Yêu cầu đối với nhà báo khi truyền thông về vùng dân tộc thiểu số
Để đạt được hiệu quả trong công tác truyền thông vùng dân tộc thiểu số (DTTS), người làm công tác truyền thông, đặc biệt là nhà báo phải có phương pháp tiếp cận người DTTS phù hợp. Quan trọng nhất là phải có kiến thức, kỹ năng truyền thông cơ bản, phải am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của DTTS...
Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đem lại kết quả bền vững cho sự phát triển cộng đồng, xóa đói giảm nghèo, góp phần ổn định xã hội... Truyền thông ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) là quá trình trao đổi, chia sẻ thông tin, tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ, kỹ năng và kinh nghiệm... đối với người DTTS nhằm thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi của người DTTS phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân và xã hội, hỗ trợ thúc đẩy các dân tộc xóa đói, giảm nghèo, hướng tới phát triển bền vững...
Công tác tuyên truyền, truyền thông chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước tới Nhân dân cả nước đều rất cần thiết. Tuy nhiên, do đặc điểm của người dân vùng đồng bào DTTS, đòi hỏi việc xây dựng nội dung, hình thức, phương pháp, thời điểm tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm DTTS, từng khu vực cụ thể. Trong đó, người làm công tác truyền thông, đặc biệt là nhà báo đóng vai trò quan trọng trong công tác truyền thông đối với đồng bào DTTS.
Đặc thù của công chúng vùng DTTS
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT về vấn đề này, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Các DTTS đều có bản sắc văn hóa riêng, tổ chức xã hội mang tính truyền thống; mỗi thôn, bản, buôn, phum, sóc được các hộ dân cư trú quây quần bên nhau theo dòng họ hoặc do hôn nhân hợp thành nên họ rất đoàn kết, tuân thủ khuôn phép tôn ti trật tự “trên bảo, dưới nghe”, với bản tính thật thà, đôn hậu, họ sẵn sàng thực hiện công việc mà người già, người uy tín giao cho.
Trong xã hội truyền thống, đồng bào DTTS nhận thức về xã hội chủ yếu là xã hội nội tại, diễn ra trong bối cảnh làng bản hạn hẹp và khép kín, cả về không gian và thời gian.
Người DTTS cũng có những hạn chế như: Khó tiếp cận, do phần lớn họ cư trú phân tán, xen kẽ nhau, không tập trung tại một địa bàn cụ thể; Ít thể hiện nhu cầu tiếp nhận sản phẩm truyền thông; Hạn chế về năng lực tiếp nhận sản phẩm truyền thông.
Người DTTS cũng thường rụt rè, tự ti trong giao tiếp; Thiếu tin tưởng vào lợi ích do truyền thông mang lại; Chưa có thói quen sử dụng các sản phẩm truyền thông.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, hiện nay báo chí truyền thông (BCTT), điện thoại di động và Internet đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức xã hội của người DTTS, đưa họ đến những xã hội mới, rộng lớn hơn, biết được những gì đang diễn ra trong cả nước và trên thế giới; thấy được cuộc sống của các dân tộc khác và so sánh với cuộc sống của cộng đồng mình. Họ tham gia vào các diễn đàn trên mạng xã hội (MXH) để chia sẻ, trao đổi và thể hiện quan điểm cá nhân của mình về các vấn đề thời sự của đất nước, của địa phương.
Điều này làm cho cách nhìn nhận về thế giới của người DTTS thay đổi theo hướng đa dạng hơn, rộng lớn hơn. Chính thông tin đa chiều đã mở rộng tầm mắt, tăng thêm hiểu biết về thế giới bên ngoài, giúp họ có động lực phấn đấu vươn lên thoát nghèo và làm giàu, thu hẹp dần khoảng cách giữa các dân tộc trong nước.
Người DTTS hình thành thói quen tiếp cận các kênh thông tin tùy theo các mối quan tâm khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi, tính chất công việc và các mối quan hệ xã hội.
Nếu trước đây, nhóm trung niên thường hay ngồi nói chuyện với nhau bên ấm trà, chum rượu cần, thì nay họ cùng nhau xem tivi, nghe đài, năm bắt ngay tình hình thời sự trong nước và quốc tế. Thay vì đi chơi các trò chơi dân gian, những người trẻ tuổi dùng điện thoại thông minh để truy cập thông tin nhanh, đa chiều.
Việc sử dụng điện thoại tác động mạnh mẽ, làm thay đổi nhiều hành vi và thói quen của thanh thiếu niên người DTTS. Điện thoại trở thành vật bất ly thân, vì nhờ nó vừa có thể trao đổi công việc, tâm sự, vừa chụp ảnh, chia sẻ thông tin, tra cứu thông tin… Việc thay đổi các thói quen cũ giúp cho họ tiếp cận cuộc sống hiện đại, có thái độ rõ ràng, dứt khoát với các sự việc, sự kiện xảy ra trong cuộc sống.
“Vì vậy, việc hiểu rõ và tận dụng được lợi thế về truyền thống văn hóa, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở hạ tầng, quan hệ xã hội của mỗi dân tộc - khách thể, thì truyền thông ở vùng DTTS sẽ đạt hiệu quả cao hơn”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh chia sẻ.
Ảnh Đức Kiên.
Nhà báo phải có phương pháp tiếp cận người DTTS phù hợp
Theo TS. Nguyễn Thị Hồng Minh, hiện nay, ở các cơ quan BCTT, đa số các nhà báo chuyên viết về vùng DTTS là người Kinh, và không có nhiều nhà báo được đào tạo hoặc viết chuyên sâu về vùng DTTS. Nghĩa là, phần lớn các tác giả đang nói về các dân tộc có nền văn hóa và hệ giá trị tương đối khác với họ.
Mặc dù, các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên ở các báo ngày càng được nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Đa phần họ còn thiếu kinh nghiệm, trải nghiệm để viết sâu về vùng DTTS, chưa thấy rõ được mối quan hệ của các lĩnh vực liên quan đến những vấn đề đang đặt ra đối với vùng DTTS.
Điều này một phần giải thích cho thực trạng các bài viết về đời sống các vùng DTTS thường mang tính bị động, “nhạt” và dàn trải. Các tin bài mà báo chí đưa đến cho độc giả thường được nhà báo “nhìn từ bên ngoài”, qua lăng kính chủ quan của người quan sát.
Hơn thế nữa, do các bài báo về các DTTS lại chủ yếu hướng tới công chúng nhóm dân tộc đa số, những người có nhu cầu tìm hiểu về tình hình chính trị - xã hội và các nền văn hóa của các dân tộc khác với họ, nên không phù hợp với thị hiếu đồng bào DTTS. Cũng chính vì thế, lối đưa tin theo kiểu “dán nhãn” hay đi sâu mô tả những phong tục tập quán kỳ lạ, bí hiểm để thỏa mãn sự hiếu kỳ thường để lại những hệ lụy khó lường.
Do đó, cần quan tâm đến những yêu cầu đối với đội ngũ nhà báo trong quá trình truyền thông ở vùng DTTS để đảm bảo hiệu quả truyền thông, đặc biệt là trong bối cảnh truyền thông số, chuyển đổi số báo chí hiện nay.
“Để đạt được hiệu quả trong công tác truyền thông vùng DTTS, người làm công tác truyền thông, đặc biệt là nhà báo phải có phương pháp tiếp cận người DTTS phù hợp. Quan trọng nhất là phải có kiến thức, kỹ năng truyền thông cơ bản, phải am hiểu văn hóa, phong tục tập quán của DTTS, từ đó có kỹ năng trong giao tiếp và làm việc, chú ý lắng nghe và truyền tải thông điệp tới người DTTS”, TS. Nguyễn Thị Hồng Minh cho hay.
Ảnh Đức Kiên.
Yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ nhà báo trong quá trình truyền thông cho công chúng vùng DTTS
TS. Nguyễn Thị Hồng Minh nhấn mạnh, để đảm bảo hiệu quả truyền thông đối với đồng bào DTTS, đội ngũ nhà báo cần thực hiện các yêu cầu sau:
Thứ nhất, nhà báo cần thu hút sự hợp tác và tham gia của công chúng DTTS
Trong thực tế, truyền thông truyền thống do nhà báo chủ động truyền tải sự kiện tới công chúng thông qua các phương tiện truyền thông, công chúng thường ở vị trí bị động. Vì vậy, để có thể sử dụng những thông tin thật sự hữu ích từ công chúng, các trang tin trên mạng cần mời gọi và tôn trọng sự đóng góp nội dung từ phía công chúng. Nếu không, công chúng sẽ dễ dàng đi sang các trang web khác - nơi họ có thể tương tác, để lại ý kiến của mình, vì biết rằng ý kiến đó sẽ có người đọc hoặc nghe.
Ngoài ra, khả năng tư duy của phóng viên còn được thể hiện thông qua các sản phẩm báo chí hội tụ, phương tiện truyền thông hợp nhất, thu hút lượng công chúng lớn cho cơ quan báo chí của mình.
Thứ hai, nhà báo cần biết tổng hợp và chắt lọc thông tin
Trong môi trường truyền thông hội tụ, sự đa dạng hóa của các loại hình truyền thông đã đem lại cho con người nguồn thông tin đa dạng và phong phú, tuy nhiên sự hỗn tạp và thiếu trật tự của thông tin đã khiến công chúng gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn những thông tin hữu ích, thậm chí là bị “quấy rối” trước tình trạng “bùng nổ thông tin”.
Trong bối cảnh đó, vai trò của nhà báo trong quá trình tổng hợp và chắt lọc thông tin, đem đến cho công chúng những sản phẩm truyền thông chất lượng, giảm thiểu những khó khăn cho công chúng trong vấn đề tiếp nhận những thông tin hữu ích, làm tốt vài trò của “người gác cổng” là rất cần thiết.
Thứ ba, thông tin nhanh nhưng phải chính xác
Trong kỷ nguyên truyền thông hội tụ, mặc dù cách thức truyền thông luôn được đổi mới, nhưng “nội dung là số một” vẫn là yếu tố then chốt để các hãng truyền thông cạnh tranh với nhau và yêu cầu về chất lượng nội dung cũng cao hơn.
Sự hội tụ về mặt kỹ thuật đã khiến tốc độ truyền phát thông tin tăng lên nhanh chóng, nhưng chất lượng nội dung không cao và xem nhẹ tính khách quan của báo chí; tin, bài thiếu chiều sâu, hiện tượng đồng nhất hóa (giống nhau) khá nghiêm trọng. Hiện tượng này được thể hiện ở sự trùng lặp và na ná trong các bản tin, góc độ tiếp cận không có điểm đột phá.
Thứ tư, nhà báo phải có tư duy đa phương tiện
Bên cạnh việc sở hữu một chiếc máy điện thoại thông minh, nhà báo cần phải có “tư duy mobile” khi tác nghiệp. Hiện nay, nhiều cơ quan BCTT lớn yêu cầu nhà báo cùng lúc phải cung cấp các nội dung cho nhiều loại hình truyền thông khác nhau: viết tin cho báo giấy, gửi sản phẩm cho truyền hình và phát thanh, thậm chí cả Internet bao gồm video, ảnh, bản tin viết cho điện thoại di động./.