Xây dựng 'văn hóa uống' có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội
Ngày 29/6, tại Hà Nội, Tạp chí Đồ uống Việt Nam cơ quan ngôn luận của Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam tổ chức hội thảo Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng.
Hội thảo có sự tham dự của các đại biểu gồm: Nhà sử học Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội Khóa 14; ông Hồ Quang Lợi – Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam.
Các diễn giả, các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo: PGS.TS Phạm Bích San - Nguyên Phó Tổng thư ký Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung Tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học Việt Nam); PGS.TS Nguyễn Hữu Đạt – Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông; PGS. TS. Đỗ Minh Cương - Phó Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh,...
Hội thảo “Văn hóa uống và trách nhiệm với cộng đồng” là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực, phát huy tốt vai trò truyền thông về ngành Đồ uống Việt Nam, vì sự phát triển bền vững của ngành. Để ngành Đồ uống Việt Nam tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, có những chương trình ý nghĩa với cộng đồng thì rất cần sự ổn định về chính sách, sự cảm thông, chia sẻ của cộng đồng, hiểu rõ hơn về ngành để cùng với các ngành kinh tế khác phục hồi và phát triển sau đại dịch và những khó khăn hiện nay.
Việc tổ chức hội thảo cũng là một trong những hoạt động thể hiện trách nhiệm của ngành đồ uống với xã hội. Tuyên truyền vận động người tiêu dùng sử dụng đồ uống có văn hóa, có trách nhiệm, không lạm dụng đồ uống có cồn, “đã uống rượu, bia thì không lái xe”, bảo đảm an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng, vì sự phát triển bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chương - Phó Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo, đại diện Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) nhấn mạnh, từ khi đổi mới và hội nhập, kinh tế tăng trưởng, ngành đồ uống phát triển mạnh, với những sản phẩm có thương hiệu, phong phú, đẩy lùi hàng nhập lậu và góp phần vào tăng giá trị xuất khẩu, với tổng giá trị sản xuất lớn, đem lại nhiều đóng góp cho nền kinh tế và xã hội.
Ngành tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động, đóng góp khoảng 3,2% tổng thu ngân sách nhà nước, thúc đẩy nhiều lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng bao gồm nông nghiệp, kho vận, cơ khí, hóa sinh, bao bì, dịch vụ.
Đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế (2022-2023), ngành đồ uống là một nhân tố quan trọng để phục hồi và phát triển dịch vụ du lịch (bao gồm lưu trú và ăn uống).
Tuy nhiên, sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19 kéo dài, hiện nay, ngành đồ uống đang phải chống chịu với nhiều khó khăn trong bối cảnh mới. Nhiều quy định quản lý chưa phù hợp, có nguy cơ có thể dẫn đến tình trạng thu hẹp sản xuất, kinh doanh trong ngành và những hệ lụy đối với xã hội.
Năm 2023 được dự báo ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp ngành đồ uống. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có điều kiện phục hồi, phát triển, các doanh nghiệp trong ngành đồ uống mong muốn Nhà nước chưa nên xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt.
“Trước những thách thức, khó khăn trong năm 2023, các doanh nghiệp đồ uống mong muốn Nhà nước ổn định chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thủ tục xuất nhập khẩu, giảm hồ sơ giấy tiến tới áp dụng hải quan online toàn phần, linh hoạt trong các chính sách tín dụng, lãi suất ổn định để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi, phát triển”, đại diện VBA kiến nghị.
Chia sẻ tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Toàn Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Phát triển Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: ngành đồ uống nước ta thông qua các sản phẩm đồ uống chất lượng có trọng trách gợi dẫn nâng cao nhận thức cho con người (địa phương và du khách) về các tri thức khoa học thường thức cần thiết về văn minh ẩm thực, đặc biệt là “thức uống” đảm bảo chất lượng
Trên thực tế, khi người tiêu dùng biết cách sử dụng đồ uống một cách thông minh và hợp lý sẽ mang lại giá trị tốt cho sức khỏe, thậm chí có loại đồ uống còn là bài thuốc dân gian chữa bệnh cho con người.
Do vậy, Ngành Đồ uống có trọng trách xây dựng và phát triển văn hóa uống (văn hóa ẩm thực) ở nước ta (một lĩnh vực sinh động của văn hóa Việt Nam - truyền thống và hiện đại). Từ đó mở rộng, lan tỏa rộng rãi những tri thức thú vị, những lợi ích của văn hóa uống, tích cực phát triển thị phần đồ uống nước ta ở trong nước và quốc tế, gia tăng lợi ích kinh tế cho Ngành Đồ uống, tích cực góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, phân phối, tiêu dùng, các hoạt động tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, Ngành Đồ uống sẽ có cơ hội tuyên truyền về văn hóa uống, hướng dẫn cho người tiêu dùng những kỹ năng và thái độ sử dụng đồ uống một cách có trách nhiệm, gợi dẫn các chuẩn mực, nghi thức văn hóa ứng xử khi sử dụng các loại đồ uống. Từ đó nâng cao ý thức, thay đổi hành vi và hình thành phong cách người tiêu dùng thông thái, tích cực góp phần xây dựng văn hóa uống cho xã hội.
Theo thuongtruong.com.vn