Lạng Sơn cải thiện chỉ số cải cách thủ tục hành chính

12:57, 16/07/2020

Công tác cải cách thủ tục hành chính của Lạng Sơn vài năm trở lại đây đã có đột phá. Thể hiện rõ ở TTHC được công bố, công khai và thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) tăng… Tuy nhiên, để có thể nâng cao chỉ số cải cách TTHC, Lạng Sơn vẫn cần giải pháp đồng bộ.

Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của Lạng Sơn giảm 16 bậc, trong đó chỉ số thành phần cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) giảm 20 bậc so với năm 2018. Thực tế này đòi hỏi thời gian tới, các cấp, ngành chức năng cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ để nâng cao chỉ số thành phần CCTTHC góp phần đưa công tác CCHC hiệu quả hơn.

Theo kết quả của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) Chính phủ vừa công bố, chỉ số CCHC năm 2019 (PAR INDEX) của Lạng Sơn đứng thứ 42/63 tỉnh, thành, đạt tổng điểm 80,33/100, giảm 16 bậc so với năm 2018. Trong số, chỉ số thành phần CCTTHC của Lạng Sơn đạt 90,93 điểm, giảm 1,03 điểm so với năm 2018. Nếu như năm 2018, Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu chỉ số thành phần CCTTHC thì năm 2019 lại có kết quả giảm khá sâu, từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 29, giảm 20 bậc so với năm 2018.

Tuy nhiên, sau khi tỉnh Lạng Sơn công bố ban hành 255 Quyết định mới, bãi bỏ, thay thế, sửa đổi, bổ sung với 3.299 lượt TTHC, 100% TTHC được cập nhật, đăng tải trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Các cơ quan, đơn vị cũng tiến hành niêm yết công khai ngay TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại trụ sở. Việc niêm yết không chỉ đẹp về hình thức mà còn đúng quy định, đạt tới gần 100% TTHC được niêm yết (trước đây chỉ từ 70% – 80%). Một số sở, ngành còn có những sáng tạo trong niêm yết, công khai như Sở Tư pháp ngoài niêm yết tại trụ sở còn in tờ gấp phát đến người dân khi đến thực hiện thủ tục.

Để có được kết quả trên, công tác công bố, công khai TTHC thuộc thẩm quyền của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh cơ bản được thực hiện theo đúng quy trình, quy định và nề nếp hơn thời gian trước đây. Cùng với đó là sự nỗ lực của các sở, ngành trong việc xây dựng dự thảo quyết định công bố, công khai; nỗ lực chỉnh trang, cải tạo cơ sở vật chất để niêm yết đầy đủ, đúng quy định số lượng TTHC nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức tìm hiểu và giám sát việc thực hiện TTHC.

Cùng với công tác trên, việc thực hiện TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng DVCTT có chuyển biến rõ nét. Nếu như những năm trước, số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này chưa đạt 50% tổng số TTHC thì đến thời điểm này đã tăng lên gần 75% với gần 1.500 TTHC. Trong đó, UBND thành phố Lạng Sơn đạt cao nhất với 241/260 TTHC (gần 93%); cơ quan hành chính cấp xã huyện Văn Lãng có số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế này cao nhất, đạt trên 66%. Kết quả này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.

Đối với ứng dụng DVCTT cũng tăng đột biến. Cuối năm 2017, toàn tỉnh mới có 13/29 đơn vị triển khai ứng dụng, chủ yếu là DVCTT mức độ 2, chỉ có 14 DVCTT mức độ 3 thì đến nay đã tăng lên 29/29 cơ quan, đơn vị triển khai ứng dụng 3.295 DVCTT (2.642 DVC mức độ 2, 607 DVC mức độ 3 và 46 DVC mức độ 4). Từ đầu năm 2019 đến nay, các cơ quan, đơn vị đã tiếp nhận 34.494 hồ sơ và đã giải quyết 30.767 hồ sơ qua DVC.

Ông Phạm Hùng Trường, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh khẳng định: "Những kết quả trên đây là tiền đề để Lạng Sơn thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ cải cách TTHC. Văn phòng sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động kiểm soát TTHC nhằm đạt mục tiêu của Đề án cải cách TTHC tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020 đã đề ra".

Theo Đề án cải cách TTHC tỉnh Lạng Sơn tính đến năm 2020: 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương được công bố, niêm yết, công khai minh bạch đúng quy định; rà soát thực hiện cắt giảm 100% TTHC, quy định hành chính thuộc thẩm quyền quy định của UBND tỉnh gây khó khăn, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; 100% số TTHC đủ điều kiện được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; 100% TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 2; 50% TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 3; 30% TTHC được cung cấp DVCTT mức độ 4.

Với việc đưa ra những định hướng cụ thể về cải cách TTHC và đã có những tiến triển rất khả thi trong việc thực thi CCHC. Tuy nhiên năm 2019 vừa qua, Lạng Sơn lại có sự sụt giảm đáng kể về chỉ số CCHC. Theo kết quả của Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chính phủ vừa công bố, chỉ số CCHC năm 2019 (PAR INDEX) của Lạng Sơn đứng thứ 42/63 tỉnh, thành, đạt tổng điểm 80,33/100, giảm 16 bậc so với năm 2018. Trong đó, chỉ số thành phần cải cách TTHC của Lạng Sơn đạt 90,93 điểm, giảm 1,03 điểm so với năm 2018. Nếu như năm 2018, Lạng Sơn nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu chỉ số thành phần cải cách TTHC thì năm 2019 lại có kết quả giảm khá sâu, từ vị trí thứ 9 xuống vị trí thứ 29, giảm 20 bậc so với năm 2018.

Báo Lạng Sơn cho biết, chỉ số thành phần cải cách TTHC có sự biến động rõ rệt về thứ bậc do nhiều nguyên nhân tác động, dẫn đến bị giảm điểm ở một số tiêu chí. Cụ thể, việc phê duyệt quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC của tỉnh chưa đạt tỷ lệ 100% đối với cả 3 cấp chính quyền; đặc biệt có hai đơn vị là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Sở Giáo dục và Đào tạo không hoàn thành việc phê duyệt. Đồng thời, tỷ lệ hồ sơ TTHC các Sở tiếp nhận trong năm được giải quyết đúng hạn mới chỉ đạt 98,8%, chưa đạt điểm tối đa là 100%, các cơ quan có hồ sơ giải quyết chậm như: Sở Tài nguyên và Môi trường (1.350 hồ sơ), Sở Tư pháp (118 hồ sơ), Sở Xây dựng (30 hồ sơ)… Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khách quan tác động tới kết quả giảm điểm, tụt thứ bậc của chỉ số thành phần cải cách TTHC như: xây dựng phê duyệt nội bộ tương đối phức tạp, cán bộ kiêm nhiệm nhiều công việc ảnh hưởng đến công tác kiểm soát, thẩm tra,…

Sở VHTT&DL là một trong những sở, ngành chậm trễ trong trình UBND tỉnh phê duyệt xây dựng quy trình nội bộ trong giải quyết TTHC, ảnh hưởng tới chỉ số cải cách TTHC chung của tỉnh. Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cải cách, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý công chức, viên chức. Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ đẩy mạnh đơn giản hóa TTHC, rà soát, đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm thời hạn giải quyết các TTHC không phù hợp, đặc biệt là các TTHC liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, thường xuyên rà soát, chuẩn hóa dữ liệu TTHC, cung cấp các DVCTT trên Cổng DVCTT cấp tỉnh và quốc gia; chủ động theo dõi, cập nhật các văn bản, thông tư, nghị định, quyết định mới ban hành để kịp thời tham mưu, dự thảo trình UBND tỉnh theo đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ Hành chính công, Văn phòng UBND tỉnh cho biết: Trước thực tế chỉ số cải cách TTHC năm vừa qua giảm sâu về thứ hạng, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh nghiên cứu các giải pháp cải thiện chỉ số thành phần cải cách TTHC. Bên cạnh đó, tăng cường đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm túc bám sát các tiêu chí đánh giá chỉ số  cải cách TTHC, giảm tối đa tỷ lệ hồ sơ chậm hẹn, thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết; đẩy mạnh thực hiện DVCTT mức độ 3 và mức độ 4 gắn với nhận và trả kết quả TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổ chức các lớp tập huấn về đánh giá chỉ số thành phần cải cách TTHC cho các đơn vị sở, ngành, cấp xã.

Minh Thùy (T/h)