Xây dựng Khu công nghệ cao cần xác định mục tiêu cụ thể
Thừa Thiên Huế đang xây dựng Đề án thành lập Khu công nghệ cao với mục tiêu xây dựng nơi đây trở thành một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam châu Á.
Toàn cảnh hội thảo.
Theo Đề án thành lập, Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế được xây dựng theo hướng đa ngành, dạng khu công nghệ mở, dựa vào nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, là khu công nghệ cao quốc gia, trực thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Tổng diện tích khảo sát xây dựng khu công nghệ hơn 1.000 ha ở xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc.
Ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư vào khu công nghệ cao là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong y dược. Khu công nghệ cao gồm các phân khu nghiên cứu, đào tạo, sản xuất các ngành công nghiệp công nghệ cao và khu dịch vụ tổng hợp. Tổng mức đầu tư cho Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế là 7.480 tỷ đồng kéo dài đến năm 2030.
TS. Nguyễn Lê Hùng, Phó vụ Trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN cho biết, cả nước có 4 khu công nghệ cao, trong đó có 3 khu công nghệ cao quốc gia ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng cùng khu công nghệ cao sinh học Đồng Nai. Đến nay, 3 khu công nghệ cao quốc gia thu hút 288 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 17 tỷ USD, trong đó 1/4 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Đối với Đề án xây dựng Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế, TS. Nguyễn Lê Hùng cho rằng, tỉnh cần phải xác định rõ mục tiêu thành lập, cách thức huy động nguồn lực đầu tư, mô hình hoạt động, công tác quản trị. “Thừa Thiên Huế cần ngiên cứu thêm rất nhiều mô hình nữa để xây dựng 1 định hướng tiếp cận. Khu công nghệ cao phải hướng đến mục tiêu gì là đầu tiên sau đó sẽ thấy được vai trò của khu công nghệ cao này”, TS. Nguyễn Lê Hùng nêu quan điểm.
PGS.TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến tại hội thảo.
Liên quan Đề án này, PGS. TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, các khu công nghệ cao thường được hình thành tại những khu vực có sự phát triển đỉnh cao về khoa học công nghệ, tập trung nhiều DN hàng đầu về công nghệ. Bản chất của khu công nghệ cao chính là nơi sáng tạo công nghệ, về hình thức có thể là khu công nghệ cao tổng hợp hoặc khu công nghệ cao chuyên đề. Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, nếu không xác định đúng định hướng về khu công nghệ cao, sau một thời gian xây dựng sẽ biến dạng thành khu công nghiệp cao hoặc giống như các khu công nghiệp bình thường.
“Khu công nghệ cao theo hướng nào, ví dụ như y tế, chăm sóc sức khỏe hay dược phẩm…và ở đây chọn cộng nghệ sinh học. Nếu chọn hướng chỉ tập trung vào công nghệ sinh học sẽ trở thành 1 tọa độ sáng tạo công nghệ của khu vực có sức cạnh tranh quốc tế. Mình mời thế giới vào đây làm và tạo điều kiện cho họ, nếu mình bứt lên được thì những thế mạnh này là thế mạnh của Huế sẽ là rất hay”, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định.
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Bùi Thế Duy.
Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, hiện nay nhiều địa phương cũng đang xây dựng đề án xin thành lập khu công nghệ cao. Tuy nhiên, điều quan trọng phải xác định rõ mục tiêu thành lập khu công nghệ cao và có lộ trình phù hợp. Khu công nghệ cao là quá trình xây dựng lâu dài, ươm mầm đổi mới sáng tạo nhằm tạo tiềm năng dư địa phát triển trong tương lai, khác với các khu công nghiệp thông thường.
Theo ông Bùi Thế Duy, với những điều kiện đặc thù, tỉnh Thừa Thiên Huế nên tham khảo một số mô hình công nghệ cao của các thành phố ở Cộng hoà Liên bang Đức, trên cơ sở xây dựng hệ sinh thái khoa học công nghệ, kết nối giữa trung tâm nghiên cứu với các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ.
“Chúng ta cần đặt trước mục tiêu Huế xây dựng khu công nghệ cao để làm gì? Từ mục tiêu đó thì mô hình sẽ như thế nào? Phát triển khu công nghệ cao giống như khoa học công nghệ, cần phải có nguồn lực gắn với trường học, đào tạo và các Viện nghiên cứu; gắn với hệ sinh thái cũng như các thiết chế đầu tư. Do vậy, khi đặt ra Đề án phát triển khu công nghệ cao ở Huế cần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, xây dựng phát triển khoa học công nghệ của tỉnh gắn với phát triển kinh tế xã hội”, Thứ trưởng Bùi Thế Duy định hướng.
Trong Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, định hướng xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ. Hiện Đề án thành lập Khu công nghệ cao Thừa Thiên Huế đang trong giai đoạn khởi động, cần được nghiên cứu sâu, có cách tiếp cận mới. Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà quản lý… để hoàn thiện Đề án gửi Bộ Khoa học và Công nghệ cho ý kiến và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.
PV