Sóng điện ra Côn Đảo: Thiêng liêng và tri ân

05:25, 18/08/2010

           Sau gần 3 tháng chuẩn bị, hành trình “Tuổi trẻ nhiệt huyết” của chúng tôi đã tới được mảnh đất lịch sử Côn Đảo. Ai cũng trào dâng cảm xúc khi được về đây nghe những cây bàng cổ thụ kể chuyện xưa, nghe hàng dương vi vu giọng ca trong trẻo của chị Võ Thị Sáu ngày nào vọng về. Những món quà tri ân bằng cả tấm lòng của tuổi trẻ chúng tôi ở huyện đảo này - nơi biết bao lớp cha anh đi trước đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hy sinh - càng khuyến khích thêm tinh thần lao động sáng tạo và chung tay phát triển cộng đồng của mỗi người.

           Hồi hộp 14 giờ không ngủ trên tàu

            Con tàu mang tên “Côn Đảo 09” thúc từng hồi còi vang, chuyển mình rời bến. Chiều hoàng hôn Vũng Tàu dệt từng sợi vàng  lên các khuôn mặt hành khách đổ dồn lên boong ngắm nhìn thành phố dần lùi xa. Cách đất liền Bà Rịa gần 100 hải lý, Côn Đảo trấn giữ vùng biển Đông Nam của Tổ quốc với những thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng tiềm năng giàu có của biển và rừng. Vậy mà nơi đó lại được mệnh danh là “địa ngục trần gian”, đã từng ghi dấu truyền thống đấu tranh bất khuất, hào hùng của biết bao chiến sĩ cách mạng với những nhà tù Côn Đảo, nghĩa trang Hàng Dương, cầu Ma Thiên Lãnh, cầu tàu 914... để hôm nay có được những chiều bình yên, nắng như mật ong sóng sánh trên biển, phủ lên những con tàu lớn nhỏ, lên những phuy dầu to bằng cả tòa nhà đứng trầm mặc ven bờ. Và giờ đây chúng tôi đang có một hành trình thiêng liêng tới đó, để tri ân và để thêm lửa cho “Tuổi trẻ nhiệt huyết” đang rực cháy trong mỗi con tim.
 

         Bình minh Côn Đảo đón chúng tôi thật yên ả, vài con tàu của ngư dân đi cá từ chiều hôm trước về bến, người lên kẻ xuống nhưng không ồn ào. Hơn 240 khách xuống tàu trong trật tự, ai cũng í ới alo báo về nhà là mình đã đặt chân lên đảo, hoặc gọi người thân ra đón, gọi mối ra nhận hàng... thật nhộn nhịp và tíu tít.

         “Vườn tri thức” rạng rỡ nụ cười em thơ

          Trong 3 tháng chuẩn bị “xây vườn”, Ban liên lạc Đoàn chúng tôi đã vận động các đơn vị đóng góp sức người, sức của và khẩn trương thi công ngay trong khuôn viên thư viện huyện. Đoàn ra đến nơi chỉ còn làm nốt việc thiết lập đường truyền kết nối. Người dân Côn Đảo đã không khỏi ngạc nhiên trước khoảng sân rộng đã được một giàn cây phong lan che mát, sang trọng như Cafe sân vườn khách sạn 3 sao; dưới các giò hoa là 10 chiếc ghế đá kê rải rác để ngồi đọc sách; phòng học 20 máy tính nối Internet truy cập miễn phí ngay bên cạnh đối diện với phòng mượn và đọc sách có từ trước. Hai tủ sách khoa học, kỹ thuật đặt 2 góc phòng máy.
 

           Phải thừa nhận chính quyền nơi đây “đầu tư cho tương lai” khá tốt, không mấy thư viện huyện mà phòng đọc lại được trang bị điều hòa ngay từ đầu; từng nhóm học sinh trước và sau giờ học đạp xe vào mượn, trả sách trông thật đáng yêu. Gặp 3 em nhỏ sàn sàn nhau vừa mượn sách xong mang ra ghế đá mới ngồi đọc, hỏi chuyện mới biết trong số đó em Nghĩa đã từng bỏ học 4 năm trước đây vì hoàn cảnh gia đình, xong do hàng ngày nhìn chúng bạn đi học thật vui mà em đã trở lại trường, chấp nhận học sau bạn đồng lứa. Thế nên trong câu chuyện thấy em vui buồn lẫn lộn, nhưng quan trọng nhất là sự khát khao tri thức đã kéo em trở lại trường lớp với thày cô và bạn bè. Và hôm nay, em đang ở đây trong một khu “Vườn tri thức” xanh màu hy vọng.

           Nhìn học sinh quấn quít bên nhau nghe các anh chị thanh niên tình nguyện hướng dẫn sử dụng máy tính nối mạng, ông Trưởng phòng thông tin của huyện đảo cho biết, sẵn có phòng máy Internet hiện đại thế này thì các lớp học máy tính cho cán bộ công chức tới đây nhất định sẽ tận dụng. Khi đó các anh em kỹ thuật  bên Trung tâm Viễn thông và Bưu điện huyện cũng sẵn sàng hướng dẫn nếu các anh có yêu cầu.

         “Vườn tri thức” đã được cắt băng khánh thành và trao tặng ngay cho Côn Đảo. Đây là món quà độc đáo thứ 9 của hành trình “Tuổi trẻ nhiệt huyết VNPT” dành tặng người dân ở nhiều địa phương trên cả nước, trong đó chủ yếu là vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo như Ninh Thuận, Gia Lai Kon Tum, huyện đảo Bạch Long Vĩ...
 

           Theo như đánh giá của Bí thư Đảng ủy Tập đoàn VNPT Hoàng Thọ Thái tại buổi lễ, thì mô hình mới này thực sự là hoạt động đầy tính sáng tạo của Đoàn thanh niên. Đại diện chính quyền địa phương tiếp nhận, Phó chủ tịch huyện Côn Đảo Châu Anh Kiệt bày tỏ, Internet được phổ cập rộng rãi sẽ là công cụ quan trọng và có ý nghĩa rất lớn giúp người dân đảo xa tiếp cận với tri thức, cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần cho mọi nhà, góp phần thúc đẩy KT-XH của huyện đảo phát triển.  

           Dịp này đồng nghiệp của chúng tôi cũng đang rộn rã tổ chức tuần lễ tri ân khách hàng trên phạm vi cả nước, với việc đưa ra thị trường hàng loạt dịch vụ và công nghệ mới hiện đại. Riêng ở Bà Rịa - Vũng Tàu, nhiều hoạt động “Vì sự phát triển cộng đồng” và chăm sóc khách hàng cũng đã được triển khai mạnh, trong đó có có việc trao 100 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho học sinh vượt khó học giỏi nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tặng 5.000 máy điện thoại Gphone cho các hộ gia đình nghèo.

            Còn ở huyện Côn Đảo trong hành trình “Tuổi trẻ nhiệt huyết” lần này, cùng với việc thăm hỏi các gia đình chính sách ở địa phương, Đoàn thanh niên cũng đã trao tặng thêm 20 suất học bổng “VNPT - Chắp cánh tài năng Việt” trị giá 1.000.000 đồng/suất cho các em học sinh vượt khó học giỏi nơi đây.

             Phát triển các dịch vụ viễn thông trong “hành trình”

            Cách đất liền Bà Rịa cỡ 185km mặt biển nhưng Côn Đảo lại luôn tràn ngập sóng điện, trừ đôi chỗ hẹp ở hẻm núi khuất sóng thì hầu như đứng chỗ nào trên đảo cũng có thể gọi di động được. Nhiều trạm viễn thông và BTS được đặt trên những đỉnh núi cao nhất mà “thổ dân” có trèo quen cũng phải mất 2-3 giờ. Gian nan là thế nhưng CBCNV của VNPT Vũng Tàu vẫn kiên trì bám trụ, họ thay nhau 5 ngày/ca trực, leo núi mang thức ăn lên dùng cả tuần cho tới khi xuống đổi phiên. Nhờ vậy mà huyện đảo này chỉ có khoảng gần 6.300 dân thì riêng thuê bao Internet, điện thoại cố định và di động trả sau của mạng này đã đạt 67 máy/100 dân, trong đó 40% hộ gia đình đã lắp đặt và sử dụng MegaVNN.

           Trong “hành trình” lần này, chúng tôi cũng đã tranh thủ giới thiệu và quảng bá các dịch vụ này tới người dân huyện đảo. Ai có nhu cầu sử dụng có thể đăng ký ngay trong khuôn viên của “Vườn tri thức”. Riêng các em học sinh thì vì chưa có CMND nên khi đăng ký phải có sự bảo trợ của phụ huynh. Quy định chung của nhà trường là học sinh không được sử dụng điện thoại trong lớp học, tuy vậy những lúc các em ở ngoài thì gia đình cũng có nhu cầu liên lạc, với biết có bao nhiêu việc trong cuộc sống như: phụ giúp công việc, quan hệ bạn bè và họ hàng...

            Thức cả 14 giờ tối đêm trên tàu khi ra đảo nên chúng tôi đã thực nghiệm và thấy, trong khoảng 4-5 giờ gần bờ và gần đảo thì đứng trên boong có thể alo di động được, khúc giữa còn lại thì... “sóng loãng”. Tuy vậy, hành khách cần liên lạc khẩn có thể sử dụng nhờ thiết bị vô tuyến trong buồng lái. Theo quy định thì cứ sau mỗi giờ chạy, tàu phải gửi báo cáo về đất liền cho biết tình hình của cả con tàu cũng như thời tiết biển vùng đó. Việc tham khảo các nguồn dự báo thời tiết của Nha khí tượng và của thực địa do các tàu báo về sẽ cho phép điều hành các chuyến chạy theo lịch trình hay tạm ngừng, hoặc điều chỉnh chuyến...

            Thày thuốc của nhân dân và những nụ cười bẽn lẽn

            Cũng như các “hành trình” khác, đoàn chúng tôi có 2 bác sỹ khám chữa và 1 trình dược viên cấp phát thuốc miễn phí cho người dân huyện đảo. Chỉ một buổi trong ngày tình nguyện đầu tiên đã có tới gần 200 lượt bệnh nhân từ 2-3 tuổi tới các cụ già chống gậy đến đăng ký khám chữa. Cách vấn bệnh rất thẳng thắn mà tình cảm của anh bác sỹ Bệnh viện Bưu điện mới tu nghiệp sau đại học ở Pháp về đã khiến cho bệnh nhân hết sức hài lòng. Họ đã nói ra được đầy đủ các triệu chứng của mình để rồi nhận được những tư vấn và đơn thuốc “đúng người đúng bệnh”. Bàn tay ân cần của nữ bác sỹ, vừa thăm khám vừa nựng em nhỏ còn sợ hãi trước cảm giác lành lạnh của chiếc ống nghe.

            Một hoạt động mới đầu tiên có trong “hành trình” lần này, đó là tư vấn sức khoẻ sinh sản vị thành niên cho các em học sinh. Gần 80 em học sinh cấp 2 trường Võ Thị Sáu đã cùng chia sẻ với một nữ bác sỹ khác đến từ Bệnh viện Từ Dũ. Ban đầu thì em nào cũng bẽn lẽn che miệng cười, hoặc đỏ mặt xấu hổ khi bắt gặp ống kính máy ảnh. Sau đó là không khí thảo luận sôi nổi đến nghẹt thở trong hội trường. “Cuộc sống đích thực” này đã kéo chúng tôi về một thời vô tư và hồn nhiên trên ghế nhà trường.

         Đồng hành cùng chúng tôi dịp này, Intel Việt Nam cũng đã tiếp tục bị hấp dẫn bởi dòng máu “Tuổi trẻ nhiệt huyết”, chung tay đóng góp cho cộng đồng. Ngoài 10 máy tính tặng cho thư viện huyện, hãng cũng dành tặng bộ 30 máy tính cho Trường cấp 2-3 Võ Thị Sáu. Ngay từ bây giờ, các em đã có thêm công cụ phuc vụ cho học tập, máy tính nối mạng sẽ giúp các em dễ dàng tiếp cận với nguồn thông tin rộng lớn hơn, tăng cường thêm nguồn tri thức cho các em để sau này đóng góp xây dựng và phát triển quê hương được nhiều hơn.

         Linh thiêng nghĩa trang Hàng Dương

         Với những gì được thiên nhiên ưu đãi thì Côn Đảo thực sự có tiềm năng rất lớn cả về kinh tế biển, du lịch, dầu khí, cảng biển… nhưng có 2 thứ mà anh bạn tôi đã rỉ tai trước khi đi: Côn Đảo có rừng nguyên sinh đặc dụng hiếm có và là “bàn thờ tổ quốc” linh thiêng.

         Đoàn chúng tôi lặng bước giữa những con đường rợp tán cây trong nghĩa trang Hàng Dương, 2 hàng ghế đá trải dài suốt đường đi hình như đang thấp thoáng bóng các anh các chị một thuở. Nắng ấm xen qua kẽ lá đã đẩy lùi xa đi những gông xiềng lạnh lẽo.

         Kể từ những năm 1700 khi thực dân Anh chiếm đóng Côn Đảo, rồi những năm 1800 Nguyễn Ánh dùng làm nơi giam giữ tù nhân. Đến năm 1862 thì thực dân Pháp thiết lập nhà tù đầu tiên trên đất Việt Nam và cũng là một nhà tù lớn nhất Đông Dương, với chuyến tàu đầu tiên chở 500 “phạm nhân” ra Côn Đảo. Trải qua 2 cuộc kháng chiến, đã có biết bao nhiêu chiến sỹ cách mạng đã từng bị tù đày khổ ải nơi đây, đã có biết bao nhiêu người đã đổ máu và nằm xuống.

           Chúng tôi nhẹ bước chân bởi biết rằng, ngay dưới chân mình đây còn biết bao nhiêu mảnh xương của tiền bối vẫn còn náu mình, mà những ngôi mộ có ngôi sao vàng kia chỉ là số ít tìm thấy. Người ta bảo nghĩa trang Hàng Dương có nhiều tầng nhiều lớp mộ chứ không chỉ những gì trên bề mặt, biết bao người con ưu tú của Đất Việt đã gửi lại một phần máu xương của mình lại nơi đây?!.

          Bên mộ chị Võ Thị Sáu ngào ngạt từng sợi khói nhang quện chặt và vươn bay lên cao, giọng hát khe khẽ của cô bé hướng dẫn viên nhỏ nhắn mặc chiếc áo dài phớt tím: “Mùa hoa lê-ki-ma nở... Thôn xóm vẫn nhớ tên người anh hùng... Chị đã dâng cả cuộc đời, để chiến đấu với bao niềm tin... Chị Sáu đã hy sinh rồi, giọng hát vẫn như còn vang dội - vào trái tim những người đang sống, giục đi lên không bao giờ lui”. Biết tôi ghi âm nhưng em vẫn bảo hát khẽ thôi, vì chị Sáu ở nơi đây đã yên lặng từ lâu lắm rồi.

            Chúng tôi đã có một hành trình đáng nhớ thật thiêng liêng trong cuộc đời mình, để tri ân mảnh đất và những con người đã nhuốm máu xương vì đất nước./.

                                                                                                                                                                                                         Chí Bằng

TIN LIÊN QUAN