Ai đem cánh sóng... xa khơi

07:44, 18/09/2009

Là đảo lớn có nhiều nguồn tài nguyên đa dạng và quý giá, Phú Quốc cũng được  người ta biết đến với nhiều món ẩm thực ngon nổi tiếng. Hành trình của khách du lịch trong nước và quốc tế đến đây có thể bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cho dù họ len lỏi giữa rừng sâu, hay rong ruổi giữa con đường đất đỏ dài hun hút bên bờ biển còn nguyên sơ, hoặc thậm chí lênh đênh giữa mênh mang sóng nước, hầu như chỗ nào người ta cũng có thể vào alo í ới với nhau được.

Đường ra huyện đảo

Bến tàu ra Phú Quốc tấp nập người lên xuống, bên cạnh những chiếc ô tô đủ loại từ 4 chỗ đến 45 chỗ nối đuôi nhau đứng đổ khách xuống hoặc chờ đón người, vẫn có những chiếc xe lôi kéo của mấy ông già nhưng chưa thật cao tuổi thong dong đạp đến mời chào. Giao dịch mua bán ở đây thật sôi động, thậm chí một phụ nữ trung niên dắt chiếc xe đạp đi qua cũng chở cả đến mấy tải khô cá phía sau. Cánh thương lái “ăn hàng” rào rào như vậy, để rồi từ đây hàng hóa lại được chuyển tiếp luôn đi các vùng, miền.

Có tiếng chuông, chị dắt chiếc xe đạp dừng lại chỗ chúng tôi đứng và giở cạp quần lấy chiếc điện thoại di động ra nghe, chừng thấy chiếc xe nặng đứng không vững nên tôi bước tới đỡ “Chị cứ bình tĩnh nào, vội gì chứ?!”. “Cảm ơn chú nha, cũng phải lấy máy sớm chứ nó rung dữ quá, tê rần cả người, với lại người ta vừa báo 1 tiếng nữa ra đón hàng, mối quen cả nên thường báo gấp vậy trong lúc chạy vào bờ”, người đàn bà phân trần sau khi dạ vâng liên tục với đầu máy bên kia.

Được biết đi tàu cao tốc phải mất hơn 2 tiếng mới ra đến đảo, nói vậy thì chủ hàng đang giữa đường, mênh mang nước không thấy bến bờ thì gọi điện thoại vào bằng cách nào nhỉ? Lẽ nào di động vẫn có sóng? Hay người phụ nữ này... đùa mình?!. Tôi không hỏi mà quyết định thử xem “hai tay 2 súng” của mình lên tàu có làm ăn gì được không.

Giữa sóng nước chỉ có con tàu, biển xanh thẫm và bầu trời xanh trong, thấy tôi đứng trên boong bắn ảnh lia lịa mỗi khi gặp tàu khác xé nước đi qua, mấy người đàn ông ngồi uống rượu gần đó mời chung chén cho vui. Những nghi ngờ trước đó đã qua đi nhanh chóng, khi mà tôi thấy cứ hết người này đến người khác rút di động ra nghe các cuộc gọi đến, rồi gọi đi. Giở “2 súng” Vina và Mobi của mình ra thấy vạch sóng lúc nào cũng vài vạch, nghe mấy cuộc đồng nghiệp ở nhà gọi đến và thử gọi đi đều ngon cả. Có chăng là tiếng máy tàu ngay dưới chỗ mình ngồi là “mất trật tự”.

Sau ngày đầu tiên ở đảo, hỏi ra thì được biết, có đi dọc 50km từ phía Nam đến Bắc đảo Phú Quốc với 99 ngọn núi đồi lớn nhỏ chập chùng, hoặc ở hầu khắp vị trí nào của huyện đảo 22 hòn này với tổng diện tích trên 1.300m2 cũng đều có thể alo về nhà được.   Đời sống kinh tế trên đảo phát triển đa dạng với các ngành nghề làm nước mắm, hồ tiêu, khai thác hải sản, du lịch... nên không chỉ khách ra đảo, mà người dân làm nghề và buôn bán nơi đây cũng có nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông và Internet khá cao. Đối với họ nó đơn giản chỉ là phương tiện phục vụ làm ăn, hơn là những quan niệm “sài sang” mà nhiều khi chúng ta vẫn nghĩ.

Mênh mang sóng điện

Được biết, các mạng lớn như VinaPhone, MobiFone, Vietel đều có hàng chục trạm BTS nằm rải rác trên huyện đảo, nên mới phủ sóng được rộng khắp đến vậy. Đội ngũ kỹ thuật và kinh doanh của các nhà mạng này hết sức gọn nhẹ, còn để phát triển dịch vụ thì các đơn vị sử dụng lực lượng cộng tác viên bán hàng khá nhiều, cách làm đó vừa đem lại hiệu quả tốt, vừa dễ xã hội hóa dịch vụ, giúp người dân được thụ hưởng  các tiện ích viễn thông, Internet một cách “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” hơn.
Không chỉ nhọc nhằn trồng hàng chục trạm BTS di động khắp các cao độ ngoài huyện đảo, cũng không chỉ dương cao cột trụ viba trong đất liền để bắn sóng ra đảo, cũng không chỉ nghiên cứu thiết lập đường cáp quang biển tối ưu có tốc độ cao và băng thông rộng, Phú Quốc đã vừa trở thành huyện đảo đầu tiên của Việt Nam có thể thu phát tín hiệu vệ tinh với Vinasat-1 được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh từ năm ngoái.

Ông Hứa Hoàng Sơn, Giám đốc Trung tâm viễn thông Phú Quốc cho biết, Trạm thu phát vệ tinh Vinasat-1 này được khởi công, triển khai lắp đặt thiết bị và thiết lập kênh từ tháng 2-6/2009. Công trình do 3 đơn vị thuộc VNPT phối hợp thực hiện là Công ty Viễn thông Quốc tế (VTI), Công ty Viễn thông liên tỉnh (VTN) và VNPT Kiên Giang, với tổng số vốn đầu tư trên 250.000 USD. Việc đưa trạm thu phát vệ tinh Vinasat-1 Phú Quốc vào sử dụng đã góp phần hiện đại hóa mạng lưới thông tin liên lạc trên huyện đảo và với đất liền, nâng cao năng lực đường truyền băng rộng, tăng độ phủ sóng phát thanh - truyền hình trên toàn huyện đảo, hỗ trợ và phục vụ tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn... cho chính quyền và người dân địa phương.

Rong ruổi 2 ngày đi khắp huyện đảo, chúng tôi thấy nhiều công trình xây dựng giao thông và khu nghỉ dưỡng đang thi công dang dở. Hệ thống mạng lưới thông tin liên lạc, mạng ngoại vi và cáp quang tốc độ cao đang được VNPT Phú Quốc kịp thời đưa ngầm dọc theo các cung đường, sẵn sàng phục vụ cho một Khu đảo du lịch sinh thái chất lượng cao trong tương lai, mà các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước đang đổ về đây xây dựng hạ tầng. Chỉ những con sóc chuyền cành bên lề rừng khi xe chúng tôi đi qua, ông Sơn cho biết thêm: “Một số tuyến cáp quang phải treo từ nhiều năm trước vì không đi ngầm được, VNPT Phú Quốc đang cho thay loại có vỏ bọc kim loại để chống lại nạn bị loài sóc kia gặm nhấm”.
Đảo ngọc Phú Quốc từ đầu năm đến nay đã đón tới 160.000 lượt khách, tăng hơn 27% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế gần 40.000 lượt. Trong điều kiện kinh tế chung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế, lượng khách đến Phú Quốc vẫn tăng đáng kể cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế biển và du lịch nơi đây còn rất lớn. Người ta đến đảo xa này mà vẫn có thể giải quyết công việc, điều hành hoạt động ở đất liền như thường thông qua các phương tiện thông tin, thoại và Internet.

Ai đã đem cánh sóng xa khơi để mỗi bước ta đi, dù tới những miền đất lạ, biên giới, hải đảo... mà vẫn luôn thấy gần gũi với quê nhà./.

Chí Bằng
TIN LIÊN QUAN