Bàn về giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa

09:40, 26/04/2024

Chiều ngày 25/4, tại TP.HCM, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tổ chức Hội thảo khoa học về Chuyển đổi số trong hoạt động giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tham dự hội thảo có ông Hà Minh Hiệp - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL); ông Nguyễn Hữu Quân - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN; bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và hợp quy; ông Phạm Lê Cường - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục TCĐLCL cùng đại biểu lãnh đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) địa phương, các Hiệp hội, đại diện doanh nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết, công nghệ số, thiết bị số đã dần trở nên quen thuộc, gần gũi trong đời sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Trong các lĩnh vực công việc khác nhau, việc ứng dụng số hóa cũng có sự chuyển biến tích cực ở các mức độ khác nhau.

Ông Hà Minh Hiệp phát biểu khai mạc hội thảo. 

Theo ông Hà Minh Hiệp, hiện nay, hoạt động chuyển đổi số đã có lộ trình khung cho việc triển khai thời gian tới, tuy nhiên công tác chuyển đổi số trong hoạt động đánh giá sự phù hợp nói chung cũng như hoạt động chuyển đổi số công tác giám định chất lượng sản phẩm hàng hóa vẫn còn chưa rõ nét, chưa đồng bộ trong triển khai và chủ yếu tập trung vào nhu cầu nội tại của từng tổ chức, đơn vị áp dụng. "Do đó, thông qua Hội thảo này Tổng cục TCĐLCL mong muốn được lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp nhằm trao đổi, thảo luận để đưa ra giải pháp cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số trong công tác giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa thời gian tới”, - ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh.

"Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu, công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức".

Trình bày về triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp của Tổng cục, bà Nguyễn Thị Mai Hương - Vụ trưởng Vụ đánh giá Hợp chuẩn hợp quy cho biết, chuyển đổi số theo quyết định số 455 ngày 25/3/2024 của Bộ Khoa học & Công nghệ gồm 4 định hướng cụ thể: Xây dựng Đề án chuyển đổi số ngành TĐC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Hình thành phát triển Hạ tầng số; Xây dựng Dữ liệu số - Cơ sở dữ liệu về đánh giá sự phù hợp và Xây dựng nền tảng số.

Bà Nguyễn Thị Mai Hương – Vụ trưởng Vụ Đánh giá Hợp chuẩn và Hợp quy trình bày tại Hội thảo.

Nhằm triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ hóa, thuận lợi cho khách hàng, doanh nghiệp, bà Hương cho rằng, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia đánh giá, thử nghiệm viên, giám định viên và triển khai xử lý hồ sơ đăng ký trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến, một cửa. Đồng thời, cần triển khai mạnh mẽ xây dựng bản đồ số và xây dựng, thực hiện quy trình xử lý công việc trên môi trường điện tử.

Cũng theo bà Hương, nội dung sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng phần mềm được chia làm 3 nội dung: Thứ nhất cần sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá và Nghị định hướng dẫn. Thứ hai, xây dựng phần mềm xử lý hồ sơ trên phần mềm dịch vụ công trực tuyến, một cửa. Thứ ba, xây dựng quy định về cơ sở dữ liệu đánh giá sự phù hợp đảm bảo kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu.

"Chuyển đổi số là con đường tất yếu để tồn tại và phát triển
Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp".

Chia sẻ về lợi ích của chuyển đổi số trong việc giải quyết thủ tục hành chính, ông Phạm Lê Cường - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục TCĐLCL nhấn mạnh: Có rất nhiều ưu điểm trong việc chuyển đổi số. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ tiếp cận thông tin nhanh chóng, công việc được thực hiện rõ ràng, minh bạch.

Về phần công chức, giảm tải nhập liệu, scan, gõ máy tính nhiều,... từ đó giảm bớt nhiều công đoạn thừa thãi và lúc này trạng thái công việc được cập nhật nhanh chóng, báo cáo, thống kê nhanh. Đặc biệt là hồ sơ được lưu tại các bộ phận của Tổng cục.

Các đại biểu trao đổi ý kiến tại phiên thảo luận.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo các Chi cục TĐC, doanh nghiệp. Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra phiên thảo luận giải đáp thắc mắc, khó khăn, ghi nhận ý kiến góp ý về phương án Chuyển đổi số trong hoạt động giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Theo Tạp chí Chất lượng Việt Nam

(https://vietq.vn/ban-ve-giai-phap-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-giam-dinh-chat-luong-san-pham-hang-hoa-d220820.html)