Xuất khẩu 10 tấn mía đầu tiên sang thị trường Đức
Ngày 7/11, tỉnh Hòa Bình đã xuất khẩu 10 tấn mía đầu tiên sang Đức. Đây là tín hiệu vui của ngành nông nghiệp và bà con trồng mía trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
- Tăng cường kiểm soát xuất khẩu thiết bị và phần mềm
- Việt Nam vào top 10 thế giới về xuất khẩu điện thoại, điện tử
- Lạng Sơn xây dựng cửa khẩu số để giải bài toán xuất khẩu của cả nước
- Nông sản Việt Nam trước cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường Anh
- Thủ tướng Chính phủ đề nghị Áo tạo thuận lợi cho nông thủy sản Việt xuất khẩu
Ảnh: minh họa
Mía do HTX Dịch vụ nông, lâm nghiệp Tùng Dương (Tân Lạc) sản xuất. Công ty TNHH và ĐTTM Tiến Ngân (TP Hòa Bình) thu mua, sơ chế đóng gói và xuất qua Công ty CP phân bón FUSA. Đối tác bên Đức là Tập đoàn Vĩnh Lợi (công ty của người Việt Nam làm chủ) ở thành phố Hamburg (Đức). Sản phẩm mía trắng ăn tươi trước khi được xuất sang thị trường Đức đã vượt qua yêu cầu kiểm dịch vô cùng khắt khe, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tốt nhất. Mía được chọn lọc và thực hiện 2 công đoạn sơ chế, bỏ 100% đầu mấu, cạo vỏ, cắt khúc 35cm, đóng gói vào túi PE (hút chân không) trọng lượng 2,5kg/túi và cấp đông, đóng 10kg/thùng carton, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Việc đóng hàng được thực hiện đúng quy cách yêu cầu, chủng loại hàng hóa, đảm bảo tiêu chuẩn ATTP của EU. Việc giao, nhận đảm bảo thực hiện đúng thời gian phía đối tác yêu cầu. Sau 40 ngày, chuyến mía đầu tiên từ Hoà Bình sẽ có mặt tại thị trường Đức.
Dự kiến đến tháng 12 tới, Công ty sẽ xuất khẩu thêm 44 tấn mía sang thị trường Anh và Đức. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản khác, trong đó có cam Cao Phong – sản phẩm nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình.
Ngành nông nghiệp tỉnh đã tích cực hỗ trợ xuất khẩu. Đến nay, đã cấp được 14 mã số vùng trồng và 7 mã số cơ sở đóng gói. Từ các mã số được cấp đã xuất khẩu được 293 tấn chuối sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc tính từ đầu năm 2021 đến nay.
Theo TS Nguyễn Hồng Yến, Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hòa Bình cho biết, để xuất khẩu được mía sang thị trường Đức đòi hỏi phía Việt Nam phải đáp ứng được sự kiểm tra gắt gao về vi sinh vật, côn trùng, đất, dư lượng nitrat, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng các trang thiết bị hiện đại của các nước nhập khẩu. Do vậy, hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm từ trồng, thu hoạch, sơ chế, đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…
Hoàng Hằng (T/h)