10 sự kiện Khoa học Công nghệ tiêu biểu năm 2008

00:00, 05/01/2009

Sáng ngày 5/1/2009, tại Hà Nội, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học Công nghệ (KHCN) chính thức công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KHCN tiêu biểu 2008.

 

Theo Ban tổ chức cuộc bình chọn, với mục đích khẳng định vai trò quốc sách hàng đầu, cũng như động lực phát triển kinh tế -xã hội của KHCN trong năm 2008, CLB Nhà báo KHCN đã thực hiện chương trình bình chọn 10 sự kiện KHCN nổi bật. 10 sự kiện được công bố ngày hôm nay là kết quả của 2 vòng bầu chọn công phu và được sự chuẩn bị kỹ càng.

 

Xem ảnh lớn


10 sự kiện Khoa học Công nghệ nổi bật năm 2008

 

1. Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

 

Nghị quyết khẳng định: Trong mọi thời đại tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá kiến thức. Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia trong chiến lược phát triển. Việc Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết nói trên đã tạo ra một bước ngoặt lớn khơi nguồnchất xám, khơi nguồn nhân lực, tiềm năng trí tuệ của giới trí thức nước nhà.

 

2. Luật Công nghệ cao được Quốc hội thông qua

 

Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XII, ngày 13/11/2008, Quốc hội đã thông qua dự án Luật Công nghệ cao. Luật gồm6 chương, 35 điều, quy định cụ thể về việc ứng dụng, nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, biện pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghệ cao trong các ngành kinh tế, kỹ thuật; chính sách phát triển, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực công nghệ cao; cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động công nghệ cao... Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2009.

 

3. Tạo tinh trùng chuột từ tế bào gốc

 

Lần đầu tiên, các nhà khoa học Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc (Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia TPHCM) đã tạo được tinh trùng chuột từ tế bào gốc. Đây sẽ là một hướng đi quan trọng trong việc nghiên cứu điều trị vô sinh cho những nam giới không có khả năng tự sinh sản ra tinh trùng. Sự kiện này đã đánh dấu một bước tiến mới trong việc dùng tế bào gốc phục vụ chữa bệnh cho con người do người Việt nghiên cứu, triển khai và đang từng bước hoàn thiện để áp dụng.

 

4. Cơ hội mới cho những người hiếm muộn con

 

Kỹ thuật nuôi tinh tử thành tinh trùng để cấy vào trứng được thực hiện tại Trung tâm Công nghệ phôi, Học viện Quân y. Tinh tử (tế bào dạng tròn, chưa có đuôi) sẽ được nuôi cấy cho đến khi có đuôi (thành tinh trùng), chuyển động, có thể thụ tinh được. Những người không có tinh trùng sẽ phải mổ tinh hoàn với vết mổ rất nhỏ để lấy tế bào tinh tử. Tế bào này được nuôi cấy trong 24h, sau đó thụ tinh trong ống nghiệm với trứng khỏe mạnh.

 

Đây là kỹ thuật duy nhất được thực hiện tại trung tâm và đã sinh ra được cháu bé khỏe mạnh (đến nay đã được một tuổi ) từ phương pháp này.

 

5. Thương vụ chuyển giao giống lúa lai trị giá 10 tỷ đồng

 

Đầu tháng 6/2008 giới khoa học cả nước đón nhận thông tin vui, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, Viện sinh học Nông nghiệp, ĐH Nông nghiệp 1đã chuyển nhượng một giống lúa lai TH3-3 với giá 10 t ỷ đồng cho một doanh nghiệp tại Nam Trực, Nam Định. Đây là thương vụ mua bán bản quyền giống lúa có giá trị cao nhất từ trước đến nay ở Việt Nam.

 

6. Việt Nam thiết kế thành côngchip vi xử lý 8 –bit đầu tiên

 

Sáng 16/1/2008, tại TPHCM, chip vi xử lý 8 –bit đầu tiên của Việt Nam mang tên Sigma K3 đã được công bố, đánh dấu một bước tiến quan trọng của ngành Công nghệ vi mạch Việt Nam non trẻ. Ðây là con chíp vi xử lý đầu tiên được thiết kế tại Việt Nam. Chủ nhiệm nhóm đề tài nghiên cứu là Thạc sĩ Ngô Ðức Hoàng. Chíp Sigma K3 có giá thành chỉ bằng 70% so với con chíp cùng loại nhập khẩu. Nó có thể được ứng dụng trong sản xuất máy giặt, lò vi sóng, bảng hiệu quảng cáo điện tử, thiết bị y tế cầm tay.

 

Từ thành công của đề tài trên, Trung tâm Nghiên cứu và Ðào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) - Ðại học Quốc gia TPHCM đã được ĐHQG.HCM đầu tư cho thiết kế vi mạch trị giá 7 tỷ đồng, trong đó chi phí mua license thương mại phần mềm thiết kế chip trong ba năm với số tiền năm tỷ đồng. Và vừa qua, UBND TPHCMh và Sở KHCN TPHCM phê duyệt cho ICDREC thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm 10 tỷ để sản xuất 150 nghìn con chíp để bán ra thị trường.

 

7. Mạng VinaRen kết nối với 30 triệu nhà nghiên cứu trên thế giới

 

Ngày 27/3/2008, tại TPHCM, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức khai trương Mạng nghiên cứu và đào tạo Việt Nam (VinaRen). Ðây là mạng viễn thông về nghiên cứu và đào tạo, phi lợi nhuận, được nối vào Mạng thông tin xuyên Âu - Á (TEIN2), bằng đường kết nối riêng với tốc độ 45 Mbps. Nhằm hỗ trợ các nước đang phát triển trong ASEM, mục đích của TEIN2 là cung cấp, củng cố đường trục cho liên khu vực Âu - Á, tạo điều kiện bình đẳng trong truy nhập tài nguyên mạng nghiên cứu, làm cầu nối trong hợp tác công nghệ thông tin và truyền thông, và nâng cao khả năng phối hợp trong nghiên cứu và đào tạo của các nước trong ASEM, đặc biệt chú trọng đến các nước đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á. VinaRen có bảy trung tâm vận hành mạng đặt tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Cần Thơ, Huế. Cộng đồng nghiên cứu và đào tạo nước ta sẽ được kết nối với trên 30 triệu nhà nghiên cứu, giảng dạy và đội ngũ sinh viên các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu trên thế giới.

 

8. Phóng thành công VINASAT-1

 

Sự kiện5h17 phút sáng 19/4/2008, vệ tinh Vinasat-1 chính thức rời bệ phóng đã mở ra kỷ nguyên mới cho công nghệ viễn thông ở Việt Nam. Với việc phóng thành công Vinasat-1, Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào việc thuê kênh vệ tinh và cáp quang biển của nước ngoài để đảm bảo thông tin, liên lạc trong nước và đi quốc tế. Vệ tinh Vinasat -1 có ý nghĩa rất lớn với việc phủ sóng viễn thông, liên lạc tới vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo trong nước và cả trong khu vực Đông Nam Á. Vệ tinh Vinasat-1 sẽ cung cấp các dịch vụ bao gồm: Phát hình quảng bá; Kênh truyền hình tận nhà (DTH); Kênh truyền hình có độ phân giải cao; Dịch vụ truy nhập Internet; Điện thoại cho vùng sâu, vùng xa (VSAT),... Vinasat -1 là một dấu mốc quan trọng, xóa nhòa ranh giới thông tin và khẳng định chủ quyền vũ trụ của Việt Nam.

 

9. Lần đầu tiên, một nhà khoa học Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế COSMOS

 

Vượt qua 130 ứng cử viên đến từ 25 nước trên toàn thế giới, GS.TSKH Phan Nguyên Hồng, Đại học Sư phạm Hà Nộiđã trở thành người duy nhất đoạt được giải thưởng cao quý này. COSMOS là giải thưởng quốc tế được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những cá nhân tổ chức trên toàn thế giới có những nỗ lực cống hiến trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Mỗi một năm, giải thưởng chỉ tôn vinh một cá nhân hoặc tập thể xuất sắc nhất. Ngày 4/11/2008, ban tổ chức đã chính thức trao giải cho GS.TSKH Phan Nguyên Hồng tại Nhật Bản. Tổng giá trị giải thưởng tiền mặt là 40 triệu yên (6 tỷ đồng).

 

10. Thanh tra, phát hiện và xử lý gian lận về đo lường, chất lượng trong kinh doanh xăng dầu, gas trong phạm vi cả nước

 

Từ tháng 4-10/2008, Thanh tra Bộ KHCN đã chỉ đạo thanh tra chuyên đề về đo lường, chất lượng đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu trên phạm vi toàn quốc. Tính đến ngày 30/10/2008, qua tổng hợp số liệu của 61 tỉnh, thành phố, đợt thanh tra chuyên đề đã đạt được một số chỉ tiêu cụ thể: Tổng số cơ sở kinh doanh xăng dầu, gas được thanh tra là 4.441 cơ sở, trong đó có 3.890 cơ sở kinh doanh xăng, dầu; 636 cơ sở kinh doanh gas. Qua thanh tra đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính 797 cơ sở vi phạm pháp luật về đo lường, chất lượng, tổng số tiền xử phạt gần 4 tỷ đồng


Theo VnMedia

TIN LIÊN QUAN