Những thành tựu y tế nổi bật trong năm 2022

09:26, 26/12/2022

Năm 2022 đã ghi nhận nhiều thành tựu y tế đáng chú ý trên thế giới nhằm đem đến cho con người những loại thuốc, phương pháp điều trị không thể thực hiện trước đây.

Cấy ghép tế bào gốc để tạo ra các tế bào kháng virus HIV

Một phụ nữ có HIV đã khỏi hoàn toàn sau khi được cấy ghép tế bào gốc lấy từ máu cuống rốn của người hiến tặng có đột biến gen hiếm gặp có khả năng kháng lại virus. Các bác sỹ cho rằng người được ghép tế bào gốc sẽ phát triển một hệ thống miễn dịch kháng lại virus HIV.

Bà Sharon Lewin, Chủ tịch Hiệp hội phòng chống AIDS quốc tế, cho biết: "Việc cấy ghép tế bào gốc có thể tạo ra các tế bào kháng virus HIV, ngăn chặn virus quay trở lại".

Việc điều trị hết virus HIV nhờ ghép tế bào gốc là một tin tích cực cho nhân loại trong cuộc chiến trường kỳ chống virus HIV.

Ca ghép tim đầu tiên từ lợn sang người

Ngày 11/1, David Bennett, 57 tuổi, trở thành bệnh nhân đầu tiên được cấy ghép tim lợn. Trong ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Đại học Maryland đã thay thế trái tim của ông bằng tim của một cơn lợn nặng 108 kg, đã chỉnh sửa gene và nhân giống cho mục đích đặc biệt này.

Ca phẫu thuật ban đầu được coi là thành công, song ông Bennett qua đời hai tháng sau đó. Tiến sĩ Bartley Griffith, người đứng đầu ca phẫu thuật, cho biết ông Bennett được phát hiện nhiễm một loại virus chỉ xuất hiện trên động vật, có tên porcine cytomegalovirus (pCMV).

Dù vậy, giới y khoa vẫn nuôi hy vọng về lĩnh vực cấy ghép dị chủng, tức là ghép các cơ quan hoặc mô từ động vật sang người. Từ lâu, các chuyên gia đã dày công nghiên cứu và biến đổi gene lợn để phù hợp ghép tạng cho người, không xảy ra tình trạng thải ghép. Nghiên cứu được đẩy nhanh trong thập kỷ qua nhờ vào công nghệ nhân bản và chỉnh sửa gene mới.

Các nhà khoa học kỳ vọng những quy trình này sẽ mở ra kỷ nguyên mới của y học trong tương lai, giải quyết tình trạng thiếu hụt tạng hiến cho hơn nửa triệu người Mỹ.

"Đây là sự kiện đặt tiền đề. Những cánh cửa mới đang mở ra, tôi tin rằng điều này sẽ dẫn đến những thay đổi lớn trong việc điều trị bệnh suy tạng", tiến sĩ David Klassen, giám đốc y tế của Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng thống nhất, cho biết. Tuy nhiên, ông lưu ý về các thách thức và rào cản liên quan đến quy trình này, như tình trạng thải ghép có thể xảy ra sau phẫu thuật kể cả khi bệnh nhân nhận tạng phù hợp.

Cấy thiết bị điện cực vào tuỷ sống giúp bệnh nhân bị liệt đi lại

Công nghệ cấy thiết bị điện cực vào tủy sống đã giúp những bệnh nhân bại liệt có thể đi lại.

Ông Michel Roccati, người Italy, gặp một tai nạn nghiêm trọng khiến ông bị liệt hoàn toàn phần thân dưới. Tuy nhiên, giờ đây, ông đã đi bộ được trở lại nhờ phương pháp cấy ghép tủy sống. Một giờ đồng hồ sau khi phẫu thuật, ông Roccati đã có thể thực hiện những bước đi đầu tiên.

Ông Gregoire Courtine, Học viện Công nghệ Lausanne, Thụy Sỹ, nói: "Chúng tôi đã cấy các thiết bị điện cực vào tủy sống để kích hoạt chính xác những cơ chân của những người bị liệt. 

Với công nghệ này, những người bị liệt hoàn toàn vẫn có thể đi lại sau vài tháng phục hồi chức năng thông qua kích thích điện tới tủy sống".

Với việc luyện tập hàng ngày, ông Roccati có thể đứng và đi bộ gần 1 km với sự hỗ trợ của một khung đỡ để giữ thăng bằng. Việc cấy ghép thành công cho ông Roccati mở ra hy vọng cho nhiều người bại liệt có thể vận động trở lại.

Niềm hy vọng trong điều trị ung thư

Điều trị ung thư là một quá trình kéo dài, chậm chạp và đắt đỏ. Sau hàng chục năm nghiên cứu, giới khoa học có một số đột phá trong phương pháp điều trị, nhưng những thay đổi chưa đáng kể. Đến nay, bằng liệu pháp nhắm mục tiêu vào khối u hoặc vaccine mRNA, thế giới đang dần thu được quả ngọt trong cuộc chiến ung thư.

Liệu pháp nhắm mục tiêu tập trung vào bản thân khối u và các tế bào ung thư thay vì hệ thống miễn dịch. Liệu pháp tấn công những tế bào và các protein phân chia đang có vấn đề, khiến khối u phát triển không kiểm soát.

Loại thuốc mới áp dụng cơ chế này có tên trastuzumab deruxtecan. Ở 373 bệnh nhân dùng thuốc trong thử nghiệm lâm sàng, các khối u ngừng phát triển trong khoảng 10 tháng.

Đối với các bệnh nhân ung thư vú di căn đang tiến triển bất chấp hóa trị, trastuzumab deruxtecan tấn công trực tiếp vào tế bào ung thư. Nó có độ chính xác tương đương chiếu tia laser, làm chậm sự phát triển của khối u và kéo dài sự sống cho người bệnh ở mức độ chưa từng thấy.

Niềm hy vọng khác của giới khoa học trong việc điều trị và phòng ngừa ung thư là vaccine sử dụng công nghệ mRNA, tương tự vaccine Covid-19. Vaccine huấn luyện hệ miễn dịch tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tụy.

Trong nghiên cứu được công bố tại Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Mỹ, một nửa số bệnh nhân được tiêm vaccine không mắc bệnh sau 18 tháng. Vaccine được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân với mã di truyền mRNA tìm thấy trong chính khối u của họ. Sau khi tiêm, vaccine hướng dẫn cơ thể tạo ra các protein giống hệt protein trên bề mặt khối u, kích hoạt phản ứng miễn dịch.

Lập bản đồ gene ở người


Sau hơn hai thập kỷ phát hành bản thảo đầu tiên, các nhà khoa học cuối cùng đã hoàn thành việc lập bản đồ gene ở người. Trong đó có tới 8% vật liệu di truyền không thể giải mã bằng công nghệ trước đây.

Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ cần nhiều năm để đưa ra kết quả cụ thể. Tuy nhiên, bản đồ gene người có thể sẽ cung cấp hiểu biết sâu sắc về sự phát triển của con người, quá trình lão hóa, các bệnh như ung thư và sự đa dạng, tiến hóa, di cư của loài người tiền sử.

Việc lập bản đồ di truyền giúp giải thích cách loài người thích nghi và sống sót sau các đợt dịch bệnh, cách cơ thể tự loại bỏ chất độc, cách con người phản ứng với thuốc.

"Bản đồ cũng lý giải vì sao bộ não của con người trở nên khác biệt, điều gì khiến người hiện đại ưu việt hơn các động vật khác", Evan Eichler, nhà di truyền học tại Trường Y thuộc Đại học Washington, cho biết.

Nghiên cứu vaccine ngừa virus hợp bào hô hấp đạt kết quả khả quan

Trong năm 2022, các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn vaccine ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) đã chứng minh hiệu quả và độ an toàn trên hai nhóm ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ sơ sinh và người già.

Cả hai loại vaccine đang được thử nghiệm đều ngăn ngừa chuyển nặng ở người trên 60 tuổi mà không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Một loại vaccine có thể bảo vệ trẻ sơ sinh trong vòng 6 tháng nếu được tiêm cho bà mẹ vào cuối thai kỳ. Mũi tiêm giúp phụ nữ mang thai truyền kháng thể cho con.

Việc phát triển vaccine RSV đã chững lại trong nhiều thập kỷ, sau khi thử nghiệm lâm sàng cách đây hơn 50 năm gây tử vong cho hai trẻ, khiến 80% trẻ phải nhập viện. Nguyên nhân chính là vaccine tạo kháng thể tương đối yếu, không những không ngăn được virus mà còn thúc đẩy RSV làm hỏng đường thở của trẻ.

Các loại vaccine mới tránh được vấn đề này, dựa vào nghiên cứu quan trọng do Barney Graham và các đồng nghiệp tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia thực hiện. Protein từ virus được sử dụng trong vaccine có thể thay đổi hình dạng khi gắn vào một thụ thể của tế bào. Kết quả, mũi tiêm kích hoạt phản ứng kháng thể mạnh mẽ hơn nhiều.

Tìm ra thuốc điều trị bệnh Alzheimer

Sau hơn 30 năm nghiên cứu về bệnh Alzheimer, các nhà khoa học cuối cùng đã tìm ra một loại thuốc có thể làm chậm quá trình phát triển của bệnh Alzheimer. Hai hãng dược phẩm Eisai (Nhật Bản) và Biogen (Mỹ) đã phối hợp phát triển thuốc điều trị bệnh Alzheimer có tên là Lecanemab. Loại thuốc này có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm chức năng và nhận thức ở các bệnh nhân giai đoạn đầu.

Ở những người sử dụng thuốc tiêm Lecanemab, tiến trình thoái hóa não chậm lại tới 27% so với những người dùng giả dược. Điều này mở ra hy vọng cho các bệnh nhân đang tuyệt vọng kiếm tìm liệu pháp hiệu quả.

Minh Thuỳ (T/h)