Vụ đường Trường Chinh: Phải ký vì là cấp phó?

11:41, 10/04/2014

Dư luận cả nước nói chung và TP.Hà Nội nói riêng đang hết sức quan tân đến vụ “bẻ cong” đường Trường Chinh. Xung quanh vụ việc này có rất nhiều thông tin. Thanh tra Chính phủ cũng đã vào cuộc, còn xã hội thì “ngóng” kết luận chính thức từng ngày.

Đường Trường Chinh là “mềm mại” hay “cong quẹo”?

Tại cuộc họp báo Thành ủy Hà Nội chiều ngày 8/4, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (QHKT) Dương Đức Tuấn cho biết, theo quy họach chung Thủ đô đến năm 2020, hướng tuyến đường Trường Chinh chạy thẳng từ Ngã tư Sở đến Ngã tư Vọng nhưng sau này được “dịch chuyển nhẹ nhàng thành một đường cong mềm mại”.

Ông Tuấn cho biết, trong bản quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, dự kiến hướng tuyến đường Trường Chinh đi thẳng từ ngã tư Sở đến ngã tư Vọng. Nhưng đến bản quy hoạch chi tiết 1/2000 của quận Đống Đa, hướng tuyến đường này bắt đầu chuyển hướng, đi cong đoạn hố Mẻ đến cống Chéo.

“Đây là một đường cong mềm mại để chuyển tiếp từ chỉ giới đường đỏ từ phía Bắc dần xuống phía Nam. Vấn đề này được Luật Xây dựng cho phép khi cụ thể hóa các nghiên cứu để tiến tới giải pháp chỉ giới đường đỏ xây dựng đường giao thông”, Phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội giải thích.

 

Chỉ giới đường đỏ là một đường thẳng.

...Và đã chỉnh lại. Thế nên dư luận đang cho rằng, Sở QHKT TP. Hà Nội đã “uốn cong” Trường Chinh để "né" nhà quan chức?

Về lý do phải điều chỉnh đường từ thẳng thành cong, ông Tuấn cho biết, trên đoạn đường này có đất của Bộ Quốc phòng. Vì thế, trước khi triển khai buộc phải xin kiến của đơn vị này. Quân chủng Phòng không - Không quân và một số đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã có văn bản đề nghị chuyển điều chỉnh xuống phía Nam khoảng 20m.

Trước đề nghị đó, thành phố đã điều chỉnh xuống phía Nam 20m trên tổng số 800m đường của đoạn từ hố Mẻ đến cống Chéo đi qua khu đất của Bộ Quốc phòng. Ông Tuấn khẳng định, việc điều chỉnh đó vẫn hoàn toàn đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và đảm bảo tiêu chuẩn. Ông cũng cho biết, dự án này được thực hiện công phu, có sự trao đổi của nhiều cơ quan đơn vị. “Không hề có lợi ích cá nhân nào cả ở đây và cũng không hề có cơ sở nào khẳng định điều đó”, ông Tuấn nói.

Cũng vào chiều 8/4, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh văn phòng UBND Thành phố Hà Nội cho biết, chỉ giới đường đỏ dự án được thực hiện trên cơ sở chung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhưng từ quy hoạch chung, đến quy hoạch chi tiết để triển khai thực hiện là một quá trình dài với nhiều khó khăn phức tạp, cần phải lường trước. Khi triển khai dự án mở rộng đường Trường Chinh, thành phố phải xin ý kiến rộng rãi của các cơ quan và cộng đồng. Trước ý kiến của Bộ Quốc phòng và ý kiến rộng rãi từ người dân, đường Trường Chinh được điều chỉnh nhưng vẫn đảm bảo theo quy chuẩn. Nếu phương án điều chỉnh đảm bảo lợi ích kinh tế, ổn định tình hình xã hội, ít động đến đất của người dân thì nên lựa chọn.

Sở đẩy trách nhiệm cho Bộ Quốc phòng

Tuy nhiên, khi được hỏi tại sao phải chuyển đường từ “thẳng” thành “cong”, ông Tuấn không lý giải được mà cho rằng, vấn đề này Bộ Quốc phòng phải trả lời mới được.

Đoạn “đường cong mềm mại” được chỉ rõ là nằm trong khoảng 800m khi đi qua khu đất của Quân chủng Phòng không - Không quân (đoạn từ hồ Hố Mẻ đến Cống Chéo sông Lừ). Theo ông Tuấn, do đoạn đường đi qua khu đất có tính chất sử dụng đặc biệt nên khi xây dựng đã phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng về hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ con đường. “Chúng tôi đã đề xuất phương án thẳng nhưng (khi có – PV) ý kiến của Bộ Quốc phòng thì mới có đường cong. Ý kiến của Bộ Quốc phòng buộc thành phố phải triển khai theo hướng này”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn không thông tin cụ thể được về việc nắn cong này đã tiết kiệm được bao nhiêu tiền và vì sao dự án có khoản đội vốn 123 tỉ đồng do phải di chuyển các công trình ngầm trên tuyến đường cũ mà nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi.

 

Đoạn uốn cong của đường Trường Chinh nhìn từ trên cao.

“Vì sao có sự dịch chuyển là có những nguyên nhân đặc biệt mà Bộ Quốc phòng có ý kiến chứ chúng tôi thì không thể trả lời. Khi Bộ Quốc phòng có ý kiến quyết định như vậy thì có thể có yếu tố liên quan đến công trình an ninh quốc phòng hoặc liên quan đến chế độ chính sách của cán bộ Bộ Quốc phòng và chúng tôi không thể đi sâu. Thời điểm đó ý kiến của họ là cơ sở để chúng tôi cân đối, thực hiện hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ”, ông Tuấn nói.

Về lo ngại việc nắn cong đường sẽ ảnh hưởng đến tốc độ cũng như an toàn giao thông, ông Tuấn cho rằng đường cong với bán kính R600 như trong thiết kế là bảo đảm quy chuẩn.

Người ký văn bản của Quân chủng PK-KQ mong gặp thanh tra để giải trình

Thiếu tướng Mai Văn Cương - nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ), người đã ký văn bản số 193 (ngày 13/4/2000) nêu ý kiến về hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ đường Trường Chinh mở rộng cho biết, trước thông tin đường bị bẻ cong, ông mong muốn gặp cơ quan Thanh tra để nói hết.

Trao đổi với báo giới, ông cho biết, “Tôi thấy việc giải thích của Hà Nội rất mâu thuẫn. Bởi trong khi dư luận cho rằng, đường Trường Chinh mở rộng bị uốn cong như cái ghi đông của xe đạp mà tại cuộc họp báo họ lại giải thích đường Trường Chinh không có uốn cong như thế mà chỉ cong mềm mại. Nếu thế tại sao chúng ta không xuống thực tế hiện trường để xem nó có cong thực sự hay không?”, Thiếu tướng Cương nói.

Theo Thiếu tướng Cương, đầu năm 2000, Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) và Quân chủng PK-KQ đã có cuộc gặp trao đổi về quy hoạch mở rộng đường Trường Chinh. Thời điểm này, lòng đường Trường Chinh đang có chiều rộng khoảng 10m và theo phương án của Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng đưa ra, đường sẽ mở rộng về cả hai bên, mỗi bên lấy từ tim đường vào sâu 27,5m.

“Nếu như việc mở rộng đường Trường Chinh cứ thực hiện như phương án ban đầu thì chắc chắn sẽ không có khiếu kiện nào của người dân. Vì đường sẽ mở rộng về hai bên, mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5m thì không có chuyện bên thụt bên thò”, Thiếu tướng Cương phân tích.

Từ phương án quy hoạch ban đầu mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5m, Thiếu tướng Cương đã ký văn bản đề nghị Văn phòng Kiến trúc sư Trưởng lấy từ mép đường vào 7m. Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng có thêm văn bản số 762, đề nghị lùi thêm 1m, tức chỉ lấy từ mép đường vào 6m. Theo ông, nếu theo phương án lấy từ mép đường vào 7m hoặc 6m như ý kiến của Quân chủng PK-KQ và Bộ Quốc phòng thì đường Trường Chinh vẫn thẳng. 

“Để xác minh văn bản nào đúng văn bản nào sai cũng không khó. Nhưng trong văn bản tôi ký đề nghị về hướng tuyến và chỉ giới đường đỏ nêu rõ từ đoạn Hố Mẻ đến hết sông Lừ là từ mép đường cũ lùi vào 7m và là đường thẳng mà giờ sao lại chưa đến sông Lừ đã uốn rồi. Tôi (cũng - PV) nói rõ quan điểm mình ký văn bản đề nghị này là sai do sức ép nào đó. Tôi phải ký vì tôi là cấp phó, mà thực chất văn bản chỉ là ý kiến đề nghị Quân chủng PK-KQ, chứ việc quyết định là phải do TP. Hà Nội”, ông Cương nhấn mạnh.

Vụ Quy hoạch kiến trúc: Nếu đường Trường Chinh thẳng, tiết kiệm nghìn tỷ

Xung quanh việc đường Trường Chinh bị uốn cong, ông Nguyễn Quang Vinh, nguyên Vụ phó Quy hoạch kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết, các quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Hà Nội trước đây đã thể hiện đường Trường Chinh là thẳng và có xu hướng mở rộng về phía Nam. Chính vì xác định hướng mở rộng về phía Nam nên khi Hà Nội xây dựng các điểm giao thông như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng đã thi công và đều mở rộng theo hướng này. “Bởi vậy, việc Hà Nội cần làm là nối một đường thẳng vào các nút nhưng lại bẻ dích dắc tạo nên điểm giao đâm thẳng vào trụ cầu vượt Ngã Tư Vọng”, ông Vinh nói.

Theo ông Vinh, nếu thi công theo hiện tại thì đường Trường Chinh sẽ là con đường dích dắc có 8 điểm thì có 7 đoạn bị bẻ gãy cong. Trong đó, đường cong thể hiện rõ nhất là gần từ ngõ 150 tới Ngã Tư Vọng khi đường bị bẻ sâu tới hơn 35m. Và ông cho rằng, một tuyến đường chỉ gần 2km mà có 7 điểm bẻ cong thì sẽ rất khó khăn cho các phương tiện di chuyển.

 

Với góc cua như thế này của đường Trường Chinh, không thể nói là không gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Lật lại vấn đề, ông Vinh nhìn nhận, tại đường Trường Chinh có những điểm cong có thể khắc phục nếu mở rộng đường về phía Nam, như đoạn từ ngõ 199 đến đến ngõ 269 (hiện hơi cong về phía Bắc), nếu lấy sâu về phía Nam sẽ biến cong thành thẳng.

Ông Vinh tính toán, với chiều dài chưa đầy 2km, nếu mở rộng về phía Nam theo các bản quy hoạch trước (của Thủ tướng và TP. Hà Nội) thì toàn tuyến đường có 12 cơ quan, trong đó diện tích đất quốc phòng chiếm tới hơn 1/2. Bởi vậy, mở đường về phía Nam sẽ tiết kiệm được chi phí hơn nhiều.

“Hà Nội nói hơn 2.000 tỷ đồng được dành để GPMB cho các hộ dân bị ảnh hưởng hai bên đường với 416 hộ, mà các hộ dân này chủ yếu nằm ở phía Bắc, phía Nam hầu như như chỉ cắt một phần đất chứ ít hộ bị giải tỏa. Nếu mở về phía Nam, chủ yếu là trụ sở các cơ quan nhà nước, trong đó đất quốc phòng chiếm phần lớn thì Hà Nội đã tiết kiệm chi phí hơn nghìn tỷ đồng rồi”, ông Vinh nói.

Ngoài ra, cũng theo ông Vinh, đường Trường Chinh bị bẻ cong sẽ gây hệ lụy không nhỏ tới hạ tầng đô thị. Chi phí sẽ đội lên bởi công trình ngầm như hệ thống thoát nước, cáp điện ngầm, đường nước sinh hoạt, đường cáp thông tin…

Trên thực tế, đầu năm 2014 UBND TP Hà Nội đã phải ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh bổ sung kế hoạch đấu thầu cho dự án mở rộng với tổng giá trị 123 tỉ đồng, trong đó thi công di chuyển hệ thống thông tin hơn 57,7 tỉ đồng, di chuyển đường điện hơn 50 tỉ đồng, chuyển hệ thống cấp thoát nước hơn 10 tỉ đồng.

Thanh tra Chính phủ đề nghị làm rõ vụ việc “thẳng thành cong”

Làm việc với TP.Hà Nội chiều 3/4, trong nhiều việc đề nghị TP. Hà Nội cần làm rõ, Thanh tra Chính phủ cũng đề cập đến vụ việc đường Trường Chinh “thẳng thành cong”, theo đó, người dân vẫn tiếp tục phản ánh lên Trung ương.

Tại buổi làm việc này, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đề nghị TP. Hà Nội cần thực hiện công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đi đến đâu dứt điểm đến đó. Mặt khác Hà Nội cần quan tâm hơn đến việc thanh tra chuyên ngành.

Ông Tranh cũng đề nghị khi thanh tra kết luận rồi phải công khai kết luận, có thể công khai tại đơn vị, niêm yết tại trụ sở, trên các phương tiện thông tin, hoặc cung cấp thông tin cho người có thẩm quyền như ĐBQH, HĐND... Việc công khai kết quả sẽ có tác dụng giáo dục lớn.

Thanh Trà (tổng hợp)