có nhiều bài đăng trên Tạp chí Pi và được các giáo sư đánh giá cao.
Nghị lực lớn của cô học trò nhỏ
Sinh ra trong gia đình có bố làm bảo vệ một trường tiểu học, còn mẹ là thợ may, từ nhỏ, Thanh đã sớm rèn cho bản thân ý thức tự giác và tự lập.
Từ những năm cấp 1, mặc dù luôn cảm thấy sự hấp dẫn ở môn Toán và mong muốn được theo đuổi nhưng Thanh không có nhiều điều kiện học tập. Đến khi lên cấp 2, theo học tại trường THCS Vĩnh Tường, thầy cô khích lệ Thanh nên thử sức với Cuộc thi Toán Singapore mở rộng. Năm ấy, Thanh giành được Huy chương Vàng.
“Việc đi tìm lời giải cho mỗi bài toán khó là một hành trình thú vị. Cảm xúc sau khi giải xong một bài toán khó cũng vô cùng đặc biệt”, Thanh nói.
Vì thế, với em, việc học toán diễn ra một cách tự nhiên, “vì yêu mà học, càng học càng khao khát tìm hiểu thêm”.
Chu Thị Thanh tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ V. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc
Đoạt Huy chương Đồng trong kỳ thi IMO 2020, Thanh thầm biết ơn người thầy đặc biệt.
“Quãng thời gian kể từ tháng 3, khi dịch Covid-19 bắt đầu căng thẳng, việc có tổ chức kỳ thi này hay không còn đang là một dấu hỏi, nhưng thầy Liên vẫn khích lệ và khuyên em nên kiên trì luyện tập. Em luôn biết ơn thầy về điều đó”.
Đồng hành cùng học trò, thầy Liên thường xuyên thay bố mẹ Thanh – hiện đã lớn tuổi – để đưa em xuống Hà Nội ôn luyện. Nhiều lần đến học cùng các giáo sư, Thanh xin thầy cho tự đi và cam đoan sẽ tự bảo vệ mình và tự trang trải chi phí được.
“Điều đó làm mình càng cảm phục vì sự tự lập của em”, thầy Liên nói.
Vừa là thầy giáo, thầy Liên còn là đại diện phụ huynh của Thanh để trao đổi thông tin với những cha mẹ có con trong đội tuyển quốc tế. Dù không nói ra, nhưng thầy Liên vẫn luôn coi Thanh như con gái.
Thầy Liên luôn đồng hành cùng học trò
Trong suốt 90 ngày trước khi kỳ thi diễn ra, hai thầy trò thường xuyên phải học online do dịch Covid-19.
Mỗi ngày, thầy Liên giao cho Thanh 3 bài để làm từ 8h - 12h30. Sau đó, thầy sẽ trả đáp án và cả hai thầy trò cùng chữa bài.
90 ngày với 270 bài toán đã được hoàn thành, Thanh luôn khiến thầy Liên bất ngờ bởi những lời giải hay mà chính thầy cũng không thể ngờ tới.
“Chính Thanh cũng đã dạy cho mình nhiều bài học”, thầy Liên nói.
Với những kết quả đã đạt được, Chu Thị Thanh quyết định sẽ đăng ký vào ngành Khoa học máy tính của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
“Em nghĩ đây sẽ là một môi trường phù hợp với tính cách của bản thân. Nếu có cơ hội, em cũng rất mong muốn được đi du học”, Thanh chia sẻ.
Minh Anh (T/h)