Thương mại điện tử ăn nên làm ra trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp

11:58, 09/12/2021

Có thể nói, 2021 là một năm bùng nổ của thị trường thương mại điện tử trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Những tháng cuối năm, nhiều sàn thương mại điện tử tung hàng loạt chương trình khuyến mại nhân các "ngày đôi" như 9/9, 10/10, 11/11, Black Friday đến 12/12... Kéo theo đó, doanh thu và số đơn đặt hàng của các sàn tăng trưởng đều đặn.

Kết thúc dịp sale 11/11 vừa qua, đại diện Shopee cho biết đã thiết lập 2 kỷ lục mới.

Cụ thể, hơn 2 tỷ mặt hàng đã được bán ra, phá vỡ kỷ lục được thiết lập vào năm 2020, đồng thời số người dùng truy cập vào nền tảng tăng gấp 5,5 lần so với ngày thường. Nhiều nhà bán hàng địa phương ghi nhận mức tăng trưởng mạnh với lượng đơn hàng tăng gấp 18 lần trong lần đầu tiên tham gia lễ hội mua sắm này.

Tiki cũng đánh giá đây là chương trình thành công nhất của doanh nghiệp từ trước đến nay với kỷ lục tăng trưởng chưa từng có. Doanh số bán hàng năm nay tăng 9 lần với số đơn hàng tăng gấp nhiều lần, lượng khách hàng mua sắm tăng gấp 2 lần so với ngày thường.

Trong khi đó, đại diện Lazada cho biết doanh thu và số đơn đặt hàng trên toàn sàn tăng gấp 2 lần so với năm 2020. Số lượng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia cũng tăng gấp 1,5 lần.

Các sàn thương mại điện tử ghi nhận những con số kỷ lục trong năm 2021.

Hồi cuối tháng 11, tại họp báo Tuần lễ mua sắm trực tuyến và Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2021, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoài Hải đã đánh giá Covid-19 là chất xúc tác giúp thương mại điện tử phát triển nhanh, mạnh hơn.

Ông ước tính trong giai đoạn dịch vừa qua, dù bị ảnh hưởng bởi các quy định hạn chế di chuyển, giãn cách xã hội, thương mại điện tử ở Việt Nam vẫn tăng trưởng khoảng 18%.

"Hiếm nước nào trong khu vực Đông Nam Á, thương mại điện tử tăng trưởng 2 con số trong đại dịch", ông Hải đánh giá.

Khi cho ra đời sản phẩm thẻ tín dụng mới hỗ trợ cho các giao dịch mua sắm trực tuyến hồi cuối tháng 10, đại diện HSBC nhấn mạnh: "Với dân số hơn 97 triệu người vào năm 2020 và tầng lớp trung lưu tăng trưởng nhanh bậc nhất Đông Nam Á, Việt Nam nổi lên như một thị trường thương mại điện tử đầy hứa hẹn".

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 càng góp phần thúc đẩy ngành này tăng trưởng nhanh hơn với nhiều khách hàng truyền thống bắt đầu làm quen với trải nghiệm tiện lợi của mua sắm trực tuyến. Nếu 2020 là năm người tiêu dùng "làm quen" với giãn cách xã hội, mua sắm trực tuyến và thanh toán không tiếp xúc, thì năm nay là thời điểm chín muồi để thương mại điện tử bùng nổ.

Trong bối cảnh người tiêu dùng dành hầu hết thời gian ở nhà, nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng tại các nước Đông Nam Á cho thấy quá trình chuyển dịch từ cửa hàng vật lý sang các nền tảng thương mại điện tử diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng vài tháng.

Sự chuyển đổi này tạo ra lợi thế cho dịch vụ giao hàng tận nhà khi có đến 87% người tiêu dùng Việt được khảo sát đang sử dụng dịch vụ này và 82% trải nghiệm dịch vụ lần đầu tiên từ khi Covid-19 xuất hiện. Theo đó, trong số 10 đơn hàng thì có đến gần 6 đơn hàng được giao đến nhà, tăng gấp 20 lần so với trước đại dịch.

Số liệu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng cho biết đến nay, hơn một nửa dân số Việt Nam đã tham gia mua sắm trực tuyến.

“Người tiêu dùng ngày càng hứng thú hơn với sự tiện lợi của hình thức mua sắm trực tuyến. Việc sử dụng thanh toán trực tuyến thường xuyên hơn khiến họ nhận ra sự an toàn và đơn giản của các hình thức này. Sự thay đổi hành vi người tiêu dùng là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển năng lực kỹ thuật số và có những bước tiến sâu hơn vào lĩnh vực thương mại điện tử”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết.

Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp thương mại điện tử càng tích cực đưa ra chiến lược cạnh tranh. Từ hoạt động tiếp thị đa kênh với sự hỗ trợ của những người nổi tiếng ở trong nước và quốc tế, các sàn cũng đẩy mạnh "shoppertainment (kết hợp giữa mua sắm và giải trí) thông qua các chương trình đại nhạc hội, livestream và game tương tác...

Bên cạnh đó, khâu logistics cũng ngày càng được chú trọng khi các sàn rút ngắn thời gian giao hàng ở mức giá hợp lý, đầu tư vào tự động hóa, ứng dụng robot vận chuyển nhằm nâng cao năng lực vận hành kho vận.

Các doanh nghiệp thương mại điện tử ngày càng tích cực ra các chiến lược cạnh tranh.

Sự xuất hiện của thương mại điện tử đã thổi một luồng sinh khí vào đời sống tiêu dùng của xã hội. Sàn thương mại điện tử không chỉ thỏa mãn các tín đồ mua sắm, nó còn là nơi gặp mặt của các bà nội trợ, vui chơi của gia đình. Sẽ có tới 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến đạt trung bình 600 USD/người/năm. Doanh thu của mô hình TMĐT B2C tăng 25%/năm, đạt 35 tỷ USD, chiếm 10% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Trong giai đoạn trước khi Việt Nam gia nhập WTO loại hình bán lẻ hiện đại đã lan ra cả nước và tăng nhanh về số lượng cũng như quy mô. Nhiều siêu thị và trung tâm mua sắm có diện tích hàng vạn mét vuông, bán ra hàng vạn mặt hàng với các chủng loại kích cỡ. Nhiều đại siêu thị kết hợp bán lẻ, mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí… ra đời. Nhưng đến nay bị đại dịch Covid-19 hạ gục bất ngờ, tạo cơ hội cho sàn thương mại điện tử phát triển mạnh với một số lý do.

Thứ nhất, Việt Nam là một nền kinh tế hàng hóa với nhiều sản phẩm đa dạng, phong phú. Đây chính là nguồn lực thúc đẩy kết nối hàng hóa đa phương, cùng với việc mở cửa thị trường đã thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Sự có mặt của họ khiến cho các nhà sản xuất, tiêu thụ trong nước phải thay đổi, tổ chức lại hệ thống kinh doanh để tồn tại.

Thứ hai, sự phát triển của hạ tầng viễn thông, đặc biệt Internet và các công nghệ, thiết bị mới giúp cho công tác quản lý, giám sát, mua sắm, thanh toán được tiện lợi, nhanh chóng.

Thứ ba, tăng trưởng nền kinh tế dương của Việt Nam kéo theo thu nhập của người dân tăng cao khiến việc mua sắm, tiếp cận công nghệ ở các sàn TMĐT không còn quá xa lạ. Năm 2021, GDP bình quân đầu người (GDP/người) của Việt Nam là 2.786 USD/người. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.98% trong năm 2020, giảm 71 USD/người so với con số 2.715 USD/người của năm 2019.

 Chân Hoàn (T/h)