Xây dựng "Chính phủ điện tử" cái khó không nằm ở công nghệ?

09:07, 15/05/2012

Kể từ tháng 8 năm 1998, khi Nhật Bản khởi xướng sớm tiến tới hiện thực E-Asian (châu Á điện tử), và tuyên bố, Nhật Bản sẵn sàng chi 15 tỷ USD để phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT); đến nay, E-Asian vẫn chưa thấy đâu. Hiện, mới chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc là đi đầu trong việc xây dựng và phát triển CPĐT. Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam,…vẫn có vẻ đang “chập chững” mà thôi…

 

Và mới đây, tại Diễn đàn, hội thảo chuyên đề FutureGov Forum Việt Nam 2012, các diễn giả đã chia sẻ và nêu lên những thực tế trong việc xây dựng và phát triển CPĐT; tuy rằng các nước trong khối Asean nói riêng và châu Á nói chung đều đã và đang thực hiện rất tốt lộ trình phát triển CPĐT của mình, nhưng việc kiện toàn hệ thống, và tiến tới đám mây hóa hệ thống cơ sở dữ liệu, hình thành một hệ thống Điện toán đám mây dùng chung không hề đơn giản chút nào.

 

Đưa dữ liệu Chính phủ “lên mây”

 

Tại Hội thảo, bà Nantawan Wongkachonkitti, Giám đốc Chiến lược CNTT, Cục Chính phủ điện tử, Thái Lan đã chia sẻ những kinh nghiệm của Thái Lan trong việc xây dựng và phát triển “Đám mây Chính phủ”: Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây giúp chúng tôi quản lý được nhân sự, nguồn lực, nguồn tài nguyên của Chính phủ; đồng thời trang bị cho các cơ quan quản lý những ứng dụng công nghệ mới.



Bà Nantawan Wongkachonkitti, Giám đốc Chiến lược CNTT, Cục Chính phủ điện tử, Thái Lan tham luận tại Hội thảo
 


Chính phủ Thái Lan đã nghiên cứu công nghệ đám mây vào năm ngoái và công nghệ đám mây được ứng dụng, phục vụ cho hệ thống bộ máy quản lý rộng khắp. Công nghệ đám mây được xây dựng và để quản lý dịch vụ đám mây cấp cho Chính phủ. Các dịch vụ trên nền điện toán đám mây của chúng tôi được vận hành khá trơn tru. Từ tháng 04/2012, chúng tôi đã cung cấp các dịch vụ đảm bảo an ninh thông tin, góp phần hỗ trợ các cơ quan chức năng trong việc nắm bắt và kiểm soát các luồn thông tin từ công cộng tới công quyền.

 

Khái niệm “Đám mây Chính phủ” mà chúng tôi nhắc đến và muốn chia sẻ ở đây, đó là những dịch vụ, giải pháp công nghệ hiện đại trên nền tảng điện toán đám mây, được cung cấp nhằm hỗ trợ hạ tầng quản lý của Chính phủ, đảm bảo chính phủ sử dụng công nghệ đám mây vào công việc quản lý hiệu quả hơn.

 

Chính phủ Thái Lan hiện sử dụng đám mây kết hợp, tiến tới nhân rộng ra cộng đồng, qua đó thu thập ý kiến từ khu vực công để đảm bảo dịch vụ an toàn bảo mật và đảm bảo cung cấp dịch vụ trên nền điện toán đám mây. Trên cơ sở đó đưa ra gói dịch vụ đám mây kết hợp trên khuôn khổ ứng dụng đám mây công hay dịch vụ đám mây Chính phủ.

 

Việc xây dựng và phát triển Đám mây Chính phủ, tuy có hỗ trợ tài chính của Chính phủ, nhưng cũng rất cần sự ủng hộ của các Bộ ngành để giảm chi phí sao chép lại mô hình, giảm chi phí đầu tư, quản lý và phát triển cơ sở dữ liệu… tiến tới nhân rộng trên toàn quốc, với mô hình kỳ vọng “Đám mây dùng chung”. Hiện, chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, nghiên cứu và chọn lựa mô hình phù hợp.

 

Triển vọng ở Việt Nam?

 

Cũng tại Hội thảo, Ông Phùng Bảo Thạch, Giám đốc Trung tâm thông tin Bộ KHCN cho biết: Hiện Bộ KHCN đã ảo hóa hệ thống server tới 80%. Tuy nhiên, hạ tầng công nghệ vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp bao nhiêu, trong khi yêu cầu của các đơn vị trong Bộ ngày càng tăng, vì thế Bộ đã chọn công nghệ đám mây. Nhưng, những ứng dụng trên nền tảng đám mây ở Bộ mới thiên về đám mây tư, nghĩa là vẫn có sự tách bạch, riêng biệt giữa các phòng, ban. Chưa sẵn sàng đám mây công cộng, tức đám mây dùng chung, khi đó cơ sở dữ liệu sẽ được chia sẻ trên một hệ thống.

 





Theo ông Thạch, nếu nêu câu hỏi: Định hướng, động lực nào thúc đẩy Bộ dùng công nghệ đám mây? Thì một câu trả lời ngắn gọn: Do… hoàn cảnh xô đẩy!!!?

 

TS. Đặng Kim Giao, Giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ Xây dựng cũng cho biết: Bộ Xây dựng cũng gặp nhiều vướng mắc, thách thức khi triển khai, ứng dung Điện toán đám mây. Chi phí đầu tư hạn hẹp nên vướng khi hoạch định, đầu tư sử dụng dịch vụ đám mây một cách có hệ thống. Những chính sách về đào tạo nhân lực,  đảm bảo an toàn dữ liệu chưa thực sự hiệu quả và thuyết phục.  

 

Những khó khăn về chính sách, rào cản về hành lang pháp lý khi tiến hành phân quyền, quy trách nhiệm đối với người sử dụng, những khó khăn trong việc liên kết giữa các phòng ban… luôn là rào cản lớn trong việc phát triển một hệ thống công nghệ trên nền điện toán đám mây, dù đối với bất cứ cơ quan, tổ chức nào. Mô hình đám mây nào cũng phải đối mặt với chuyện người sử dụng có muốn chia sẻ những dữ liệu riêng tư hay không? Làm thế nào để thuyết phục người sử dụng đặt dữ liệu lên đám mây?... Tất cả tùy thuộc vào ý chí và nhận thức của lãnh đạo tổ chức đó.

 

Ông Cung Phi Hùng, Giám đốc Trung tâm Thông tin (Thanh tra Chính phủ), cho biết: Để triển khai Hệ thống khiếu nại tố cáo - xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia: triển khai mỗi điểm mất 7 - 10 ngày xuống tận cơ sở, có 1.000 điểm triển khai toàn quốc về cơ sở dữ liệu khiếu nại tố cáo. Nếu vẫn tiến hành thủ công hoặc “bán công nghệ” cụ bộ như hiện nay thì rất khó khăn trong việc thu thập và xây dựng cơ  sở dữ liệu, nhằm giúp các cơ quan chức năng thuận lợi hơn trong việc quản lý thông tin, hỗ trợ xử lý hành vi. Có công nghệ đám mây sẽ thuận lợi hơn.

 

Tuy nhiên, một số vấn đề đặt ra là: có thể đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng điện toán đám mây riêng hay không? Vì nếu đầu tư xây dựng một hạ tầng điện toán đám mây riêng, chi phí sẽ rất lớn; vấn đề an ninh thông tin thế nào? vì hệ thống khiếu nại tố cáo cần độ bảo mật thông tin rất cao (tránh xảy ra khiếu kiện lòng vòng, khiếu kiện đông người,...).

 

Hiện bên Thanh tra Chính phủ đang bắt tay viết đề án quản lý khiếu nại tố cáo bằng công nghệ đám mây. Nhưng vẫn chưa chọn được giải pháp nào tối ưu để triển khai. Về góc độ tác nghiệp ứng dụng, tức là khả năng nắm bắt và làm chủ công nghệ thì hoàn toàn khả thi. Nếu ứng dụng công nghệ điện toán đám mây thì chỉ cần 1 năm, tại một điểm, thực hiện cấp phát mật khẩu, phân quyền truy cập, quản lý cập nhật thông tin theo thiết kế hệ thống công nghệ là có thể dễ dàng triển khai hiệu quả việc xây dựng cơ sở dữ liệu Hệ thống khiếu nại tố cáo. Nếu triển khai truyền thống mất 27 năm mới xong.

 

Cũng theo ông Thạch, Chính phủ tiếp cận G-Cloud (Đám mây Chính phủ) bây giờ không sớm, thậm chí còn muộn. Thực sự vấn đề là chính sách chứ không phải công nghệ. Bộ KHCN đã ảo hóa hơn 1 năm nay, không khó khăn lắm, nhưng các đơn vị trong Bộ lại chưa thực sự sẵn sàng. Phần lớn đơn vị độc lập như Cục SHTT,.. đều xây dựng một hạ tầng riêng, chi phí tốn kém, chỉ một website cũng đề nghị mua máy chủ công suất lớn. Sự liên kết nội bộ, và liên kết giữa các Bộ, Ban, Ngành là rất yếu, nên khó mà hiện thực “Đám mây Chính phủ” được.

 

Thêm nữa, dù công nghệ truyền thống hay đám mây thì vấn đề bảo mật vẫn là hàng đầu. Trong nhiều năm tới, các cơ quan Chính phủ chưa hoàn toàn sẵn sàng với việc thuê dịch vụ, đặt dữ liệu lên dịch vụ của các nhà cung cấp, còn các nhà cung cấp muốn tồn tại thì phải đảm bảo rất nhiều về công nghệ, chính sách khách hàng, cơ chế bảo mật… Và để thuyết phục sự đồng thuận từ phía các đối tác Việt Nam, nhất là khối các cơ quan Nhà nước, quả là bài toán rất khó đối với các nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp điện toán đám mây.

 

Một nước phát triển trong khối Asean như Thái Lan cũng chỉ đang thử nghiệm.


Chúng ta thì chưa có đủ hành lang pháp lý, chính sách để các cơ quan Chính phủ sử dụng điện toán đám mây chung. Có thể thấy, việc đưa Chính phủ “lên mây”, không hề dễ...

 
 
 
Thiện Ân
TIN LIÊN QUAN