ZaloPay liên tục lỗ trong 5 năm tổng cộng 1.000 tỷ đồng
Năm 2020 CTCP Zion, đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay lỗ 667 tỷ đồng. Đây là năm lỗ thứ 5 liên tục của ví điện tử ZaloPay. Trước đó, từ năm 2016 tới năm 2020, doanh nghiệp liên tục ghi nhận các mức thua lỗ ngày càng lớn.
Năm 2020, ZaloPay báo lỗ 667 tỷ đồng.
CTCP VNG vừa công bố báo cáo thường niên 2020, qua đó tiết lộ kết quả kinh doanh của các công ty con, công ty liên kết.
Đáng chú ý, CTCP Zion, đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay lỗ 667 tỷ đồng, cao hơn 77% so với năm 2019.
Số này có thể được dự báo được thông qua báo cáo tài chính 2020 của VNG đã công bố trước đó. VNG sở hữu gần 60% cổ phần Zion.
Đáng chú ý, đây là năm lỗ thứ 5 liên tục của ví điện tử ZaloPay. Trước đó, từ năm 2016 tới năm 2020, doanh nghiệp liên tục ghi nhận các mức thua lỗ ngày càng lớn.
Cụ thể, năm 2016 và 2017 còn ở mức dưới 100 tỷ đồng thì năm 2018 đã chạm gần tới mốc lỗ 200 tỷ đồng. Tới năm 2019, con số thua lỗ vọt lên gần 400 tỷ đồng. Còn gần đây nhất, kết quả kinh doanh năm 2020 cho thấy, ZaloPay ghi nhận lỗ tới 667 tỷ đồng.
Như vậy, trong thời kỳ 5 năm, ZaloPay đã lỗ tổng cộng hơn 1.000 tỷ đồng.
Theo VNG, số lượng người dùng hoạt động hàng tháng của ZaloPay gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Số người gửi tiền ZaloPay trong Zalo chat hàng tháng tăng 10 lần trong 6 tháng cuối năm 2020.
ZaloPay đã hợp tác cùng các đối tác chiến lược như Lazada, Baemin, Tiki, Sendo, Circle K, Big C ở nhiều mảng khác nhau (thương mại điện tử, mua sắm, sức khoẻ, làm đẹp…). Trong năm 2020, ví điện tử hợp tác cùng 269 đối tác mới, trong số đó có Google Play, GS 25, Sendo, Be.
Hiện tại Momo và ZaloPay là 2 ví điện tử đang mạnh tay chi tiền nhất để thu hút người dùng mà không ngại lỗ lớn. Năm 2019, mức lỗ của Momo lên đến 854 tỷ đồng, hiện chúng tôi chưa có số liệu 2020 của đơn vị này.
Bản thân nền tảng OTT Zalo có 62 triệu người dùng hàng tháng, trở thành phương tiện dịch vụ công của 55 trên 63 tỉnh thành.
Trên thực tế, cuộc đua giữa các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đang hết sức khốc liệt. Nhưng năm đại dịch lại là động lực quan trọng thúc đẩy mua bán trực tuyến phát triển mạnh hơn nữa.
Ngoại trừ ZaloPay, Momo cũng là ví điện tử có các hoạt động “đốt tiền” mạnh tay nhất thị trường để thu hút người dùng mà không ngại lỗ lớn. Từ năm 2016 tới năm 2019, Momo cũng thua lỗ liên tục với con số ngày càng lớn.
Cụ thể, năm 2016 còn ở mức dưới 200 tỷ đồng thì năm 2017 đã vượt qua. Tới năm 2018, con số thua lỗ vọt lên hơn 400 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh năm 2019 cho thấy, Momo ghi nhận lỗ tới 854 tỷ đồng. Hiện tại, số liệu năm 2020 của ví điện tử này vẫn chưa lộ diện.
Cuộc chiến giữa các ví điện tử vẫn còn cam go khi đặt mục tiêu đón sóng lớn giai đoạn 2020 - 2030. Ở giai đoạn này, xu hướng tiêu dùng số được hi vọng sẽ phát triển nhiều hơn, nhất là phụ thuộc vào thế hệ Gen Z (những người sinh sau năm 2.000) và thế hệ Millennials (những người sinh sau 1980 đến đầu 2.000) thường xuyên sử dụng internet và tiếp cận công nghệ.
Một báo cáo về kỷ nguyên mới của lĩnh vực thanh toán số của IDC và NTT Data công bố vào đầu năm 2020 cho thấy, trong khu vực Châu Á, Việt Nam là nước có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt ở mức gần như thấp nhất, chỉ hơn mỗi Philippines.
Mai Ngọc (t/h)