Ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 để giảm lãi suất

17:41, 20/01/2022

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022. Trong đó, một nội dung đáng chú ý là các ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay.

Theo NHNN, một trong những nhiệm vụ của các nhà băng trong năm nay là phải giảm chi phí hoạt động, tiết giảm lợi nhuận, không chia cổ tức bằng tiền để dành nguồn lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Cụ thể, cơ quan quản lý tiền tệ cho biết để tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giảm lãi suất cho vay thực chất, các ngân hàng cần cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận và không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2022.

Trong năm 2021 trước đó, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền để tập trung nguồn lực hỗ trợ giảm lãi suất cho người dân và doanh nghiệp. Như vậy, 2022 sẽ là năm thứ 2 liên tiếp các ngân hàng không được chia cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Ngân hàng không được chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2022 để giảm lãi suất.

Trong năm 2021 vừa qua, chỉ có 3 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt.

Trong đó, Vietcombank chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 12% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được về 1.200 đồng); BIDV chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 2% và VietinBank chia với tỷ lệ 8%.

Ước tính, tổng số tiền 3 nhà băng quốc doanh chi ra cho đợt trả cổ tức tiền mặt cuối năm 2021 lên tới gần 9.100 tỷ đồng. Đáng chú ý, riêng NHNN - đại diện sở hữu vốn Nhà nước - tại 3 ngân hàng này đã nhận về khoảng 6.459 tỷ từ việc sở hữu đa số vốn tại đây.

Tuy nhiên, phần cổ tức tiền mặt kể trên tại cả 3 ngân hàng đều được trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối giữ lại từ năm 2020, trong khi phần lợi nhuận năm 2021 đã được cổ đông chấp thuận giữ lại toàn bộ để phục vụ nhu cầu bổ sung vốn và phát triển ngân hàng.

Ngoài việc không chia cổ tức tiền mặt kể trên, NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại chấp hành nghiêm quy định, chỉ đạo của cơ quan quản lý về tiền tệ, ngoại hối và hoạt động ngân hàng, cùng các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong đó, phải thường xuyên thanh tra, giám sát tình hình chấp hành để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm.

Các nhà băng cũng phải xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh, tài chính năm 2022 bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, NHNN. Quán triệt trong toàn hệ thống thực hiện tăng trưởng tín dụng an toàn, chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.

NHNN yêu cầu các ngân hàng cân đối nguồn vốn, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng với mức lãi suất hợp lý.

Các ngân hàng không được nới lỏng điều kiện cấp tín dụng nhưng vẫn phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục...

Về tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp… NHNN yêu cầu tiếp tục kiểm soát chặt chẽ.

Ngoài ra, việc cho vay bằng ngoại tệ cũng phải được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và NHNN, hạn chế tình trạng đôla hóa trong nền kinh tế.

Với nhóm ngân hàng có hoạt động đại lý bảo hiểm, NHNN yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng.

 Chân Hoàn (T/h)