Xây dựng phương án tuyển sinh từ năm 2025: Bảo đảm công bằng, tin cậy
Nhiều cơ sở giáo dục đại học đã xây dựng phương án tuyển sinh từ năm 2025 theo tiêu chí công bằng, tin cậy trong các phương thức xét tuyển.
Thí sinh tham dự ngày hội tư vấn xét tuyển năm 2024. Ảnh: TG.
Qua đó, nhằm khắc phục những hạn chế từ một số phương thức xét tuyển sớm.
Chủ động từ sớm
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) tiếp tục giữ ổn định phương thức tuyển sinh năm 2025. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Đào tạo cho hay, nhà trường sẽ giảm dần chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT và tăng dần các hình thức xét tuyển kết hợp; trong đó chủ yếu sử dụng điểm thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy.
Năm 2025, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vẫn giữ 3 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển kết hợp; xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với phương thức xét tuyển thẳng, nhà trường dành 2% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển kết hợp chiếm 83% chỉ tiêu. 15% là chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Trường chỉ sử dụng 4 tổ hợp để xét tuyển: A00 (Toán - Vật lý - Hóa học), A01 (Toán - Vật lý - Tiếng Anh), D01 (Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh), D07 (Toán - Hóa học - Tiếng Anh). Các môn thi đều tính hệ số 1 khi xét tuyển.
Đưa ra phương thức tuyển sinh sẽ do Hội đồng Tuyển sinh của các trường quyết định và thông báo chính thức tới xã hội. ThS Lê Văn Hiển - Phó Trưởng phụ trách Phòng Đào tạo, Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh cho hay, theo định hướng của trường, phương thức tuyển sinh năm 2025 không khác nhiều so với 2024.
Cơ bản là thay đổi tổ hợp xét tuyển vì đây là năm đầu tiên có học sinh tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018. Các trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển cho phù hợp, ví dụ môn Giáo dục công dân có trong Chương trình GDPT 2006. Tuy nhiên, theo Chương trình GDPT 2018, đây là môn Giáo dục kinh tế và Pháp luật.
Xu hướng tuyển sinh của Học viện Kỹ thuật Quân sự dự kiến có một số thay đổi từ năm 2025. Theo đó, Học viện sẽ có một phần xét tuyển theo phương thức tổ chức đánh giá năng lực và dành tỷ lệ nhất định xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, Học viện cũng tính toán lại và có thể giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh ở phương thức này.
Tân sinh viên nhập học vào Học viện Kỹ thuật quân sự năm 2024. Ảnh: Ninh Hoan.
Sử dụng kỳ thi riêng
Từ năm 2025 sẽ có kỳ thi đánh giá riêng để sử dụng kết quả tuyển sinh quân đội, Trung tướng, TS Nguyễn Văn Oanh - Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) thông tin. Cục Nhà trường sẽ phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội để tổ chức kỳ thi riêng theo phương thức tương tự như kỳ thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia Hà Nội đang làm.
Dự kiến bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh vào các trường quân đội gồm nội dung: Toán, Ngữ văn, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên... Thí sinh sẽ làm bài thi trên máy. “Năm 2025, dự kiến dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực riêng của khối quân đội. Tỷ lệ này có thể điều chỉnh dựa trên thực tiễn tuyển sinh”, Trung tướng Nguyễn Văn Oanh cho hay.
Năm 2025 cũng là năm đầu tiên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào hệ đại học chính quy. TS Trịnh Đình Vinh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 cho hay, nhà trường tiếp tục xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, kỳ thi đánh giá chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
Các phương thức xét tuyển còn lại của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả học bạ. Các ngành Giáo dục Mầm non, Giáo dục Thể chất, Quản lý thể dục thể thao sử dụng các phương thức trên nhưng trong tổ hợp tuyển sinh có sử dụng kết quả thi năng khiếu do nhà trường tổ chức (không sử dụng kết quả thi năng khiếu của cơ sở giáo dục đại học khác).
Kỳ thi đánh giá năng lực (HAS) năm 2025 của ĐH Quốc gia Hà Nội có nhiều điểm mới. GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí cho biết, cấu trúc đề thi tham khảo gồm 50 câu hỏi Toán học và xử lý số liệu, 50 câu hỏi thuộc lĩnh vực Văn học - Ngôn ngữ. Đây là hai phần thi bắt buộc của bài thi HSA.
Ngoài ra, bài thi HAS năm 2025 cho phép thí sinh lựa chọn Khoa học hoặc tiếng Anh. Thời gian làm bài cho bài thi thứ ba là 60 phút. Thí sinh chọn 3 trong 5 chủ đề Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Mỗi chủ đề có 17 câu hỏi, gồm 1 câu thử nghiệm để hoàn thành phần thi khoa học. Phần lựa chọn tiếng Anh gồm 50 câu hỏi trắc nghiệm khách quan được thiết kế để phục vụ tuyển sinh các ngành đào tạo ngoại ngữ.
Câu hỏi trong đề thi HSA có khoảng 75% là trắc nghiệm khách quan với 4 lựa chọn và 25% câu hỏi điền đáp án. Nếu năm ngoái, câu hỏi chùm chỉ xuất hiện ở phần thi Ngôn ngữ, từ năm 2025, đề thi HSA bổ sung câu hỏi chùm trong tất cả phần thi, chủ đề thi. Câu hỏi chùm gồm đầu bài chung và các câu hỏi riêng phát triển đánh giá năng lực thí sinh từ cấp độ thấp đến cao.
Câu hỏi chùm sẽ khai thác nguồn dữ kiện phong phú, đánh giá tư duy học sinh theo từng lĩnh vực và xuyên lĩnh vực. Đây là những thay đổi về xây dựng ngân hàng câu hỏi thi đánh giá năng lực. “Đặc biệt năm 2025, câu hỏi trong đề thi sẽ không sắp xếp từ dễ đến khó mà được xáo trộn ngẫu nhiên theo ma trận cố định”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo thông tin.
Mới đây, Bộ GD&ĐT phát hành Công văn số 4606/BGDĐT-GDĐH về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm (gọi chung là cơ sở đào tạo).
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cơ sở đào tạo cần hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình GDPT 2018, đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong trường phổ thông.
Bộ GD&ĐT yêu cầu, các cơ sở đào tạo hoàn thành công tác tuyển sinh năm 2024 theo đúng quy định; hoàn thiện các phương thức tuyển sinh từ 2025 bảo đảm chất lượng và công bằng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp giáo dục phổ thông. |