"Thánh phượt" Vừ Già Pó từ Pakistan đã về Việt Nam

14:31, 12/05/2014

Từ một người làm thuê, người đàn ông dân tộc Mông Vừ Già Pó bất đắc dĩ đã trở thành "thánh phượt” nổi tiếng, bởi hành trình đi bộ vượt qua dãy Hymalaya (khoảng 5.800 km) đến tận Pakistan.

Vừ Già Pó (37 tuổi), người đàn ông ở thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, Hà Giang, là người biệt tích hơn 2 năm trước, đã trải qua hành trình lưu lạc “có một không hai”, từ Mèo Vạc (Hà Giang), xuyên dãy Hymalaya sang tận Pakistan nay đã trở về đoàn tụ cùng gia đình, người thân.

Hành trình ra đi… và trở về

Trước đó, vào đầu năm 2012, Vừ Già Pó cùng một số người dân tộc Mông ở cùng địa phương đã tự ý trốn sang Trung Quốc làm thuê. Được một thời gian, Vừ Già Pó đã bỏ khỏi nơi làm việc để tìm đường về nước, nhưng không ngờ anh đã đi nhầm sang tận đất nước Pakistan, cách Việt Nam gần 6.000km.

 

Vừ Già Pó – “Walking Men” bất đắc dĩ và hành trình lưu lạc.

Tháng 10.2013, lực lượng quân báo Pakistan đã phát hiện ra Vừ Già Pó đang chuẩn bị xâm nhập biên giới nước này, trên người không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào. Pó bị cơ quan phòng chống tội phạm ở Muzaffarabad tạm giữ, sau đó chuyển sang đồn cảnh sát thị trấn Athmuqam vùng Neelum, Pakistan. Do bất đồng ngôn ngữ, phải qua một quá trình dài điều tra và tìm hiểu, phía Pakistan biết được Pó là người Việt Nam và đã tìm cách giúp anh trở về.

Mặc dù Đại sứ quán Việt Nam tại Islamabad đã bảo lãnh nhân thân và yêu cầu cơ quan Lãnh sự của Bộ Ngoại giao Pakistan đồng ý cho trục xuất Pó từ đầu tháng 4/2014, nhưng các thủ tục đưa Pó ra khỏi đồn cảnh sát Athmuqam ở Neelum hết sức phức tạp.

Bởi ngay một người nước ngoài dù đã có visa vào Pakistan mà muốn đến bang này, kể cả nhân viên ngoại giao thì vẫn phải xin 1 giấy phép đặc biệt, có khi cả tháng mới cấp. Hơn nữa, không chỉ nằm trong vùng tranh chấp, nơi đây còn nằm lọt vào những vùng mà Taliban kiểm soát gắt gao.

Ngày 5/6 vừa qua, Bộ Nội vụ Pakistan đã cấp giấy phép trục xuất Vừ Già Pó trong khi Đại sứ quán Việt Nam tại Islamabad cũng đã cấp cho Pó giấy thông hành.

Tới ngày 9/5, Đồn cảnh sát Athmuqam ở Neelum đã cử 2 cảnh sát thuê taxi vượt chặng đường hơn 700 km đưa Vừ Già Pó về Islamabad. Khi đến nơi, họ thuê cho Pó một phòng khách sạn để đợi hôm sau đưa ra sân bay Benazir Bhutto bàn giao cho an ninh hàng không tại đây.

Sau chuyến bay từ Islamabad, đúng 6 giờ 25 phút sáng 11/5 Vừ Già Pó đã đáp xuống Bangkok (Thái Lan). Tại đây, anh Pó được an ninh hàng không phía Thái Lan dẫn đón và làm thủ tục tiếp tục hành trình trở về Việt Nam. Và vào 9 giờ 35 phút sáng cùng ngày, Vừ Già Pó đã đáp xuống sân bay Nội Bài, kết thúc những chuỗi ngày lưu lạc đầy bí ẩn mà cho đến nay, chưa ai có thể lý giải nổi. Anh trở về với vẻ khỏe mạnh, tinh thần ổn định hơn hẳn so với ngày ra đi.

Vợ anh Pó: Tưởng anh đã chết

Biết tin chồng trở về, chị Ly Thị Lía - vợ anh Pó đã về Hà Nội từ chiều hôm trước. Sáng 11/5, chị Lía đã có mặt ở sân bay Nội Bài, hồi hộp chờ đợi giây phút được gặp mặt.

Trong giây phút trùng phùng, chị Lía không giấu nổi niềm vui và xúc động. Chị Lía kể lại, hơn hai năm về trước, anh Pó bỏ nhà sang Trung Quốc làm thuê rồi đi biệt tích từ đó.

“Trong suốt khoảng thời gian vừa qua, cứ tưởng như anh Pó đã chết rồi vì chẳng thấy có tin tức gì. Khi nhận được thông tin anh còn sống và trở về cả nhà tôi vô cùng bất ngờ”, chị Lía bộc bạch.

Cùng có mặt tại sân bay Nội Bài đón anh Pó sáng 11/5 còn có nhiều sinh viên, bạn trẻ cùng dân tộc Mông, đang học các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội. Ai cũng háo hức chờ đợi giây phút được gặp anh Pó “bằng xương bằng thịt” đã có thể sống sót sau hành trình không tưởng.

Trong con mắt của các bạn trẻ, anh Vừ Già Pó là “thánh phượt”, là kỳ tích phi thường mà không phải ai cũng có thể làm được. Chỉ với 2 bàn tay trắng, không tiền bạc, không ngôn ngữ, anh Pó đã vượt những vùng núi non hiểm trở, giao tranh căng thẳng ở Pakistan và trở về an toàn.

 

Chị Ly Thị Lía - vợ anh Vừ Già Pó mong chờ giây phút đoàn tụ tại sân bay Nội Bài. 

Đúng 10h ngày 11/5, chuyến bay mang số hiệu TG506 của Hãng Hàng không Thái Lan đã đáp xuống sân bay quốc tế Nội Bài, và người đàn ông người Mông nổi tiếng “bất đắc dĩ” cuối cùng cũng đã được về nước đoàn tụ với gia đình.

Thanh Trà (tổng hợp)